Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Có thật là chúng mình đã sẵn sàng để kết hôn?

Có thật là chúng mình đã sẵn sàng để kết hôn?

CHƯƠNG 30

Có thật là chúng mình đã sẵn sàng để kết hôn?

Bạn đã tìm được người mà mình muốn gắn kết suốt đời, và hai bạn đã có đủ thời gian hẹn hò để biết đó là tình yêu. Cuộc sống lứa đôi hạnh phúc đang hiển hiện trước mắt. Nhưng có thật thế không? Khi đứng trước một trong những quyết định trọng đại nhất của đời người, bạn bắt đầu băn khoăn...

Có thật là chúng mình đã sẵn sàng để kết hôn?

Không có gì lạ khi bạn trăn trở về hôn nhân, cho dù hai người rất yêu nhau. Vì thấy có quá nhiều cuộc hôn nhân bất hạnh và tỉ lệ ly dị tăng vọt, có lẽ bạn thận trọng khi đứng trước bước ngoặt lớn này. Làm sao biết mình đã sẵn sàng để kết hôn hay chưa? Ngay lúc này đây, bạn cần loại bỏ bất cứ ảo tưởng nào về hôn nhân và suy nghĩ thực tế hơn. Chẳng hạn:

ẢO TƯỞNG 1 “Chỉ yêu là đủ”.

Thực tế: Tình yêu sẽ không giúp bạn trang trải đời sống hay giải quyết khó khăn tài chính. Nghiên cứu cho thấy tiền bạc nằm trong số những nguyên do chính dẫn đến bất hòa giữa vợ chồng và rốt cuộc là ly dị. Quan điểm thiếu thăng bằng về tiền bạc có thể gây hại cho tinh thần và tình trạng thiêng liêng của bạn, đồng thời làm rạn nứt tình cảm giữa bạn và người hôn phối (1 Ti-mô-thê 6:9, 10). Bài học là gì? Đừng đợi lấy nhau rồi mới bàn đến chuyện quản lý tiền bạc!

Kinh Thánh nói: “Có ai trong anh em muốn xây một cái tháp mà trước hết không ngồi xuống tính phí tổn?”.—Lu-ca 14:28.

Gợi ý: Hãy bàn với người bạn đời tương lai về những vấn đề tài chính sau này, trước khi hai bạn xây dựng gia đình (Châm-ngôn 13:10). Thảo luận những câu hỏi như: Mình sẽ lên kế hoạch chi tiêu như thế nào? Hai vợ chồng dùng chung tài khoản ngân hàng hay riêng? Ai sẽ là người quán xuyến chuyện tiền nong và chi tiêu trong nhà? * Số tiền một người có thể dùng mà không cần hỏi ý người kia là bao nhiêu? Bây giờ là lúc để hai người bắt đầu hợp tác với nhau!—Truyền-đạo 4:9, 10.

ẢO TƯỞNG 2 “Chúng mình sẽ là cặp đôi hoàn hảo vì chuyện gì cũng tâm đầu ý hợp, chẳng bao giờ bất đồng cả!”.

Thực tế: Nếu hai người chưa bao giờ bất đồng, hẳn là vì bạn đã cẩn thận tránh những vấn đề có thể châm ngòi cho mâu thuẫn. Nhưng đời sống vợ chồng không đơn giản như thế! Thật ra hai người bất toàn không thể nào tạo nên cặp đôi hoàn hảo, nên chắc chắn sẽ có lúc nảy sinh bất đồng (Rô-ma 3:23; Gia-cơ 3:2). Do đó, đừng chỉ xem hai bạn hợp nhau đến mức nào mà còn để ý chuyện gì xảy ra khi mỗi người một ý. Nếu cả hai trò chuyện cởi mở về sự khác biệt, giải quyết vấn đề trong hòa khí và xử sự chín chắn thì giữa họ sẽ hình thành mối dây liên kết bền chặt.

Kinh Thánh nói: “Chớ để mặt trời lặn mà vẫn còn giận”.—Ê-phê-sô 4:26.

Gợi ý: Hãy ngẫm nghĩ xem từ trước đến giờ, bạn thường giải quyết xung đột với cha mẹ và anh chị em bằng cách nào. Lập một bảng giống như bảng nơi trang 93 của Tập 1 hoặc trang 221 của Tập 2. Ghi ra những chuyện đã dẫn đến bất đồng, cách bạn phản ứng và cách mà bạn nghĩ sẽ tích cực hơn. Chẳng hạn, nếu chưa gì hết bạn đã đùng đùng bỏ đi và đóng sầm cửa lại, hãy nghĩ ra cách tốt hơn để hóa giải vấn đề thay vì làm nó thêm nghiêm trọng. Nếu học cách phản ứng tích cực hơn ngay từ bây giờ, bạn sẽ nắm được một kỹ năng thiết yếu mang lại hạnh phúc cho hôn nhân.

