Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Làm sao kháng cự áp lực bạn bè về “chuyện ấy”?

Làm sao kháng cự áp lực bạn bè về “chuyện ấy”?

 “Hồi mình còn đi học, nếu có bạn nào nói là đã từng làm ‘chuyện ấy’ thì những bạn khác cảm thấy họ cũng nên thử để được bằng bạn bằng bè. Suy cho cùng, không ai muốn bị xem là lập dị”.—Elaine, 21 tuổi.

 Có bao giờ bạn cảm thấy bị áp lực phải làm “chuyện ấy”—chỉ vì dường như ai cũng đã nếm trải rồi?

 Có bao giờ bạn cảm thấy bị áp lực phải làm “chuyện ấy” vì bị người yêu thúc ép không?

 Nếu có thì bài này sẽ giúp bạn kháng cự áp lực—từ bạn bè hay thậm chí từ chính ham muốn của bản thân—để bạn có thể quyết định khôn ngoan hơn.

 Những quan điểm sai và sự thật

 QUAN ĐIỂM SAI: Ai cũng làm “chuyện ấy” rồi (ngoại trừ mình).

 SỰ THẬT: Theo một cuộc khảo sát, 2/3 số người trong độ tuổi 18 nói rằng họ đã làm “chuyện ấy”. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là còn nhiều người—đến hơn 30 phần trăm—thì chưa. Vì vậy, không phải ai cũng từng làm “chuyện ấy”.

 QUAN ĐIỂM SAI: “Chuyện ấy” sẽ thắt chặt tình cảm của chúng mình.

 SỰ THẬT: Dù một số bạn nam sẽ nói vậy để thuyết phục bạn gái làm “chuyện ấy” nhưng sự thật thì ngược lại. Thường thì cậu ta sẽ chia tay với cô gái sau khi làm “chuyện ấy”—khiến cô vô cùng tức giận vì đã nghĩ rằng anh ấy yêu mình hay ít nhất là có gì đó ràng buộc với mình. a

 QUAN ĐIỂM SAI: Kinh Thánh nói làm “chuyện ấy” là sai.

 SỰ THẬT: Kinh Thánh cho biết việc quan hệ tình dục không có gì sai nhưng chỉ dành cho người nam và nữ đã kết hôn.—Sáng thế 1:28; 1 Cô-rinh-tô 7:3.

 QUAN ĐIỂM SAI: Việc sống theo tiêu chuẩn Kinh Thánh khiến đời bạn khốn khổ.

 SỰ THẬT: Nếu đợi đến khi kết hôn mới làm “chuyện ấy” thì bạn sẽ hạnh phúc hơn vì tránh được cảm giác lo lắng, hối tiếc và bất an do quan hệ trước hôn nhân gây ra.

 Chốt lại vấn đề: Sẽ không ai bị tổn hại nếu đợi đến khi kết hôn mới làm “chuyện ấy”. Ngược lại, làm “chuyện ấy” trước khi kết hôn thì có nhiều hậu quả.

 Làm sao kháng cự áp lực làm “chuyện ấy”?

  •   Củng cố niềm tin chắc về những tiêu chuẩn đạo đức. Kinh Thánh nói người trưởng thành thì có “khả năng nhận thức mà có thể rèn luyện khả năng ấy để phân biệt điều đúng, điều sai” (Hê-bơ-rơ 5:14). Người như thế biết chắc điều gì đúng và điều gì sai nên có thể kháng cự áp lực chiều theo người khác.

     “Mình nỗ lực rất nhiều để làm điều đúng và có danh tiếng tốt nên mình sẽ không làm gì để phải đánh mất điều đó”.—Alicia, 16 tuổi.

     Hãy thử nghĩ: Bạn muốn có danh tiếng nào? Có đáng để hy sinh danh tiếng ấy chỉ để làm hài lòng ai đó?

  •   Nghĩ đến hậu quả. Kinh Thánh nói: “Ai gieo gì sẽ gặt nấy” (Ga-la-ti 6:7). Hãy hình dung đời sống của bạn—và của người khác—có thể thay đổi ra sao nếu bạn chiều theo áp lực làm “chuyện ấy”. b

     “Quan hệ trước hôn nhân thường mang đến mặc cảm tội lỗi, sự hối tiếc và thậm chí là cảm giác không được yêu thương, chưa kể đến chuyện mang thai ngoài ý muốn hoặc mắc bệnh lây qua đường tình dục”.—Sienna, 16 tuổi.

     Hãy thử nghĩ: Một cuốn sách về giới tính (Sex Smart) nêu câu hỏi: “Nếu bạn bè thúc ép bạn làm những điều gây hại cho bản thân thì đó có phải là loại người mà bạn nên giao du và nghe theo mỗi khi quyết định những chuyện quan trọng không?”.

  •   Có cái nhìn thăng bằng. Tình dục không phải là điều xấu. Thật ra, Kinh Thánh nói rằng những người đã kết hôn nên vui thích khía cạnh này trong hôn nhân.—Châm ngôn 5:18, 19.

     “Tình dục là một điều tuyệt vời trong sự sáng tạo. Đức Chúa Trời muốn chúng ta vui hưởng điều này nhưng phải theo hướng dẫn của ngài, tức trong khuôn khổ hôn nhân”.—Jeremy, 17 tuổi.

     Hãy thử nghĩ: Nếu kết hôn trong tương lai, bạn sẽ có thể quan hệ tình dục. Lúc ấy, bạn sẽ vui hưởng điều đó một cách trọn vẹn mà không cần lo về những hậu quả kể trên.

a Dĩ nhiên, không phải lúc nào con trai cũng là người chủ động. Trong nhiều trường hợp, các bạn nữ cũng cố dụ dỗ các bạn nam làm “chuyện ấy”.

b Những hậu quả có thể kể đến bao gồm việc mang thai ngoài ý muốn và—tùy theo độ tuổi của hai người trong cuộc—mà có thể bị kiện vì quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên.