CHƯƠNG 28
“Chỉ mình ngài là thành tín”
1, 2. Tại sao có thể nói vua Đa-vít không lạ gì chuyện bất trung?
Vua Đa-vít không lạ gì chuyện bất trung. Có một thời điểm những người trong nước của ông đã phản bội và tìm cách cướp ngôi của ông. Ngoài ra, Đa-vít còn bị chính một số người bạn thân phản bội. Một trường hợp là Mi-canh, vợ đầu tiên của Đa-vít. Lúc đầu bà “đem lòng yêu Đa-vít” nên hẳn bà đã ủng hộ vương quyền của ông. Tuy nhiên, sau đó bà bắt đầu “khinh thường ông”, thậm chí xem Đa-vít như “một kẻ đầu rỗng”.—1 Sa-mu-ên 18:20; 2 Sa-mu-ên 6:16, 20.
2 Kế đến là A-hi-tô-phe, cố vấn thân cận của Đa-vít. Lời cố vấn của ông được xem như thể đó là lời phán từ Đức Giê-hô-va (2 Sa-mu-ên 16:23). Nhưng sau này, người cố vấn thân cận ấy đã phản bội và tham gia một cuộc tạo phản để chống lại Đa-vít. Và ai là chủ mưu của cuộc tạo phản ấy? Chính là Áp-sa-lôm, con trai Đa-vít! Áp-sa-lôm đã “chiếm được lòng người Y-sơ-ra-ên” và tự lập mình làm vua kình địch với Đa-vít. Cuộc tạo phản ấy lan nhanh đến mức vua Đa-vít buộc phải chạy trốn để bảo toàn tính mạng.—2 Sa-mu-ên 15:1-6, 12-17.
3. Đa-vít có lòng tin chắc nào?
3 Không còn ai thành tín với Đa-vít sao? Trong suốt nghịch cảnh, Đa-vít biết rằng có một người luôn thành tín với ông, bất kể ông gặp khó khăn nào trong đời sống. Người đó là ai? Chính là Đức Giê-hô-va. Đa-vít nói về Đức Giê-hô-va: “Đối cùng người thành tín, ngài đối xử thành tín” (2 Sa-mu-ên 22:26). Thành tín là gì? Và tại sao Đức Giê-hô-va là gương xuất sắc nhất về lòng thành tín?
Thế nào là thành tín?
4, 5. (a) Thế nào là “thành tín”? (b) Thành tín khác với trung tín, hay đáng tin cậy, như thế nào?
4 Từ “thành tín” được dùng trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ nói đến việc gắn bó với người mà mình yêu thương, tiếp tục giúp đỡ và hỗ trợ người ấy. Người thành tín không hành động vì bổn phận. Thay vì thế, người thành tín hành động vì tình yêu thương. Như vậy thành tín khác với trung tín, hay đáng tin cậy. a Chẳng hạn, người viết Thi thiên gọi mặt trăng “là một chứng nhân trung tín trên trời” vì nó đáng tin cậy do xuất hiện đều đặn vào ban đêm (Thi thiên 89:37). Nhưng mặt trăng không thể được gọi là thành tín. Tại sao? Vì thành tín là biểu hiện của tình yêu thương và mặt trăng thì không thể biểu lộ tình yêu thương được.
Mặt trăng được gọi là nhân chứng trung tín, nhưng chỉ thiên sứ và con người mới có thể thật sự phản ánh lòng thành tín của Đức Giê-hô-va
5 Theo nghĩa được dùng trong Kinh Thánh, thành tín bao hàm sự trìu mến. Khi một người thể hiện lòng thành tín với ai đó, điều này cho thấy người ấy thật sự quan tâm đến người kia. Sự thành tín, hay tình yêu thương thành tín, như thế thì không thay đổi. Nó không như sóng biển bị gió thổi đi đây đó. Thay vì thế, nó vững vàng và có sức mạnh để vượt qua những trở ngại cam go nhất.
6. (a) Lòng thành tín hiếm thấy như thế nào giữa con người, và Kinh Thánh nói gì về điều này? (b) Đâu là cách tốt nhất để hiểu rõ lòng thành tín, và tại sao?
