Đi đến nội dung

Nhớ lại hội nghị “Vòng quanh thế giới”

Nhớ lại hội nghị “Vòng quanh thế giới”

Cách đây 50 năm, 583 Nhân Chứng Giê-hô-va đã thực hiện một chuyến hành trình kéo dài mười tuần mà sẽ mang họ đi vòng quanh thế giới. Nhưng chuyến đi này không phải là để du lịch. Mục đích chính yếu của họ là được kết hợp với các anh em đồng đạo khi tham dự một loạt các kỳ hội nghị năm 1963 với chủ đề “Tin mừng vĩnh cửu”. Vì các đại biểu sẽ đi gặp anh em Nhân Chứng trong hơn 20 quốc gia nên các hội nghị này được gọi là hội nghị “Vòng quanh thế giới”.

Điểm nổi bật của mỗi kỳ hội nghị là bài giảng có tựa đề “Khi Đức Chúa Trời làm Vua trên khắp đất”. Anh Nathan Knorr, đến từ trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va, đã nói bài giảng này tại hầu hết các hội nghị. Anh mô tả tình trạng ngày càng tồi tệ của thế gian và cho thấy sự tương phản với lời hứa tuyệt vời trong Kinh Thánh là địa đàng sẽ được khôi phục trên đất. Trên khắp thế giới, tổng số người tham dự để nghe bài giảng này là 580.509 người.

“Vòng quanh thế giới” trong mười tuần

Các hội nghị được bắt đầu ở Milwaukee, Wisconsin, Hoa Kỳ. Từ đó, các đại biểu sẽ đi về hướng đông. Sau hội nghị ở New York, họ dừng chân ở Anh Quốc, Thụy Điển, Đức và Ý. Tại mỗi địa điểm, họ đã có cơ hội để chia sẻ tin mừng mà Kinh Thánh nói đến.

Nhiều người dân địa phương rất quý các Nhân Chứng vì đã dành thời gian đến thăm họ. Một người phụ nữ trẻ ở Stockholm, Thụy Điển cho biết: “Chuyến viếng thăm của anh chị sẽ là một kỷ niệm trong suốt cuộc đời tôi... Anh chị thật sự đi xa như thế để đến nói với tôi về đức tin của mình nơi Đức Chúa Trời sao? Các anh chị thật đáng ngưỡng mộ”.

Các đại biểu đã phần nào thất vọng khi đến Athens, Hy Lạp. Do cúi đầu trước áp lực từ các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương nên chính quyền đã hủy giấy phép cho tổ chức hội nghị tại sân vận động Panathinaikos. Nhưng các Nhân Chứng sốt sắng đã không nản chí. Đến cuối tháng 8, gần 10.000 người đã có thể tham dự chương trình hội nghị được trình bày tại các nhà riêng và các hội thánh địa phương.

Sau Athens, các đại biểu đi đến Lebanon, Jordan, Israel và Cyprus. Các anh em đồng đạo đã nồng ấm thể hiện lòng hiếu khách, đôi khi theo những cách hài hước. Ở thành phố Nicosia, Cyprus, một đại biểu kể lại điều bí ẩn liên quan đến đôi giày của anh: “Mỗi lần tôi về nhà [của anh chị tiếp đãi tôi] và cởi giày ra..., thì giày sẽ biến mất..., rồi sẽ xuất hiện lại sau năm phút và được đánh bóng sáng loáng!”.

Phần cuối của chuyến hành trình đưa những người tham dự hội nghị đi qua châu Á và Thái Bình Dương. Ấn Độ, Miến Điện (nay là Myanmar), Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Philippines, Indonesia, Úc, Đài Loan, Nhật Bản, New Zealand, Fiji và Hàn Quốc đều là những nước tổ chức hội nghị và tiếp đón các đại biểu cũng như hàng ngàn Nhân Chứng địa phương. Nhiều anh chị đã sắp xếp lại lịch trình của mình để tham dự hội nghị, nhưng có một cặp anh chị trẻ đã đính hôn đến từ thành phố Yokosuka, Nhật Bản thì phải nỗ lực nhiều hơn. Khi anh ấy xin phép người chủ nghỉ làm để tham dự hội nghị ở Kyoto thì anh được cho biết là ngày nghỉ phép chỉ được chấp thuận cho những dịp đám tang và đám cưới. Vì hai anh chị ấy đã lên kế hoạch để kết hôn nên họ sắp xếp để kết hôn sớm hơn một chút so với dự định. Họ đã đi tuần trăng mật tại hội nghị!

Chuyến hành trình khép lại vào đầu tháng 9 với các hội nghị được tổ chức ở Hawaii và California, Hoa Kỳ. Tại Pasadena, California, điểm tổ chức cuối cùng, số người tham dự thực tế vượt xa so với mong đợi. Kết quả là sau phiên họp cuối của hội nghị thì giao thông bị ùn tắc dữ dội. Mặc dù vậy, một tờ báo địa phương đã trích lời của cảnh sát trưởng khi ông nói rằng: “Hội nghị này là hội nghị có quy mô lớn với những người tham dự có cách hành xử đẹp nhất mà tôi từng thấy”.

Những tác động tích cực đến lâu dài

Các kỳ hội nghị này vẫn để lại những tác động tích cực đến lâu dài. Một sách tham khảo “Cả Kinh-thánh được Đức Chúa Trời soi dẫn và hữu ích” đã được ra mắt tại hội nghị đó, và ấn phẩm này tiếp tục được sử dụng tại các buổi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Anh Harold King không lâu sau khi được trả tự do khỏi nhà tù ở Trung Quốc

Có một bài hát mới đã được giới thiệu tại hội nghị ở New York. Bài hát này được viết bởi anh Harold King, một Nhân Chứng được trả tự do khỏi nhà tù ở Trung Quốc vào năm 1963. Bài hát có tựa đề “Rao giảng từng nhà”. Anh Harold King đã sáng tác bài hát này khi bị biệt giam, và Nhân Chứng Giê-hô-va vẫn dùng giai điệu của bài hát này mà ngày nay được biết đến với tên gọi “Từ nhà này sang nhà kia”.

Ngày nay, hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va thì rất khác. Địa điểm tổ chức nhỏ hơn nên số người tham dự cũng ít hơn. Vì có nhiều địa điểm tổ chức hội nghị nên những người tham dự sẽ mất ít thời gian hơn để di chuyển. Sắp đặt này và những sắp đặt đơn giản hóa khác giúp cho nhiều người hơn có thể tập trung vào chương trình. Mỗi năm, có hơn bảy triệu Nhân Chứng Giê-hô-va và khách mời tham dự các kỳ hội nghị. Bạn có muốn tham dự hội nghị với chúng tôi vào mùa hè tới không? Hãy tìm một địa điểm tổ chức hội nghị gần bạn.