ẢO TƯỞNG 3 “Khi kết hôn, mình sẽ được hoàn toàn mãn nguyện trong ‘chuyện ấy’”.

Thực tế: Lập gia đình không có nghĩa là bạn muốn chuyện chăn gối bất cứ lúc nào cũng được. Hãy nhớ rằng người hôn phối của bạn có cảm xúc chứ không phải là vật vô tri vô giác. Vì thế, bạn phải để ý đến cảm xúc của người ấy. Sẽ có những lúc người bạn đời không có hứng thú gần gũi vợ chồng. Hôn nhân không cho phép bạn có quyền bắt người kia thỏa mãn mọi nhu cầu của mình (1 Cô-rinh-tô 10:24). Sự thật là cả người độc thân lẫn đã kết hôn đều cần có tính tự chủ.—Ga-la-ti 5:22, 23.

Kinh Thánh nói: “Mỗi người trong anh em nên biết kiềm giữ thân thể mình thế nào cho thánh sạch và đáng trọng trước mắt ngài, không theo những ham muốn nhục dục quá độ”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:4, 5.

Gợi ý: Hãy xét lại ham muốn tình dục và khuynh hướng của bạn, nghĩ xem những điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến hôn nhân trong tương lai. Chẳng hạn, bạn có mắc tật thủ dâm không? Bạn có thói quen xem tài liệu khiêu dâm không? Bạn có nhìn người khác giới với lòng thèm muốn không? Hãy tự hỏi: “Nếu chưa kết hôn mà mình đã khó kiềm chế rồi thì sau này sẽ thế nào?” (Ma-thi-ơ 5:27, 28). Vấn đề khác: Bạn có thói hay tán tỉnh và “bắt cá hai tay” nên bị mang tiếng là lăng nhăng không? Nếu có, bạn định loại bỏ khuynh hướng đó bằng cách nào sau khi kết hôn, lúc mà chỉ được dành tình cảm cho một người duy nhất, đó là bạn đời?—Châm-ngôn 5:15-17.

ẢO TƯỞNG 4 “Hôn nhân sẽ làm mình hạnh phúc”.

Thực tế: Một người không hạnh phúc khi độc thân thường cũng không hạnh phúc khi kết hôn. Tại sao? Vì hạnh phúc tùy thuộc vào quan điểm của một người hơn là hoàn cảnh của người ấy (Châm-ngôn 15:15). Người có cái nhìn bi quan về cuộc sống thường tập trung vào những gì còn thiếu trong một mối quan hệ, thay vì vào những gì mình đang có. Thật tốt biết mấy nếu bạn tập sống với tinh thần lạc quan khi còn độc thân. Rồi mai này khi bước vào hôn nhân, thái độ tích cực như thế sẽ tác động đến người hôn phối, nhờ đó cả hai sẽ cùng có cái nhìn lạc quan.

Kinh Thánh nói: “Tận hưởng những gì đang có trước mắt tốt hơn là mơ mộng những gì viển vông”.—Truyền-đạo 6:9, ĐNB.

Gợi ý: Đôi lúc thái độ tiêu cực xuất phát từ mơ mộng viển vông. Hãy ghi ra giấy hai hoặc ba điều bạn trông đợi ở hôn nhân. Đọc lại, rồi tự hỏi: “Đó là mơ ước hão huyền hay mong muốn thực tế? Phải chăng phương tiện truyền thông, có thể là sách báo hay phim ảnh lãng mạn, đã ảnh hưởng đến mình? Mình chỉ trông đợi những gì hôn nhân sẽ mang lại cho bản thân thôi sao? Có lẽ chỉ để lấp đầy nỗi cô đơn của mình, thỏa mãn ham muốn của mình và giúp mình ra oai với bạn bè?”. Nếu vậy, bạn phải chuyển từ suy nghĩ cho “mình” sang “chúng mình”. Để làm thế, hãy ghi ra hai hoặc ba điều mà bạn mong muốn cùng người hôn phối đạt được khi kết hôn.

Những ảo tưởng nói trên có thể gây hại cho mái ấm gia đình bạn. Do đó, hãy “tỉnh mộng” và suy nghĩ thực tế. Trang 216 và 217 có thể giúp bạn và người bạn đời tương lai khi cả hai đang hân hoan chờ đón một trong những ân phước lớn nhất trên đời, đó là hôn nhân hạnh phúc!—Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:5; Châm-ngôn 5:18.

TRONG CHƯƠNG TỚI

Cuộc tình chấm dứt có thể làm bạn tan nát cõi lòng. Làm sao vượt qua nỗi đau này?