6 Ngày nay, lòng thành tín như thế rất hiếm thấy. Chúng ta thường thấy có những người là bạn thân của nhau nhưng “sẵn sàng xâu xé lẫn nhau”. Chúng ta cũng nghe nhiều về người hôn phối ruồng bỏ bạn đời của mình (Châm ngôn 18:24; Ma-la-chi 2:14-16). Những hành động phụ bạc phổ biến đến mức chúng ta có thể nói giống như nhà tiên tri Mi-chê: “Người trung thành đã biến mất khỏi trái đất” (Mi-chê 7:2). Dù con người thường không biểu lộ lòng thành tín nhưng Đức Giê-hô-va luôn thành tín theo cách tuyệt vời nhất. Thật ra, để hiểu rõ nhất lòng thành tín thật sự là gì, chúng ta cần tìm hiểu về cách Đức Giê-hô-va thể hiện khía cạnh tuyệt vời này của tình yêu thương.
Lòng thành tín vô song của Đức Giê-hô-va
7, 8. Tại sao có thể nói chỉ Đức Giê-hô-va là thành tín?
7 Kinh Thánh nói về Đức Giê-hô-va: “Chỉ mình ngài là thành tín” (Khải huyền 15:4). Tại sao có thể nói thế? Chẳng phải thiên sứ và con người cũng có những lần thể hiện lòng thành tín nổi bật sao? (Gióp 1:1; Khải huyền 4:8). Còn nói sao về Chúa Giê-su? Chẳng phải ngài cũng là đấng trung thành nhất của Đức Chúa Trời sao? (Thi thiên 16:10). Vậy, tại sao có thể nói chỉ Đức Giê-hô-va là thành tín?
8 Trước hết, hãy nhớ rằng thành tín là một khía cạnh của tình yêu thương. Vì “Đức Chúa Trời là tình yêu thương”, hiện thân của phẩm chất này, nên không ai có thể thể hiện lòng thành tín trọn vẹn bằng Đức Giê-hô-va (1 Giăng 4:8). Đúng là thiên sứ và con người đều có thể phản ánh các phẩm chất của Đức Chúa Trời, nhưng chỉ có ngài là đấng thành tín tột bậc. Là “Đấng Thượng Cổ”, ngài đã thể hiện lòng thành tín lâu hơn bất cứ tạo vật nào trên trời hay dưới đất (Đa-ni-ên 7:9). Ngài thể hiện phẩm chất này theo cách mà không tạo vật nào có thể sánh được. Hãy xem một số ví dụ.
9. Đức Giê-hô-va “thành tín trong mọi việc làm” như thế nào?
9 Đức Giê-hô-va “thành tín trong mọi việc làm” (Thi thiên 145:17). Như thế nào? Thi thiên 136 cho chúng ta biết câu trả lời. Bài Thi thiên này nói về nhiều điều tuyệt vời mà Đức Giê-hô-va đã làm để giải cứu tôi tớ ngài, chẳng hạn việc ngài giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Biển Đỏ. Điều đáng chú ý là mỗi câu trong bài này đều kết thúc bằng câu: “Lòng yêu thương thành tín ngài còn đến mãi mãi”. Bài Thi thiên này nằm trong khung “ Câu hỏi để suy ngẫm” nơi trang 289. Khi đọc những câu này, hẳn anh chị rất kinh ngạc trước nhiều cách mà Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương thành tín đối với dân ngài. Thật vậy, Đức Giê-hô-va thành tín với các tôi tớ trung thành bằng cách lắng nghe khi họ kêu cầu giúp đỡ và hành động vào đúng thời điểm (Thi thiên 34:6). Đức Giê-hô-va sẽ luôn thể hiện tình yêu thương thành tín đối với các tôi tớ ngài nếu họ tiếp tục giữ lòng trung thành với ngài.
10. Làm thế nào Đức Giê-hô-va cho thấy ngài thành tín với những tiêu chuẩn của ngài?
10 Ngoài ra, Đức Giê-hô-va thể hiện lòng thành tín đối với các tôi tớ ngài bằng cách giữ đúng tiêu chuẩn của ngài. Một số người thường thay đổi quan điểm về điều đúng và điều sai vì bị chi phối bởi sở thích hoặc cảm xúc nhất thời. Trái lại, Đức Giê-hô-va thì không bao giờ như thế. Qua hàng ngàn năm, quan điểm của ngài về những điều như ma thuật, thờ thần tượng và giết người vẫn không thay đổi. Ngài đã nói điều này qua nhà tiên tri Ê-sai: “Cho đến khi các con già nua, ta vẫn là ta” (Ê-sai 46:4). Do đó, chúng ta có thể tin chắc mình sẽ nhận được lợi ích khi vâng theo những chỉ dẫn rõ ràng về đạo đức trong Lời Đức Chúa Trời.—Ê-sai 48:17-19.
