“Đức Giê-hô-va ơi, xin cho con được thờ phượng Cha”
“Đức Giê-hô-va ơi, xin cho con được thờ phượng Cha”
Do Danielle Hall kể lại
Khi còn nhỏ, tôi rất thích sang chơi nhà bà nội ở kế bên. Mỗi ngày bà nội thường ngủ trưa. Khi tôi đến vào lúc đó, hai bà cháu cùng ngồi trên giường và bà đọc cho tôi nghe những câu chuyện trong Kinh Thánh. Bà thường bảo tôi rằng: “Con đừng bao giờ quên là Đức Giê-hô-va yêu mến con. Nếu con yêu Ngài, Ngài sẽ luôn luôn chăm sóc con”. Những lời của bà nội đã khắc sâu vào tâm trí tôi.
BÀ NỘI tôi qua đời năm 1977, khi tôi được bốn tuổi. Bà là Nhân Chứng Giê-hô-va. Tất cả họ hàng của cha tôi sống ở quê nhà Moe, bang Victoria của Úc, cũng là Nhân Chứng. Tuy cha mẹ tôi không phải là Nhân Chứng, nhưng cha có thiện cảm với họ. Sau này, gia đình tôi dọn đến Tintenbar, một thành phố nhỏ gần bờ biển thuộc bang New South Wales. Tại đó, tôi và anh trai là Jamie thỉnh thoảng được cùng cha đi dự nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va.
Khi tôi được tám tuổi, cha mẹ tôi ly thân. Cha trở về Moe, còn anh Jamie và tôi ở lại với mẹ. Mẹ tôi không chú ý đến Kinh Thánh và không muốn chúng tôi tham dự các buổi nhóm họp. Điều này làm tôi buồn lắm. Những lời của bà nội
vẫn vang vọng trong lòng tôi. Tôi biết tôi thật sự yêu Đức Giê-hô-va và muốn thờ phượng Ngài! Vì thế, tôi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và nói với Ngài rằng tôi cũng là Nhân Chứng của Ngài. Anh Jamie cũng cảm thấy như vậy.Thử thách ở trường
Không lâu sau đó, thầy giáo ở trường yêu cầu các học sinh trả lời lớn tiếng tôn giáo của mình để thầy ghi vào sổ. Đến phiên anh Jamie, anh dõng dạc trả lời: “Thưa thầy, Nhân Chứng Giê-hô-va”. Thầy giáo ngừng lại và bảo anh nhắc lại, nhưng anh vẫn trả lời y như lần trước. Thầy nói: “Chắc không? Thầy sẽ nói chuyện với em sau”. Khi đến lượt tôi, tôi cũng trả lời rõ ràng: “Thưa thầy, Nhân Chứng Giê-hô-va”. Thầy giáo rất bực mình và mời thầy hiệu trưởng đến.
Thầy hiệu trưởng nói rõ với chúng tôi: “Thầy đang cầm hồ sơ nhập học của các em đây, cha mẹ các em không hề ghi các em là Nhân Chứng Giê-hô-va”. Chúng tôi lễ phép trả lời: “Nhưng thưa thầy, chúng em theo đạo đó”. Sau này, cả thầy hiệu trưởng lẫn thầy giáo không bao giờ nhắc đến vấn đề đó nữa.
Ở trường, tôi cố gắng nói với các bạn về Kinh Thánh dù tôi chỉ biết một ít. Tôi đem theo Sách kể chuyện Kinh Thánh để thỉnh thoảng có thể đọc cho một cô bạn cũng tin nơi Đức Chúa Trời. * Tuy nhiên, vì tôi cố gắng sống theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh, nên tôi không có nhiều bạn và đôi khi cảm thấy đơn độc.
Tôi cầu nguyện rất nhiều và tha thiết đến nỗi Đức Giê-hô-va trở thành người bạn thân nhất của tôi. Mỗi ngày sau khi đi học về, tôi ngồi trên giường và kể cho Ngài nghe về những gì xảy ra trong ngày, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Khi ấy, tôi thường hay khóc. Nước mắt lăn dài trên má, tôi cầu xin: “Đức Giê-hô-va ơi, xin cho con được thờ phượng Cha cùng với dân sự của Cha”. Tôi luôn cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều sau khi cầu nguyện.
