Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Các quy tắc gia đình có thật sự cần thiết không?

Các quy tắc gia đình có thật sự cần thiết không?

 Bạn đang gặp khó khăn với một quy tắc gia đình? Bài này và phiếu thực tập kèm theo sẽ giúp bạn thảo luận với cha mẹ về quy tắc này.

 Cái nhìn đúng đắn

 Quan điểm sai: Khi sống xa nhà, bạn được giải thoát và sẽ không còn phải tuân theo các quy tắc nào nữa.

 Sự thật: Khi sống xa nhà, bạn vẫn phải tuân theo các quy tắc nào đó. Các quy tắc này có thể đến từ người khác như cấp trên, chủ nhà hay ngay cả chính phủ. Em Danielle, 19 tuổi nói: “Các bạn trẻ nào không tuân theo các quy định ở nhà sẽ bị sốc khi sống tự lập”.

 Kinh Thánh nói: ‘Hãy vâng lời chính phủ cùng các bậc cầm quyền’ (Tít 3:1). Học cách vâng theo các quy tắc do cha mẹ đề ra là một sự huấn luyện tốt để đối mặt với các quy tắc phải tuân theo trong cuộc sống sau này.

 Bạn có thể làm gì? Học cách xem xét khía cạnh tích cực của các quy tắc. Một thanh niên tên Jeremy chia sẻ: “Các quy tắc của cha mẹ thực sự đã giúp tôi biết cách chọn bạn bè và quản lý thời gian của mình. Thêm vào đó, các quy tắc giúp tôi tránh dành quá nhiều thời gian cho việc xem truyền hình và chơi game. Chúng giúp tôi tìm được những hoạt động hữu ích hơn. Tôi vẫn thích vài hoạt động như thế”.

 Phương pháp phù hợp

 Nhưng nói sao nếu một quy tắc có vẻ không hợp lý? Ví dụ, một thiếu nữ tên Tamara cho biết: “Cha mẹ cho phép tôi du lịch đến một nước khác nhưng lại không cho phép tôi lái xe đến thành phố chỉ cách nhà 20 phút!”.

 Nếu bạn đang ở trong tình huống tương tự, liệu có gì sai khi nói chuyện với cha mẹ về quy tắc đó? Hoàn toàn không! Quan trọng là biết khi nào là lúc thích hợp để nói và nói như thế nào.

 Thời điểm thích hợp. Một thiếu niên tên Amanda nói: “Chỉ khi bạn đã làm cho cha mẹ tin tưởng nơi mình thì bạn mới có thể nói chuyện với cha mẹ về việc điều chỉnh một quy tắc”.

 Một em trẻ tên Daria nhận xét điều trên là đúng: “Cho đến khi mẹ em thấy em luôn vâng lời, mẹ mới nghĩ đến việc thay đổi quy tắc”. Hãy nhớ rằng bạn cần làm cha mẹ tin tưởng mình chứ không phải đòi hỏi họ tin mình.

Sống trong một mái nhà mà không tuân theo các quy tắc gia đình thì cũng giống như bạn đang cố hạ cánh xuống một sân bay mà không tôn trọng các quy tắc về không lưu

 Kinh Thánh nói: “Hãy giữ lời răn-bảo của cha, chớ lìa-bỏ các phép-tắc của mẹ con” (Châm-ngôn 6:​20). Bằng cách vâng theo lời khuyên này, bạn sẽ xây dựng được lòng tin của cha mẹ và có cơ sở để thảo luận với họ.

 Làm thế nào. Một thanh niên tên Steven cho biết: “Khi nói chuyện với cha mẹ, bạn cần tôn trọng và điềm tĩnh thay vì rên rỉ và quát tháo”.

 Daria, nhân vật được nhắc đến ở trên cũng đồng ý với ý kiến này: “Khi tranh cãi với mẹ, em không thể thay đổi được điều gì. Thậm chí mẹ còn đưa ra những quy định khắt khe hơn nữa”.

 Kinh Thánh nói: “Kẻ ngu-muội tỏ ra sự nóng-giận mình; nhưng người khôn-ngoan nguôi lấp nó và cầm-giữ nó lại” (Châm-ngôn 29:11). Học cách tự chủ sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều, không chỉ tại nhà thôi mà còn cả trong trường học, công sở hay bất cứ nơi nào khác.

 Bạn có thể làm gì? Hãy suy nghĩ trước khi nói. Công sức tạo dựng lòng tin của cha mẹ nơi bạn có thể tan tành mây khói chỉ bởi một cơn giận dữ. Kinh Thánh quả thật có lý do chính đáng khi nói: “Kẻ nào chậm nóng-giận có thông-sáng lớn”.​—Châm-ngôn 14:29.

 Mẹo: Hãy sử dụng phiếu thực tập kèm theo để lý luận về các quy tắc và nếu cần thiết, hãy thảo luận với cha mẹ về chủ đề này.