Nội dung của sách Khải huyền là gì?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Tên của sách Khải huyền trong tiếng Hy Lạp là A·po·kaʹly·psis (apocalypse), có nghĩa “mạc khải” hay “tiết lộ”. Tên này tóm gọn nội dung của sách Khải huyền: sách tiết lộ những điều kín giấu và những sự kiện sẽ xảy đến sau khi sách được viết ra một thời gian dài. Nhiều lời tiên tri trong sách Khải huyền hiện nay chưa được ứng nghiệm.
Sơ lược sách Khải huyền
Phần giới thiệu.—Khải huyền 1:1-9.
Những thông điệp của Chúa Giê-su cho bảy hội thánh.—Khải huyền 1:10–3:22.
Khải tượng Đức Chúa Trời ngồi trên ngai trên trời.—Khải huyền 4:1-11.
Một loạt các khải tượng nối tiếp nhau:
Bảy con dấu.—Khải huyền 5:1–8:6.
Bảy tiếng kèn, trong đó ba tiếng kèn chót rao báo ba cơn khốn.—Khải huyền 8:7–14:20.
Bảy chén, mỗi chén chứa một tai họa tượng trưng cho sự phán xét của Đức Chúa Trời trút xuống trái đất.—Khải huyền 15:1–16:21.
Những khải tượng về sự hủy diệt các kẻ thù của Đức Chúa Trời.—Khải huyền 17:1–20:10.
Những khải tượng về các ân phước mà Đức Chúa Trời ban cho ở trên trời và dưới đất.—Khải huyền 20:11–22:5.
Phần kết luận.—Khải huyền 22:6-21.
Những bí quyết để hiểu sách Khải huyền
Nội dung của sách Khải huyền thì lạc quan, chứ không khiến những người phụng sự Đức Chúa Trời kinh hãi hay khiếp sợ. Trong khi nhiều người hiểu từ “apocalypse” theo nghĩa là tận thế và liên kết với thảm họa khủng khiếp, sách Khải huyền mở đầu và kết thúc bằng cách nói rằng những ai đọc, hiểu và áp dụng thông điệp trong sách sẽ được hạnh phúc.—Khải huyền 1:3; 22:7.
Sách Khải huyền dùng nhiều “biểu tượng” mà không phải hiểu theo nghĩa đen.—Khải huyền 1:1.
Nhiều thực thể và biểu tượng trong sách Khải huyền đã được nhắc đến trước đó trong Kinh Thánh:
Đức Giê-hô-va—“Đức Chúa Trời trên trời cao” và Đấng Tạo Hóa của muôn vật.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:39; Thi-thiên 103:19; Khải huyền 4:11; 15:3.
Chúa Giê-su Ki-tô—“Chiên Con của Đức Chúa Trời”.—Giăng 1:29; Khải huyền 5:6; 14:1.
Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt—kẻ thù của Đức Chúa Trời.—Sáng-thế Ký 3:14, 15; Giăng 8:44; Khải huyền 12:9.
Ba-by-lôn Lớn—giống như Ba-by-lôn cổ xưa (Ba-bên), kẻ thù của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và dân ngài, đồng thời cũng là nguồn của các giáo lý giả dối.—Sáng-thế Ký 11:2-9; Ê-sai 13:1, 11; Khải huyền 17:4-6; 18:4, 20.
“Biển”—nhân loại gian ác chống lại Đức Chúa Trời.—Ê-sai 57:20; Khải huyền 13:1; 21:1.
Những vật dụng và nghi thức tương ứng từng được sử dụng trong đền tạm thời xưa để thờ phượng Đức Chúa Trời—bao gồm hòm giao ước, cái bể trong suốt như thủy tinh (thùng nước để tắm rửa), các ngọn đèn, việc dâng hương và bàn thờ dâng của lễ thiêu.—Xuất Ê-díp-tô Ký 25:10, 17, 18; 40:24-32; Khải huyền 4:5, 6; 5:8; 8:3; 11:19.
Các con thú dữ—tượng trưng cho các chính phủ loài người.—Đa-ni-ên 7:1-8, 17-26; Khải huyền 13:2, 11; 17:3.
Các con số được dùng với ý nghĩa tượng trưng.—Khải huyền 1:20; 8:13; 13:18; 21:16.
Các khải tượng áp dụng cho “ngày của Chúa”, bắt đầu từ khi Nước của Đức Chúa Trời được thành lập vào năm 1914 và Chúa Giê-su cai trị với tư cách là Vua (Khải huyền 1:10). Vì vậy, hợp lý là sách Khải huyền chủ yếu ứng nghiệm trong thời chúng ta.
Tương tự với các phần khác của Kinh Thánh, để hiểu sách Khải huyền, chúng ta cần những yếu tố như sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời và sự trợ giúp của những người đã hiểu sách này.—Công vụ 8:26-39; Gia-cơ 1:5.