Lá thư làm tôi vững mạnh
Khi tôi lên mười, anh Jamie trở về Moe sống với cha. Lúc ấy, dường như tôi không còn ai để ủng hộ mình làm theo nguyên tắc Kinh Thánh nữa. Sau đó, trong một lần qua thăm nhà người hàng xóm, tôi nhìn thấy một vài tạp chí do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản. Tôi vui sướng và cố nhớ địa chỉ của văn phòng chi nhánh địa phương, rồi chạy thật nhanh về nhà viết ra giấy. Tôi gửi một lá thư đến đó, giãi bày hoàn cảnh của mình và xin được giúp đỡ để có thể thờ phượng Đức Chúa Trời. Họ đã hồi âm bằng một lá thư dài hai trang, với những lời đầy khích lệ dành riêng cho tôi. Khi đọc lá thư này, tôi không cầm lòng được và rưng rưng nước mắt. Đây là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va thật sự yêu quý tôi!
Trong thư, họ khuyến khích tôi noi theo gương đức tin của em gái nhỏ người Y-sơ-ra-ên vào thời Kinh Thánh. Dù bị bắt làm đầy tớ cho quan tổng binh Sy-ri là Na-a-man và phải sống xa quê nhà, em vẫn ở gần Đức Chúa Trời của mình, Đức Giê-hô-va. Khi can đảm nói lên đức tin, em đã chứng tỏ mình là nhân chứng thật của Ngài.—2 Các Vua 5:1-4.
Lá thư nói thêm: “Dù còn nhỏ, em vẫn có thể thờ phượng Đức Giê-hô-va bằng cách vâng lời cha mẹ và chăm chỉ học hành. Em cũng có thể tiếp tục đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và việc học hỏi Kinh Thánh”. Những lời cuối của lá thư ghi như sau: “Danielle à, hãy nhớ là dù chúng ta sống ở đâu, Đức Giê-hô-va luôn gần gũi chúng ta. Chúng tôi biết em tin điều này”. (Rô-ma 8:35-39) Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn giữ lá thư này nơi trang đầu của cuốn Kinh Thánh, dù nó đã sờn và úa màu. Suốt những năm qua, tôi đã đọc lá thư này rất nhiều lần mà không lần nào tôi cầm được nước mắt.
Chẳng bao lâu sau đó, tôi nhận được một lá thư khác cho biết cha đã đặt cho tôi tạp chí Tháp Canh và Tỉnh Thức! dài hạn qua đường bưu điện. Tôi vô cùng sung sướng! Giờ đây, tôi sẽ được nuôi dưỡng đều đặn về mặt tâm linh. Mỗi lần nhận được tạp chí, tôi liền đọc từ đầu đến cuối. Tôi vẫn còn giữ những số tạp chí quý giá đó! Trong khoảng thời gian này, một trưởng lão của hội thánh địa phương bắt đầu đến thăm tôi. Dù mỗi lần đến anh không ở lại lâu, nhưng anh đã khuyến khích tôi rất nhiều.
Những thay đổi giúp tôi tiến bộ
Mặc dù được ủng hộ nhiều hơn, nhưng tôi vẫn ao ước thờ phượng Đức Giê-hô-va cùng với hội thánh. Vì vậy, khi lên 13 tuổi, tôi xin mẹ cho tôi về sống với cha. Dù tôi rất thương mẹ và mẹ cũng thương tôi, nhưng tôi đã quyết tâm phụng sự Đức Chúa Trời. Mẹ đồng ý và tôi quay về Moe, bắt đầu học Kinh Thánh với hội thánh địa phương. Cha cho phép anh Jamie và tôi dự tất cả các buổi nhóm họp. Các anh chị Nhân Chứng ở đó hết lòng giúp đỡ chúng tôi. Anh Jamie và tôi tiến bộ rất nhanh. Chúng tôi làm báp têm chỉ cách nhau vài tháng. Lời cầu nguyện thời thơ ấu của tôi thật sự đã được nhậm. Giờ đây, tôi được thờ phượng Đức Giê-hô-va cùng với dân sự của Ngài!