11. Tại sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va luôn giữ lời hứa?
11 Đức Giê-hô-va cũng cho thấy ngài thành tín bằng cách luôn giữ lời hứa. Khi ngài báo trước điều gì thì sẽ luôn xảy ra. Đức Giê-hô-va phán: “Lời ta… đã ra từ miệng thì chẳng trở về mà không kết quả, nhưng ắt làm trọn điều ta ưa thích, chắc chắn làm thành việc ta sai khiến” (Ê-sai 55:11). Qua việc luôn giữ lời hứa, Đức Giê-hô-va thể hiện lòng thành tín với dân ngài. Ngài không để họ thấp thỏm chờ đợi điều gì đó mà ngài không có ý định thực hiện. Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ ngài đáng tin cậy đến nỗi tôi tớ ngài là Giô-suê đã có thể nói: “Trong các lời hứa tốt lành mà Đức Giê-hô-va đã lập với nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào không thành hiện thực; tất cả đều được ứng nghiệm” (Giô-suê 21:45). Vậy, chúng ta có thể tin chắc mình sẽ không bao giờ thất vọng vì Đức Giê-hô-va sẽ luôn thực hiện lời hứa của ngài.—Ê-sai 49:23; Rô-ma 5:5.
12, 13. Tình yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va còn đến mãi mãi qua những cách nào?
12 Như đã được nói ở trên, Kinh Thánh cho biết tình yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va “còn đến mãi mãi” (Thi thiên 136:1). Điều này có nghĩa gì? Trước hết, khi tha thứ tội lỗi thì Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ vĩnh viễn. Như đã được xem xét trong chương 26, khi tha thứ cho một người thì ngài sẽ không bao giờ nhắc lại lỗi lầm của người ấy nữa. Vì “mọi người đều phạm tội và thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”, mỗi chúng ta cần biết ơn là tình yêu thương thành tín của ngài còn đến mãi mãi.—Rô-ma 3:23.
13 Nhưng tình yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va còn đến mãi mãi theo một nghĩa khác nữa. Kinh Thánh nói rằng người công chính sẽ “như cây trồng bên các dòng nước, sinh bông trái đúng mùa, cành lá chẳng tàn úa. Mọi việc người làm đều sẽ thành công” (Thi thiên 1:3). Hãy hình dung một cây có cành lá sum suê không bao giờ tàn úa! Tương tự, nếu yêu thích đọc và học hỏi Lời Đức Chúa Trời thì chúng ta sẽ được sống lâu, bình an và sinh bông trái tốt. Những ân phước mà Đức Giê-hô-va ban cho các tôi tớ trung thành của ngài sẽ kéo dài mãi mãi. Thật vậy, trong thế giới mới công chính mà Đức Giê-hô-va ban, nhân loại biết vâng lời sẽ cảm nghiệm được tình yêu thương thành tín của ngài mãi mãi.—Khải huyền 21:3, 4.
Đức Giê-hô-va ‘không bỏ mặc người trung thành của ngài’
14. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về lòng trung thành của các tôi tớ ngài?
14 Đức Giê-hô-va đã nhiều lần biểu lộ lòng thành tín của ngài. Vì Đức Giê-hô-va không thay đổi nên ngài sẽ không bao giờ ngưng tỏ lòng thành tín với các tôi tớ trung thành của ngài. Người viết Thi thiên nói: “Trước tôi trẻ, nay đã già, nhưng nào thấy người công chính bị bỏ, hay con cháu người phải đi ăn xin. Bởi Đức Giê-hô-va yêu chuộng công lý; người trung thành của ngài, ngài không bỏ mặc” (Thi thiên 37:25, 28). Là Đấng Tạo Hóa, Đức Giê-hô-va dĩ nhiên xứng đáng được chúng ta thờ phượng (Khải huyền 4:11). Nhưng vì là đấng thành tín nên Đức Giê-hô-va quý trọng những hành động trung thành của chúng ta.—Ma-la-chi 3:16, 17.
15. Cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên làm nổi bật sự thành tín của ngài như thế nào?
15 Vì tình yêu thương thành tín nên Đức Giê-hô-va nhiều lần giải cứu dân ngài khi họ gặp khốn khổ. Người viết Thi thiên nói: “Ngài giữ mạng sống những người trung thành của ngài; ngài giải thoát họ khỏi bàn tay kẻ gian ác” (Thi thiên 97:10). Hãy xem cách ngài đối xử với dân Y-sơ-ra-ên. Sau khi được giải cứu một cách kỳ diệu qua Biển Đỏ, dân Y-sơ-ra-ên đã nói về Đức Giê-hô-va trong một bài hát: “Với tình yêu thương thành tín, ngài dẫn dắt dân ngài đã giải cứu” (Xuất Ai Cập 15:13). Thật vậy, sự giải cứu này thật sự cho thấy tình yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va dành cho dân Y-sơ-ra-ên. Vì thế, Môi-se đã nói với dân chúng: “Đức Giê-hô-va đã thể hiện lòng yêu mến đối với anh em và đã chọn anh em, không phải vì anh em đông nhất trong tất cả các dân, thật ra, anh em là dân nhỏ nhất trong tất cả các dân. Nhưng bởi tình yêu thương Đức Giê-hô-va dành cho anh em và bởi ngài giữ lời thề mà ngài đã lập với tổ phụ anh em nên Đức Giê-hô-va đã dùng bàn tay mạnh mẽ đưa anh em đi, chuộc anh em khỏi nhà nô lệ, khỏi quyền lực của vua Ai Cập là Pha-ra-ôn”.—Phục truyền luật lệ 7:7, 8.
16, 17. (a) Làm thế nào dân Y-sơ-ra-ên cho thấy họ không biết ơn về tình yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va, nhưng ngài đã thể hiện lòng trắc ẩn ra sao đối với họ? (b) Đa số dân Y-sơ-ra-ên cho thấy họ “vô phương cứu chữa” như thế nào, và chúng ta học được gì từ gương cảnh báo của họ?
16 Đáng buồn là đa số dân Y-sơ-ra-ên đã không biết ơn về tình yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va, vì sau khi được giải cứu, “họ vẫn phạm tội với ngài khi phản nghịch cùng Đấng Tối Cao” (Thi thiên 78:17). Qua nhiều thập kỷ, dân Y-sơ-ra-ên nhiều lần phản nghịch. Họ từ bỏ Đức Giê-hô-va và quay sang thờ thần giả, là những điều khiến họ bị ô uế. Dù vậy, Đức Giê-hô-va đã không hủy bỏ giao ước của ngài. Thay vì thế, qua nhà tiên tri Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va đã kêu gọi dân ngài: “Hỡi Y-sơ-ra-ên phản bội, hãy trở về!... Ta sẽ không sầm mặt với các ngươi vì ta là thành tín” (Giê-rê-mi 3:12). Tuy nhiên, như đã được nói nơi chương 25, đa số dân Y-sơ-ra-ên đã không chịu thay đổi. Thực tế, họ “tiếp tục chế giễu các sứ giả của Đức Chúa Trời, khinh thường lời ngài và nhạo báng các nhà tiên tri của ngài”. Hậu quả là gì? Cuối cùng, “cơn thịnh nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân ngài, cho đến khi họ vô phương cứu chữa”.—2 Sử ký 36:15, 16.
17 Chúng ta rút ra bài học nào? Đó là Đức Giê-hô-va không thể hiện lòng thành tín một cách mù quáng và ngài cũng không cả tin. Đúng là Đức Giê-hô-va “giàu tình yêu thương thành tín”, và ngài vui thích thể hiện lòng thương xót khi có lý do chính đáng. Nhưng nói sao nếu người phạm tội cho thấy mình gian ác đến mức không chịu thay đổi? Trong trường hợp đó, Đức Giê-hô-va sẽ làm theo các tiêu chuẩn công chính của ngài và trừng phạt kẻ phạm tội. Như Môi-se được cho biết, Đức Giê-hô-va sẽ không “để kẻ phạm tội thoát khỏi hình phạt”.—Xuất Ai Cập 34:6, 7.
18, 19. (a) Tại sao việc Đức Giê-hô-va trừng phạt kẻ ác là hành động thể hiện lòng thành tín? (b) Đức Giê-hô-va sẽ thể hiện lòng thành tín đối với những tôi tớ bị ngược đãi cho đến chết qua cách nào?
18 Khi Đức Chúa Trời trừng phạt kẻ ác thì thật ra ngài đang thể hiện lòng thành tín. Tại sao có thể nói thế? Điều này được giải thích trong sách Khải huyền. Trong sách ấy, chúng ta thấy Đức Giê-hô-va lệnh cho bảy thiên sứ: “Hãy đi và trút xuống trái đất bảy bát của cơn giận Đức Chúa Trời”. Khi thiên sứ thứ ba “trút bát của mình xuống các dòng sông và suối nước” thì chúng biến thành máu. Sau đó, thiên sứ nói với Đức Giê-hô-va: “Hỡi đấng hiện có và đã có, là đấng thành tín, ngài là công chính vì đã đưa ra những phán quyết ấy, bởi chúng đã làm đổ máu các người thánh cùng các nhà tiên tri, và ngài đã cho chúng uống máu; chúng đáng bị như vậy”.—Khải huyền 16:1-6.
