Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Khoan dung—Kinh Thánh có thể giúp thế nào?

Khoan dung—Kinh Thánh có thể giúp thế nào?

 “Khoan dung [là] điều thiết yếu để có hòa bình”.—Tuyên bố về nguyên tắc khoan dung năm 1995 của UNESCO.

 Trái lại, việc không khoan dung có thể khiến người ta bất kính và thậm chí căm ghét nhau. Những cảm xúc như thế thường dẫn đến cách nói năng thù ghét, sự phân biệt đối xử và hung bạo.

 Nhưng người ta có những quan điểm khác nhau về khoan dung. Một số người cho rằng người khoan dung thì phải đồng tình với tất cả việc làm và hành vi của người khác. Số khác cho là người khoan dung thì tôn trọng quyền của mỗi người trong việc lựa chọn lối sống và niềm tin của mình, ngay cả khi họ không tán thành lối sống và niềm tin đó, và Kinh Thánh ủng hộ quan điểm này.

 Kinh Thánh có thể giúp người ta trở thành người thật sự khoan dung trong thế giới ngày nay không?

Cơ sở của Kinh Thánh để khoan dung

 Kinh Thánh đẩy mạnh sự khoan dung. Sách này nói: “Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của anh em” (Phi-líp 4:5). Kinh Thánh khuyến khích chúng ta quan tâm và đối xử với người khác một cách lịch sự, công bằng. Những ai áp dụng lời khuyên này có lẽ không đồng ý hoặc không chấp nhận lối sống của người khác, nhưng họ để cho người đó làm theo lựa chọn của mình.

 Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời có tiêu chuẩn về việc một người nên cư xử thế nào. Sách này nói: “Hỡi phàm nhân, [Đức Chúa Trời] đã cho người biết đâu là điều lành” (Mi-chê 6:8). Sách này cũng cho biết sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời để giúp người ta vui hưởng đời sống tốt nhất có thể.—Ê-sai 48:17, 18.

 Đức Chúa Trời không cho chúng ta quyền xét đoán người khác. Theo Kinh Thánh, “chỉ có một Đấng Lập Luật và Đấng Phán Xét... Anh em là ai mà xét đoán người lân cận mình?” (Gia-cơ 4:12). Đức Chúa Trời cho mỗi người trong chúng ta quyền tự do lựa chọn và chúng ta phải chịu trách nhiệm về lựa chọn đó.—Phục truyền luật lệ 30:19.

Kinh Thánh nói gì về sự tôn trọng?

 Kinh Thánh khuyên chúng ta nên “tôn trọng mọi loại người” (1 Phi-e-rơ 2:17). Vì thế, những người chọn sống theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh thì đối xử tôn trọng với tất cả mọi người dù họ chọn niềm tin hay lối sống nào (Lu-ca 6:31). Điều này không có nghĩa là những ai làm theo Kinh Thánh sẽ đồng ý với mọi niềm tin hay quan điểm của người khác hoặc sẽ ủng hộ mọi quyết định mà người khác đưa ra. Nhưng thay vì hành động bất kính hoặc thô lỗ, họ sẽ cố gắng hết sức để bắt chước cách Chúa Giê-su đối xử với người khác.

 Chẳng hạn, dịp nọ Chúa Giê-su gặp một phụ nữ theo tôn giáo mà ngài không đồng tình. Người phụ nữ này cũng đang sống với một người đàn ông không phải là chồng của bà. Đây là lối sống mà Chúa Giê-su không chấp nhận. Tuy nhiên, ngài vẫn nói chuyện với bà một cách tôn trọng.—Giăng 4:9, 17-24.

 Giống như Chúa Giê-su, tín đồ đạo Đấng Ki-tô được trang bị để giải thích niềm tin của mình cho những người sẵn sàng lắng nghe, và họ làm thế với “lòng kính trọng sâu xa” (1 Phi-e-rơ 3:15). Kinh Thánh dạy rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô không nên áp đặt quan điểm của họ lên người khác. Sách này cũng nói môn đồ của Đấng Ki-tô “không cần phải cãi cọ, nhưng cần phải mềm mại với mọi người”, bao gồm những người không cùng niềm tin.—2 Ti-mô-thê 2:24.