Lúc đó, tôi rất thân với cô chú tôi, cô Lorraine và chú Philip Taylor. Họ ở cùng hội thánh Moe và xem tôi như con gái. Cô chú dọn đến phục vụ ở đảo Bougainville, Papua New Guinea, nơi cần nhiều người rao giảng về Nước Trời. Khi được mời đi chung, tôi liền nhận lời. Lúc ấy, tôi chỉ mới 15 tuổi nhưng cha mẹ cũng cho phép tôi đi.
Tại Bougainville, tôi tiếp tục việc học bằng phương pháp học từ xa qua thư. Ngoài ra, tôi dành phần lớn thời gian của mình để tham gia rao giảng. Thật vui mừng biết bao khi được cùng làm việc với các anh chị giáo sĩ và tiên phong, tức những người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Người dân ở đây là những người khiêm nhường nhất mà tôi từng gặp, và có nhiều người sẵn lòng học Kinh Thánh.
Cũng vào năm đó, cuộc xung đột chính trị nổ ra, và tôi không thể ở lại vì quá nguy hiểm. Thật đau lòng khi phải rời hòn đảo nhỏ với những người dân thân thiện như thế! Khi chiếc máy bay cất cánh, tôi nhìn thấy chú Philip đứng trên đường băng vẫy tay chào tôi. Tôi khóc nức nở, và thầm cầu xin Đức Giê-hô-va một ngày nào đó cho phép tôi được trở thành giáo sĩ để phụng sự Ngài ở nước ngoài.
Thêm nhiều lời cầu nguyện được nhậm
Trở về Úc, sau khi học xong trung học, tôi bắt đầu học khóa huấn luyện của văn phòng luật sư. Lúc đó, cha đã tái hôn với một người có nhiều con và phải chăm sóc cho họ. Anh Jamie sống với mẹ. Còn tôi có lúc sống với cha có lúc sống với mẹ. Cuộc sống dường như phức tạp. Tôi cần đơn giản đời sống và chú tâm vào các mục tiêu liên quan đến việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Vì vậy, vào năm 1994, tôi bắt đầu làm tiên phong ở Moe.
Tôi có lại được niềm vui. Bạn bè tôi là những người trẻ trong hội thánh, những người biết quý việc thờ phượng Đức Chúa Trời. Họ là nguồn hỗ trợ lớn cho tôi. Vào năm 1996, tôi kết hôn với một người bạn trong hội thánh là anh Will. Anh là người khiêm nhường, nhẹ nhàng, tử tế và thật sự là một ân phước đến từ Đức Giê-hô-va.
Vợ chồng tôi ổn định đời sống và chúng tôi rất hạnh phúc. Một ngày nọ, anh Will đi rao giảng với anh giám thị lưu động (người làm công tác viếng thăm các hội thánh trong một khu vực cố định). Khi về nhà, anh gọi tôi ngồi xuống và hỏi: “Em nghĩ sao nếu chúng ta dọn đến giúp một hội thánh khác?” Tôi thầm đồng ý ngay. Nhưng tôi nói đùa rằng: “Đi đâu hả anh? Vanuatu hay Fiji?” Anh Will trả lời: “Đi Morwell”. Tôi thốt lên: “Sao gần quá vậy!” Chúng tôi cười phá lên và quyết định sẽ dời đến hội thánh lân cận để làm tiên phong.
Ba năm sau đó là khoảng thời gian chúng tôi hạnh phúc và bận rộn trong công việc hội thánh ở Morwell. Rồi chúng tôi bất ngờ nhận được lá thư từ văn phòng chi nhánh Úc, mời chúng tôi làm tiên phong đặc biệt. Đi đâu? Đến Đông Timor, một đất nước nhỏ bé nằm ở cực đông của quần đảo Indonesia. Mắt đẫm lệ, tôi cám ơn Đức Giê-hô-va đã nhậm mọi lời cầu xin của tôi. Ngài không chỉ chấp nhận cho tôi phụng sự Ngài mà giờ đây còn cho phép vợ chồng tôi phục vụ ở nước ngoài.
