Liệu lời kêu cứu đòi công lý có được đáp lại?
Dường như sự bất công bao trùm trong xã hội. Hãy xem hai trường hợp cho thấy điều đó trong hệ thống pháp lý hình sự:
Vào tháng 1 năm 2018, một thẩm phán ở Hoa Kỳ đã ra lệnh thả một người đàn ông đã bị tù gần 38 năm. Ông được giải oan nhờ bằng chứng ADN.
Vào tháng 9 năm 1994, ba người trẻ ở một nước châu Phi bị tù do từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm. Đến tháng 9 năm 2020, họ đã bị giam 26 năm dù chưa bao giờ bị buộc tội chính thức hoặc ra hầu tòa.
Nếu chịu sự bất công, có thể bạn cảm thấy giống như một người tên Gióp vào thời Kinh Thánh: “Tôi cứ kêu cứu, nhưng chẳng có công lý” (Gióp 19:7). Tuy nhiên, dù công lý thật có vẻ chỉ là điều viển vông, Kinh Thánh hứa về thời kỳ mà lời kêu cứu đòi công lý sẽ được đáp lại. Hơn nữa, sự khôn ngoan trong Kinh Thánh có thể giúp bạn đương đầu với sự bất công ngay bây giờ.
Điều gì gây ra sự bất công?
Sự bất công là do những người bác bỏ sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời gây ra. Kinh Thánh cho thấy công lý thật đến từ Đức Chúa Trời (Ê-sai 51:4). Trong Kinh Thánh, những từ được dịch là “công lý” và “sự công chính” có liên quan mật thiết với nhau (Thi thiên 33:5). Công lý đến từ những hành động công chính, tức là những hành động đúng và phù hợp với các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Ngược lại, sự bất công bắt nguồn từ tội lỗi, tức vi phạm các tiêu chuẩn công chính của ngài. Hãy xem các ví dụ sau:
Sự ích kỷ. Ham muốn ích kỷ và tội lỗi liên hệ chặt chẽ với nhau (Gia-cơ 1:14, 15). Để có được điều mình muốn, nhiều người lợi dụng người khác bằng cách đối xử bất công với họ. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời muốn chúng ta đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân.—1 Cô-rinh-tô 10:24.
Sự thiếu hiểu biết. Có thể một số người không nhận ra là mình đối xử bất công với người khác, nhưng Đức Chúa Trời vẫn xem đó là tội lỗi (Rô-ma 10:3). Thật vậy, sự thiếu hiểu biết dẫn đến một trong những hành động bất công nhất lịch sử, đó là xử tử Chúa Giê-su.—Công vụ 3:15, 17.
Các hệ thống của con người. Về lý thuyết, các hệ thống chính trị, thương mại và tôn giáo trên thế giới giúp đẩy mạnh sự công bằng và công lý. Nhưng trên thực tế, những hệ thống ấy thường là nguyên nhân dẫn đến sai lầm, tham nhũng, thành kiến, tham lam, kỳ thị và sự bất bình đẳng rõ rệt về kinh tế, tất cả những điều này có thể gây ra sự bất công. Một số hệ thống là do những người có thiện chí điều hành hoặc ủng hộ. Nhưng rốt cuộc tất cả nỗ lực ấy của con người đều thất bại vì lờ đi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.—Truyền đạo 8:9; Giê-rê-mi 10:23.
Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào về sự bất công?
Ngài ghét sự bất công, cũng như thái độ và hành vi gây ra sự bất công (Châm ngôn 6:16-18). Ngài hướng dẫn một người viết Kinh Thánh là Ê-sai ghi lại: “Ta, Đức Giê-hô-va, a yêu công lý; ta ghét sự cướp bóc và bất chính”.—Ê-sai 61:8.
Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa cho thấy ngài muốn người ta thực thi công lý. Ngài ban lệnh cho các quan xét không được nhận hối lộ hay có những hành vi khác có thể bóp méo công lý (Phục truyền luật lệ 16:18-20). Ngài lên án những người Y-sơ-ra-ên bất tuân với ngài khi họ lợi dụng người nghèo và người thấp hèn, và cuối cùng ngài từ bỏ họ vì không làm theo các tiêu chuẩn của ngài.—Ê-sai 10:1-3.
Đức Chúa Trời sẽ chấm dứt sự bất công không?
Có. Qua Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời sẽ xóa bỏ tội lỗi, là gốc rễ của sự bất công, đồng thời khôi phục lại tình trạng hoàn hảo cho gia đình nhân loại (Giăng 1:29; Rô-ma 6:23). Ngài cũng lập một Nước trên trời để mang lại thế giới mới công chính và công lý cho mọi người (Ê-sai 32:1; 2 Phi-e-rơ 3:13). Để biết thêm về Nước ấy, xin xem video Nước Đức Chúa Trời là gì?.
Đời sống trong thế giới mới công chính sẽ như thế nào?
Khi khắp đất đều có công lý thì mọi người sẽ được bình an và an ổn (Ê-sai 32:16-18). Trước mắt Đức Chúa Trời, mọi người đều bình đẳng nên đều sẽ được đối xử công bằng. Sự buồn rầu, khóc lóc và đau đớn do sự bất công gây ra sẽ vĩnh viễn không còn, và ngay cả ký ức đau thương về sự bất công sẽ dần biến mất (Ê-sai 65:17; Khải huyền 21:3, 4). Để biết thêm thông tin, xin xem bài “Nước Trời thực hiện những gì?”.
Có thể tin lời hứa của Đức Chúa Trời về thế giới không còn sự bất công không?
Có. Kinh Thánh nổi tiếng là sách có những lời tiên tri đáng tin cậy, chính xác về lịch sử và khoa học, cũng như hòa hợp về nội dung. Vì thế, bạn có thể tin cậy những lời hứa trong Kinh Thánh. Những tài liệu sau đây cung cấp thêm bằng chứng:
Còn về việc đấu tranh chống lại sự bất công ngày nay thì sao?
Vào thời Kinh Thánh, những người phụng sự Đức Chúa Trời làm những gì có thể để không bị đối xử bất công. Chẳng hạn, một người tên Phao-lô đã bị đe dọa trong phiên xét xử bất công có thể khiến ông mất mạng. Thay vì thụ động chấp nhận sự bất công đó, ông dựa vào luật pháp vào thời ấy và kháng án lên Sê-sa.—Công vụ 25:8-12.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực của con người nhằm chỉnh sửa sự bất công trong thế gian này chắc chắn sẽ thất bại (Truyền đạo 1:15). Dù vậy, nhiều người thấy việc xây dựng đức tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời về một thế giới mới công chính đã giúp họ có sự bình an tâm trí dù bị đối xử bất công.
a Giê-hô-va là tên của Đức Chúa Trời.—Thi thiên 83:18.