Kinh Thánh nói gì về sự thù ghét?

 Kinh Thánh khuyên chúng ta “hãy theo đuổi sự hòa thuận với mọi người” (Hê-bơ-rơ 12:14). Một người theo đuổi sự hòa thuận thì bác bỏ sự thù ghét. Người ấy không thỏa hiệp giá trị đạo đức của mình nhưng nỗ lực hết sức để sống hòa thuận với người khác (Ma-thi-ơ 5:9). Thực tế, Kinh Thánh cũng khuyến khích tín đồ đạo Đấng Ki-tô yêu kẻ thù bằng cách đối xử tử tế với những người đối xử tệ với mình.—Ma-thi-ơ 5:44.

 Đúng là Kinh Thánh nói rằng Đức Chúa Trời “ghét”, hay “ghê tởm”, những hành động hạ thấp phẩm giá của người khác hoặc gây hại cho họ (Châm ngôn 6:16-19). Nhưng ở đây Kinh Thánh dùng từ “ghét” để miêu tả cảm xúc hoàn toàn không thích những việc làm xấu. Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời sẵn sàng tha thứ và giúp những người muốn thay đổi đường lối cũng như sống theo tiêu chuẩn của ngài.—Ê-sai 55:7.

Những câu Kinh Thánh liên quan đến lòng khoan dung và sự tôn trọng

 Tít 3:2: “Hãy phải lẽ, hết sức mềm mại với mọi người”.

 Người phải lẽ thì phản ứng mềm mại trước những quan điểm khác với mình, đẩy mạnh sự tôn trọng lẫn nhau.

 Ma-thi-ơ 7:12: “Mọi điều anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em cũng phải làm cho họ”.

 Tất cả chúng ta đều biết ơn khi người khác đối xử với mình một cách tôn trọng và để ý đến quan điểm cũng như cảm xúc của mình. Để biết thêm về cách áp dụng quy tắc ứng xử nổi tiếng này của Chúa Giê-su, xin xem bài “Luật vàng là gì?”.

 Giô-suê 24:15: “Hãy chọn cho mình thần nào mà anh em sẽ hầu việc”.

 Khi tôn trọng quyền của người khác trong việc đưa ra những lựa chọn cá nhân, chúng ta đẩy mạnh sự hòa thuận.

 Công vụ 10:34: “Đức Chúa Trời không hề thiên vị”.

 Đức Chúa Trời không phân biệt đối xử với bất cứ ai dù văn hóa, giới tính, quốc tịch, chủng tộc hay gốc gác của họ là gì. Những người muốn bắt chước Đức Chúa Trời thể hiện lòng tôn trọng với tất cả mọi người.

 Ha-ba-cúc 1:12, 13: “[Đức Chúa Trời] không thể làm ngơ trước sự ác”.

 Lòng khoan dung của Đức Chúa Trời có giới hạn. Ngài sẽ không cho phép con người tiếp tục làm điều ác mãi. Để biết thêm, xin xem video Tại sao có đau khổ?.

 Rô-ma 12:19: “Hãy để điều đó cho cơn thịnh nộ [của Đức Chúa Trời], vì có lời viết: ‘Sự báo thù thuộc về ta, ta sẽ báo trả’. Đức Giê-hô-va phán vậy”. a

 Giê-hô-va Đức Chúa Trời không cho bất cứ ai quyền trả thù. Ngài sẽ đảm bảo sao cho công lý được thực thi vào đúng thời điểm của ngài. Để biết thêm, xin xem bài “Liệu lời kêu cứu đòi công lý có được đáp lại?”.

a Giê-hô-va là danh riêng của Đức Chúa Trời (Thi thiên 83:18). Xin xem bài “Đức Giê-hô-va là ai?”.