Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

ANH TAPANI VIITALA | CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Thỏa mãn ước muốn giúp người khiếm thính

Thỏa mãn ước muốn giúp người khiếm thính

 Lần đầu tiên khi tôi gặp Nhân Chứng Giê-hô-va, họ cho tôi xem lời hứa trong Kinh Thánh là “tai người điếc sẽ thông” (Ê-sai 35:5). Nhưng vì bị điếc bẩm sinh nên tôi thấy khó để hình dung âm thanh. Vì thế, lời hứa ấy không mấy ấn tượng với tôi. Tôi ấn tượng hơn khi họ cho tôi xem trong Kinh Thánh là Nước Đức Chúa Trời sẽ loại bỏ mọi sự bất công, chiến tranh, bệnh tật và ngay cả cái chết. Với thời gian, tôi bắt đầu có ước muốn mạnh mẽ để chia sẻ điều mình học với những người khiếm thính khác.

 Tôi sinh ra vào năm 1941 trong một gia đình khiếm thính sống ở Virrat, Phần Lan. Cả cha mẹ tôi, em trai, em gái và nhiều người họ hàng đều bị khiếm thính. Chúng tôi giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Học những điều tuyệt vời từ Kinh Thánh

 Trường nội trú mà tôi theo học, cách nhà tôi khoảng 240km, không cho phép dùng ngôn ngữ ký hiệu. Lúc đó, những trường dành cho người khiếm thính ở Phần Lan dùng phương pháp khẩu ngữ, nên chúng tôi bị bắt buộc phải học ngôn ngữ nói và đọc môi. Nếu giáo viên thấy chúng tôi ra dấu, họ sẽ dùng thước kẻ hoặc cây chỉ bảng để đánh vào tay chúng tôi. Họ đánh mạnh đến mức ngón tay của chúng tôi bị sưng mấy ngày.

 Sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi theo học trường cao đẳng nông nghiệp. Vì cha mẹ có một nông trại nên tôi cần học nghề đó. Một lần khi về nhà, tôi nhìn thấy tạp chí Tháp CanhTỉnh Thức! trên bàn. Cha nói với tôi rằng những tạp chí này giải thích những điều rất tuyệt vời từ Kinh Thánh, và có một cặp vợ chồng không bị khiếm thính đang giúp cha mẹ tôi tìm hiểu Kinh Thánh. Họ giao tiếp với cha mẹ tôi bằng giấy và bút.

 Cha nói rằng dưới sự cai trị của Nước Đức Chúa Trời, trái đất sẽ trở thành địa đàng tuyệt đẹp và người chết sẽ được sống lại. Nhưng tôi được dạy là người chết sẽ lên thiên đàng. Tôi nghĩ cha hẳn hiểu lầm các Nhân Chứng vì họ không giao tiếp với cha bằng ngôn ngữ ký hiệu.

 Khi cặp vợ chồng ấy trở lại thăm cha mẹ tôi, tôi hỏi họ về những điều cha đã nói với mình. Họ đảm bảo với tôi: “Ba của em nói đúng”. Rồi họ cho tôi xem điều Chúa Giê-su nói về sự sống lại nơi Giăng 5:28, 29. Họ cho biết cách Đức Chúa Trời sẽ tẩy sạch sự gian ác khỏi trái đất. Họ cũng nói rằng con người sẽ sống mãi mãi trong sự bình an và với sức khỏe hoàn hảo.—Thi thiên 37:10, 11; Đa-ni-ên 2:44; Khải huyền 21:1-4.

 Tôi muốn biết thêm nên đã bắt đầu học Kinh Thánh với một Nhân Chứng không bị khiếm thính là anh Antero. Vì anh ấy không biết ngôn ngữ ký hiệu nên tôi trả lời các câu hỏi trong sách học hỏi bằng cách viết ra giấy câu trả lời. Rồi anh Antero đọc câu trả lời ấy và viết câu hỏi phụ hoặc lời nhận xét. Anh đã dùng phương pháp này để kiên nhẫn dạy tôi hai tiếng mỗi tuần.