[Chú thích]

^ đ. 9 “Người nữ tài-đức” nơi Châm-ngôn 31:10-28 được miêu tả là người vợ gánh vác nhiều trọng trách liên quan trực tiếp đến tài chính của gia đình. Xem câu 13, 14, 16, 18,24.

CÂU KINH THÁNH THEN CHỐT

“Người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt”.—Sáng-thế Ký 2:24.

MẸO

Nói chuyện với một cặp vợ chồng hơn tuổi mình và hỏi họ xem nếu mới lập gia đình, người chồng và vợ phải làm gì để có được hôn nhân hạnh phúc.—Châm-ngôn 27:17.

BẠN CÓ BIẾT...?

Trong cuộc hôn nhân hạnh phúc, hai vợ chồng coi nhau là bạn, trò chuyện thân tình, biết cách giải quyết mâu thuẫn và xem mối quan hệ của mình là sự gắn kết suốt đời.

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG!

Để tình cảm của mình và người yêu thêm gắn bó, mình sẽ trau dồi đức tính sau: ․․․․․

Về đề tài này, điều mình muốn hỏi cha mẹ là: ․․․․․

BẠN NGHĨ SAO?

● Tại một số nước, tỉ lệ ly dị rất cao. Bạn nghĩ nguyên nhân do đâu?

● Có những mối nguy nào nếu một người kết hôn chỉ để thoát khỏi cảnh gia đình không hạnh phúc?

● Tại sao phải theo sát nguyên tắc Kinh Thánh trong đời sống hôn nhân?

[Câu nổi bật nơi trang 220]

“Hôn nhân là chuyện hệ trọng cả đời. Chính vì vậy, bạn phải hiểu rõ không chỉ những điều nằm sau cánh cửa hôn nhân mà còn cả người bạn đời tương lai”.—Audra

[Khung/Hình nơi các trang 216, 217]

Trắc nghiệm

Bạn đã sẵn sàng kết hôn?

Hãy xem xét những câu hỏi trong hai trang này. Bạn cũng có thể thảo luận chung với người bạn đời tương lai. Đừng quên đọc các câu Kinh Thánh được viện dẫn.

Tài chính

□ Bạn có quan điểm nào về tiền bạc?—Hê-bơ-rơ 13:5, 6.

□ Bạn cho thấy mình làm chủ đồng tiền qua những cách nào?—Ma-thi-ơ 6:19-21.

□ Bạn có mắc nợ không? Nếu có, bạn đang thực hiện những bước nào để trả nợ?—Châm-ngôn 22:7.

□ Chi phí cho đám cưới là bao nhiêu? Nếu thiếu thì bạn nghĩ mượn thêm bao nhiêu là hợp lý?—Lu-ca 14:28.

□ Sau khi kết hôn, cả hai vợ chồng đều phải đi làm không? Nếu thế, làm thế nào để thu xếp mọi chuyện khi thời gian biểu và nhu cầu đi lại của hai người khác nhau?—Châm-ngôn 15:22.

□ Hai người sẽ sống ở đâu? Tiền thuê nhà, mua thực phẩm, quần áo và những chi phí khác khoảng bao nhiêu? Bạn sẽ trang trải bằng cách nào? —Châm-ngôn 24:27.

Gia đình

□ Bạn hòa hợp với cha mẹ và anh chị em đến mức nào?—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12; Rô-ma 12:18.

□ Hiện tại, nếu có xung đột với người nhà thì bạn giải quyết bằng cách nào?—Cô-lô-se 3:13.

□ Nếu là phái nữ, bạn thể hiện “tính tình mềm mại và điềm đạm” ra sao?—1 Phi-e-rơ 3:4.

□ Bạn định có con không? (Thi-thiên 127:3). Nếu không, bạn sẽ dùng phương pháp ngừa thai nào?

□ Nếu là phái nam, bạn định dẫn đầu trong việc chăm lo cho gia đình về thiêng liêng bằng cách nào?—Ma-thi-ơ 5:3.

Tính cách

□ Bạn thể hiện tính siêng năng qua những cách nào?—Châm-ngôn 6:9-11; 31:17, 19, 21, 22, 27.

□ Bạn đã biểu lộ tinh thần hy sinh ra sao?—Phi-líp 2:4.

□ Nếu là phái nam, làm thế nào bạn cho thấy mình thực thi quyền hành theo cách của Chúa Giê-su?—Ê-phê-sô 5:25, 28, 29.

□ Nếu là phái nữ, điều gì chứng tỏ bạn có tính hay vâng phục?—Ê-phê-sô 5:22-24.

[Hình nơi trang 219]

Vội vàng bước vào hôn nhân chẳng khác nào nhảy xuống nước trong khi chưa biết dưới đó thế nào