Đi đến nội dung

Niên đại học Kinh Thánh cho biết gì về năm 1914?

Niên đại học Kinh Thánh cho biết gì về năm 1914?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Theo niên đại học Kinh Thánh, Nước Đức Chúa Trời được thành lập ở trên trời vào năm 1914. Lời tiên tri được ghi nơi sách Đa-ni-ên chương 4 cho thấy điều này.

 Tóm lược lời tiên tri. Đức Chúa Trời cho vua Nê-bu-cát-nết-sa của Ba-by-lôn thấy một giấc mơ mang tính tiên tri về một cây vô cùng cao lớn bị đốn. Gốc của nó bị ngăn không cho mọc lại trong một giai đoạn kéo dài “bảy kỳ”, sau đó cây sẽ mọc lại.​—Đa-ni-ên 4:1, 10-16.

 Sự ứng nghiệm lần đầu của lời tiên tri. Cây cao lớn trong lời tiên tri tượng trưng cho chính vua Nê-bu-cát-nết-sa (Đa-ni-ên 4:20-22). Ông bị “đốn” theo nghĩa bóng khi tạm thời bị mất trí khôn và vương quyền trong một giai đoạn kéo dài bảy năm (Đa-ni-ên 4:25). Khi được Đức Chúa Trời phục hồi trí khôn, Nê-bu-cát-nết-sa nhận lại ngôi vua và nhìn biết sự cai trị của Đức Chúa Trời.​—Đa-ni-ên 4:34-36.

 Bằng chứng cho thấy lời tiên tri có sự ứng nghiệm lớn hơn. Toàn bộ mục tiêu của lời tiên tri này là để “những kẻ sống biết rằng Đấng Rất Cao cai-trị trong nước của loài người; Ngài muốn ban cho ai tùy ý, và lập kẻ rất hèn-hạ trong loài người lên đó” (Đa-ni-ên 4:17). Liệu Nê-bu-cát-nết-sa kiêu ngạo có phải là người Đức Chúa Trời muốn ban cho quyền cai trị này không? Không, vì trước đó Đức Chúa Trời đã cho ông có một giấc mơ mang tính tiên tri khác, cho thấy không phải ông hay bất cứ nhà cai trị nào khác sẽ nhận được cương vị này. Thay vì vậy, Đức Chúa Trời sẽ “dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt”.​—Đa-ni-ên 2:31-44.

 Trước đó, Đức Chúa Trời đã thành lập một nước đại diện cho sự cai trị của ngài trên đất: nước Y-sơ-ra-ên xưa. Đức Chúa Trời cho phép nước này bị “úp đổ” vì các nhà cai trị của nước này bất trung, nhưng ngài báo trước là sẽ giao vương quyền cho “Đấng đáng được” (Ê-xê-chi-ên 21:30-32). Kinh Thánh nhận diện Chúa Giê-su Ki-tô là người được giao uy quyền hợp pháp trên Nước sẽ tồn tại mãi mãi (Lu-ca 1:30-33). Không giống Nê-bu-cát-nết-sa, Chúa Giê-su là người “có lòng khiêm nhường”, như được tiên tri trước.​—Ma-thi-ơ 11:29.

 Cây cao lớn trong Đa-ni-ên chương 4 tượng trưng cho gì? Trong Kinh Thánh, đôi khi cây tượng trưng cho sự cai trị (Ê-xê-chi-ên 17:22-24; 31:2-5). Trong lần ứng nghiệm lớn hơn của Đa-ni-ên chương 4, cây cao lớn tượng trưng cho sự cai trị của Đức Chúa Trời.

 Việc cây bị đốn có nghĩa gì? Việc cây bị đốn tượng trưng cho sự cai trị của Nê-bu-cát-nết-sa bị gián đoạn. Tương tự, hình ảnh này cũng tượng trưng cho sự cai trị của Đức Chúa Trời trên đất bị gián đoạn. Điều này xảy ra khi Nê-bu-cát-nết-sa hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem, nơi các vua của Y-sơ-ra-ên từng ngồi trên “ngôi của Đức Giê-hô-va”, với tư cách đại diện cho chính Đức Chúa Trời.​—1 Sử-ký 29:23.

 “Bảy kỳ” tượng trưng cho gì? “Bảy kỳ” tượng trưng cho giai đoạn Đức Chúa Trời cho phép các nước cai trị trái đất mà không có sự can thiệp của bất cứ nước nào do ngài thành lập. Theo niên đại học Kinh Thánh, “bảy kỳ” bắt đầu từ tháng mười năm 607 TCN, khi thành Giê-ru-sa-lem bị người Ba-by-lôn huỷ diệt a.​—2 Các Vua 25:1, 8-10.

 “Bảy kỳ” kéo dài bao lâu? “Bảy kỳ” không thể chỉ kéo dài bảy năm như trong trường hợp của Nê-bu-cát-nết-sa. Chúa Giê-su cho biết câu trả lời khi nói “thành Giê-ru-sa-lem [biểu tượng của sự cai trị của Đức Chúa Trời] sẽ bị dân ngoại giày đạp cho đến khi thời kỳ của dân ngoại chấm dứt” (Lu-ca 21:24). “Thời kỳ của dân ngoại”, giai đoạn Đức Chúa Trời cho phép sự cai trị của ngài bị “dân ngoại giày đạp”, tương ứng với “bảy kỳ” trong Đa-ni-ên chương 4. Điều này có nghĩa ngay cả khi Chúa Giê-su ở trên đất, “bảy kỳ” vẫn đang diễn ra.

 Kinh Thánh cung cấp manh mối để xác định độ dài của khoảng thời gian “bảy kỳ” mang tính tiên tri này. Kinh Thánh nói rằng ba kỳ rưỡi tương ứng với 1.260 ngày, nên “bảy kỳ” là gấp đôi, tương ứng với 2.520 ngày (Khải huyền 12:6, 14). Áp dụng quy luật tiên tri “một năm đền cho một ngày”, 2.520 ngày tượng trưng cho 2.520 năm. Vì vậy, “bảy kỳ”, hay 2.520 năm, kết thúc vào tháng 10 năm 1914.​—Dân-số Ký 14:34; Ê-xê-chi-ên 4:6.

a Để biết chi tiết tại sao lại là năm 607 TCN, xin xem bài “Thành Giê-ru-sa-lem xưa bị hủy diệt khi nào?—Phần 1” nơi trang 26-​31 của Tháp Canh ngày 1-10-2011 và bài “Thành Giê-ru-sa-lem xưa bị hủy diệt khi nào?—Phần 2” nơi trang 22-​28 của Tháp Canh ngày 1-11-2011.