 Vào năm 1960, tôi tham dự một hội nghị vùng của Nhân Chứng Giê-hô-va, và các bài giảng được dịch sang ngôn ngữ ký hiệu. Vào chiều thứ Sáu, có một thông báo là việc báp-têm sẽ diễn ra vào hôm sau. Vì thế, sáng thứ Bảy, tôi đem theo quần áo bơi và khăn tắm, và tôi báp-têm! a Không lâu sau, cha mẹ và các em của tôi cũng báp-têm.

Tất cả các thành viên trong gia đình của tôi cuối cùng đều báp-têm

Chia sẻ chân lý

 Tôi muốn chia sẻ điều mình học được với những người khiếm thính khác, và cách tốt nhất để giao tiếp với họ là bằng ngôn ngữ ký hiệu. Lúc đầu, tôi sốt sắng rao giảng cho những người khiếm thính ở quê mình.

 Không lâu sau, tôi chuyển đến Tampere, một thành phố công nghiệp rộng lớn. Tôi tìm kiếm người khiếm thính ở đó bằng cách đi từng nhà, hỏi chủ nhà xem họ có biết ai là người khiếm thính hay không. Tôi bắt đầu những cuộc học hỏi Kinh Thánh bằng cách đó. Và chỉ trong vài năm, Tampere đã có hơn mười công bố khiếm thính.

 Vào năm 1965, tôi gặp một chị đáng yêu là Maire. Chúng tôi kết hôn vào năm sau đó. Maire học ngôn ngữ ký hiệu rất nhanh, và cô ấy đã chứng tỏ là người bạn đồng hành siêng năng và trung thành trong năm thập kỷ mà chúng tôi cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va.

Đám cưới của chúng tôi, năm 1966

 Hai năm sau khi kết hôn, chúng tôi có một con trai là Marko. Cháu không bị khiếm thính. Ở nhà, cháu học tiếng Phần Lan, là ngôn ngữ mẹ đẻ, và ngôn ngữ ký hiệu Phần Lan. Marko báp-têm khi 13 tuổi.

 Với thời gian, có nhiều người mới kết hợp với nhóm ngôn ngữ ký hiệu của chúng tôi ở Tampere. Vì thế, vào năm 1974, chúng tôi chuyển đến thành phố khác là Turku, nơi chưa có Nhân Chứng khiếm thính nào. Một lần nữa, chúng tôi tìm kiếm người khiếm thính bằng cách đi từng nhà. Trong những năm chúng tôi sống ở Turku, có 12 học viên Kinh Thánh của tôi báp-têm.

Phụng sự ở vùng biển Baltic

 Vào năm 1987, Marko được mời để phụng sự ở Bê-tên. Nhóm ngôn ngữ ký hiệu của chúng tôi ở Turku đã vững mạnh, nên chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch để chuyển đi lần nữa.

 Trong khoảng thời gian đó, các khu vực ở Đông Âu được rao giảng tự do trở lại. Vì thế, vào tháng 1 năm 1992, tôi đi cùng với một anh khiếm thính khác đến Tallinn, Estonia.

 Chúng tôi đã liên lạc với một chị Nhân Chứng có anh trai bị khiếm thính. Dù không chú ý đến thông điệp Nước Trời, nhưng anh ấy tử tế giúp chúng tôi liên lạc với nhiều người khiếm thính ở Estonia. Vào tối cuối cùng mà chúng tôi viếng thăm, anh ấy đã đưa chúng tôi đến dự một buổi họp do Hiệp hội Người khiếm thính Estonia ở Tallinn tổ chức. Chúng tôi đến sớm và để trên bàn rất nhiều tạp chí cũng như sách trong tiếng Estonia và Nga. Người ta đã lấy khoảng 100 sách và 200 tạp chí. Chúng tôi nhận được khoảng 70 địa chỉ. Buổi tối hôm đó đã đặt nền tảng cho thánh chức ngôn ngữ ký hiệu ở Estonia!

Chuyến rao giảng đến một nước thuộc vùng biển Baltic

 Không lâu sau, vợ chồng tôi đều đặn đến Estonia để rao giảng. Chúng tôi giảm bớt công việc ngoài đời và bắt đầu làm tiên phong đều đều. Vào năm 1995, chúng tôi chuyển đến một nơi gần Helsinki để dễ đi phà hơn đến Tallinn. Thánh chức của chúng tôi ở Estonia thành công ngoài mong đợi!