Phục vụ ở nước ngoài
Chúng tôi đến Dili, thủ đô của Đông Timor, vào tháng 7 năm 2003. Lúc đó, chỉ có một hội thánh ở nước này. Hội thánh Dili có 13 người tiên phong đặc biệt đến Khải-huyền 2:8, 9.
từ Úc và vài Nhân Chứng địa phương. Các anh chị ở đây rất nghèo, hầu hết họ đã mất của cải và người thân trong cuộc nội chiến kéo dài 24 năm. Cuộc chiến này kết thúc vào năm 1999. Hơn nữa, khi trở thành Nhân Chứng, nhiều anh chị bị gia đình chống đối dữ dội. Dù nghèo khổ và gặp nhiều khó khăn, nhưng họ hạnh phúc và giàu có về thiêng liêng.—Hầu hết người dân Đông Timor kính sợ Đức Chúa Trời và quý trọng Kinh Thánh. Trong một thời gian ngắn, có quá nhiều người muốn học Kinh Thánh đến độ chúng tôi giúp họ không xuể. Vài người trong số họ làm báp têm và nay phụng sự vai kề vai với chúng tôi. Sự tiến bộ về thiêng liêng của họ mang lại niềm vui lớn lao cho chúng tôi.
Rồi vào năm 2006, Dili lại rơi vào cảnh hỗn loạn. Tình trạng căng thẳng giữa các nhóm sắc tộc bùng nổ thành chiến tranh. Nhà cửa bị cướp phá hoặc bị đốt thành tro bụi. Các anh chị Nhân Chứng địa phương chạy đến trú náu nơi nhà của các tiên phong đặc biệt. Nhà chúng tôi và sân chung quanh nhà trở thành một “trại tị nạn” tạm thời, và có lần gần 100 người đến ở với chúng tôi! Cái hiên lớn để đậu xe biến thành nhà bếp, phòng ăn và Phòng Nước Trời tạm thời.
Dù tiếng súng và tiếng lựu đạn nổ sát bên tai, nhưng ngôi nhà của chúng tôi vẫn là nơi trú ẩn bình an. Tất cả chúng tôi đều cảm nhận được bàn tay che chở của Đức Giê-hô-va. Mỗi buổi sáng, chúng tôi cùng nhau thảo luận câu Kinh Thánh hàng ngày. Các buổi nhóm họp được tổ chức như thường lệ. Chúng tôi cũng tiếp tục giúp người chú ý học Kinh Thánh.
Nhiều tuần trôi qua, và chúng tôi thấy rõ là các anh chị người miền đông xứ này có thể gặp nguy hiểm nếu tiếp tục ở Dili. Vì vậy, các anh có trách nhiệm quyết định thành lập một nhóm mới ở Baucau, thành phố lớn thứ nhì của Đông Timor. Thành phố này cách Dili về phía đông ba tiếng đồng hồ. Đó là nhiệm sở mới của anh Will và tôi.
Chúng tôi đến Baucau vào tháng 7 năm 2006, gần ba năm kể từ ngày chúng tôi đặt chân đến Đông Timor. Nhóm mới của chúng tôi gồm bốn người tiên phong đặc biệt và sáu Nhân Chứng người Đông Timor. Các anh chị địa phương đã bỏ lại tất cả tài sản của mình ở Dili, nhưng họ vẫn còn giữ được niềm vui. Chúng tôi thật sự khâm phục lòng trung thành và tinh thần hy sinh như thế!
Anh Will và tôi vẫn đang phụng sự ở Baucau. Chúng tôi rất yêu quý nhiệm sở của mình và xem đó như là một ân phước khác đến từ Đức Giê-hô-va. Khi ngẫm nghĩ lại những gì đã trải qua, tôi cảm nhận rằng bà nội nói đúng. Đức Giê-hô-va luôn luôn chăm sóc tôi trong những năm qua. Tôi thường cảm tạ Đức Giê-hô-va vì đã cho tôi đặc ân được phụng sự cùng với dân của Ngài. Tôi cũng mong chờ ngày gặp lại bà nội khi bà được sống lại. Rồi tôi có thể nói lời cám ơn bà vì đã cho tôi bí quyết để tìm thấy một đời sống hạnh phúc và đầy ân phước.
[Chú thích]
^ đ. 9 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Hình nơi trang 18]
Với bà nội
[Hình nơi trang 20, 21]
Với anh Will, chồng tôi