19 Hãy lưu ý rằng trong lúc truyền thông điệp phán xét đó, thiên sứ ấy gọi Đức Giê-hô-va là “đấng thành tín”. Tại sao? Vì khi hủy diệt kẻ ác, Đức Giê-hô-va đang thể hiện lòng thành tín với các tôi tớ ngài, nhiều người trong số họ đã bị ngược đãi cho đến chết. Đức Giê-hô-va thể hiện lòng thành tín bằng cách giữ những tôi tớ này sống trong ký ức của ngài. Ngài mong mỏi được gặp lại những tôi tớ trung thành này, và Kinh Thánh đảm bảo rằng ngài sẽ ban thưởng cho họ bằng cách làm họ sống lại (Gióp 14:14, 15). Đức Giê-hô-va không quên những tôi tớ trung thành chỉ vì họ không còn sống. Trái lại, ‘đối với ngài tất cả họ đều sống’ (Lu-ca 20:37, 38). Việc Đức Giê-hô-va có ý định làm cho những người ở trong ký ức ngài sống lại là bằng chứng mạnh mẽ về lòng thành tín của ngài.
Đức Giê-hô-va sẽ thành tín nhớ đến và làm sống lại những người trung thành với ngài cho đến chết
Tình yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va mở đường cho sự cứu rỗi
20. Ai là “những bình đáng thương xót”, và Đức Giê-hô-va thể hiện lòng thành tín với họ như thế nào?
20 Trong suốt lịch sử, Đức Giê-hô-va đã thể hiện lòng thành tín lớn lao với những tôi tớ trung thành trên đất. Sự thật là trong hàng ngàn năm, Đức Giê-hô-va “đã kiên nhẫn chịu đựng những bình đáng gánh lấy cơn thịnh nộ, đáng bị hủy diệt”. Tại sao ngài làm thế? Đó là để ngài “tỏ sự vinh hiển vô hạn trên những bình đáng thương xót mà ngài đã chuẩn bị trước để nhận sự vinh hiển” (Rô-ma 9:22, 23). “Những bình đáng thương xót” này là những tín đồ được xức dầu bằng thần khí thánh để cùng cai trị với Đấng Ki-tô trong Nước của ngài (Ma-thi-ơ 19:28). Bằng cách mở đường để họ được cứu rỗi, Đức Giê-hô-va đã thể hiện lòng thành tín với Áp-ra-ham, người mà ngài đã lập lời hứa: “Nhờ dòng dõi con mà mọi dân tộc trên đất sẽ đạt được ân phước cho mình, vì con đã nghe lời ta”.—Sáng thế 22:18.
21. (a) Đức Giê-hô-va thể hiện lòng thành tín như thế nào với “một đám đông lớn”, là những người có triển vọng vượt qua “hoạn nạn lớn”? (b) Lòng thành tín của Đức Giê-hô-va thôi thúc anh chị làm gì?
21 Đức Giê-hô-va cũng thể hiện lòng thành tín như thế với “một đám đông lớn”, là những người có triển vọng vượt qua “hoạn nạn lớn” và sống mãi mãi trên đất (Khải huyền 7:9, 10, 14). Dù tôi tớ của ngài là những người bất toàn nhưng Đức Giê-hô-va vẫn thể hiện tình yêu thương thành tín bằng cách ban cho họ cơ hội sống vĩnh cửu trong địa đàng. Ngài làm thế bằng cách nào? Đó là qua giá chuộc, một biểu hiện lớn nhất về lòng thành tín của Đức Giê-hô-va (Giăng 3:16; Rô-ma 5:8). Sự thành tín của Đức Giê-hô-va thu hút những người có lòng khao khát sự công chính (Giê-rê-mi 31:3). Anh chị cảm thấy thế nào về Đức Giê-hô-va sau khi học thêm về lòng thành tín sâu xa mà ngài đã và sẽ thể hiện? Hãy cho thấy anh chị biết ơn về tình yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va bằng cách quyết tâm trung thành phụng sự ngài, và nhờ thế anh chị sẽ ngày càng đến gần hơn với ngài.
a Điều đáng chú ý là từ được dịch là “thành tín” nơi 2 Sa-mu-ên 22:26 được dịch là “yêu thương thành tín” ở những nơi khác.