 Chúng tôi có nhiều học viên Kinh Thánh và 16 học viên đã tiến bộ đến bước báp-têm, trong đó có hai chị em ruột bị mù và điếc. Tôi điều khiển buổi học với họ bằng cách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu xúc giác, tức chạm vào tay của họ.

 Vào thời đó, việc học với người khiếm thính là thách đố. Lúc ấy, không có ấn phẩm ngôn ngữ ký hiệu trong cánh đồng của chúng tôi. Vì thế, tôi đã dùng nhiều hình đẹp mắt trong ấn phẩm và sưu tầm thành một an-bum hình.

 Văn phòng chi nhánh ở Phần Lan đã đề nghị tôi đến thăm Latvia và Lithuania thuộc vùng biển Baltic để xem làm thế nào giúp cánh đồng ngôn ngữ ký hiệu ở những nước này. Chúng tôi đã đến thăm những nước ấy vài lần và giúp các Nhân Chứng địa phương tìm người khiếm thính. Đa số những nước này đều có ngôn ngữ ký hiệu riêng. Vì thế, tôi đã học ngôn ngữ ký hiệu của Estonia, Latvia và Lithuania, và học một chút ngôn ngữ ký hiệu Nga, là ngôn ngữ của những người Nga khiếm thính sống ở vùng biển Baltic.

 Đáng buồn là sau tám năm ở Estonia và những nước khác cũng thuộc vùng biển Baltic, Maire bị chẩn đoán mắc bệnh Parkinson nên chúng tôi không thể tiếp tục được nữa.

Tổ chức để giúp người khiếm thính

 Vào năm 1997, một nhóm dịch ngôn ngữ ký hiệu được thành lập ở chi nhánh Phần Lan. Vì sống gần đó nên vợ chồng tôi đã có thể giúp chuẩn bị các ấn phẩm ngôn ngữ ký hiệu, và ngày nay tôi vẫn thỉnh thoảng làm thế. Chúng tôi cùng làm việc với con trai là Marko. Sau này, Marko cùng với vợ là Kirsi cũng giúp huấn luyện các nhóm dịch ngôn ngữ ký hiệu ở những nước khác.

Giúp sản xuất video trong ngôn ngữ ký hiệu Phần Lan

 Ngoài ra, văn phòng chi nhánh cũng tổ chức các khóa học để giúp những công bố không bị khiếm thính học ngôn ngữ ký hiệu. Nhờ những khóa học này mà nhiều người tham gia cánh đồng ký hiệu, ủng hộ công việc rao giảng và các buổi nhóm họp cũng như đảm nhận các trách nhiệm trong hội thánh.

Ước muốn giúp người khiếm thính vẫn bùng cháy

 Vào năm 2004, vợ chồng tôi giúp thành lập hội thánh ngôn ngữ ký hiệu Phần Lan đầu tiên ở Helsinki. Trong ba năm, hội thánh đó đã trở thành một hội thánh lớn mạnh, sốt sắng và có nhiều tiên phong.

 Một lần nữa, chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch để chuyển đến khu vực có nhu cầu lớn hơn. Vào năm 2008, chúng tôi chuyển đến gần Tampere và trở lại nhóm ngôn ngữ ký hiệu mà chúng tôi đã rời trước đó 34 năm. Một năm sau, nhóm ngôn ngữ ký hiệu ấy trở thành hội thánh ngôn ngữ ký hiệu thứ hai ở Phần Lan.

 Tuy nhiên, lúc đó, sức khỏe của Maire ngày càng yếu đi. Tôi vui khi được chăm sóc Maire cho đến khi cô ấy qua đời vào năm 2016. Tôi rất nhớ Maire và tôi mong chờ được gặp lại cô ấy trong thế giới mới, là nơi mà bệnh tật sẽ không còn nữa.—Ê-sai 33:24; Khải huyền 21:4.

 Trong khi chờ đợi, ước muốn chia sẻ tin mừng với những người khiếm thính lân cận, là công việc của tôi trong 60 năm qua, vẫn bùng cháy mạnh mẽ!

a Lúc đó chưa có sắp đặt các trưởng lão trong hội thánh gặp ứng viên trước khi báp-têm.