Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Bí quyết để có đời sống hạnh phúc

Bí quyết để có đời sống hạnh phúc

“Tôi sẽ hạnh phúc khi nào kết hôn và có con”.

“Tôi sẽ hạnh phúc khi nào có nhà riêng”.

“Tôi sẽ hạnh phúc khi nào có được công việc đó”.

“Tôi sẽ hạnh phúc khi...”.

Có bao giờ bạn cảm thấy như thế không? Và khi đạt mục tiêu hoặc được sở hữu món đồ mình ao ước, liệu hạnh phúc của bạn có kéo dài không? Hay cảm giác này bắt đầu nhạt nhòa? Dĩ nhiên, việc đạt một mục tiêu hoặc được sở hữu thứ gì đó mình ao ước khiến bạn hạnh phúc, nhưng loại hạnh phúc ấy có thể trôi qua nhanh chóng. Hạnh phúc lâu dài không chỉ tùy thuộc vào thành quả hoặc sở hữu món đồ nào đó. Nhưng giống như sức khỏe tốt, hạnh phúc thật tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Mỗi người chúng ta đều khác biệt. Điều khiến bạn hạnh phúc có lẽ không làm người khác hạnh phúc. Hơn nữa, chúng ta thay đổi khi càng lớn tuổi. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy rằng có vài điều luôn gắn liền với hạnh phúc. Chẳng hạn, hạnh phúc thật sự liên quan đến việc tìm sự thỏa lòng, tránh ghen tị, vun trồng tình yêu thương với người khác và phát huy tính kiên cường về tinh thần lẫn cảm xúc. Chúng ta hãy xem tại sao.

1. TÌM SỰ THỎA LÒNG

Một người có sự hiểu biết uyên thâm về bản chất con người nhận xét: “Tiền-bạc che thân”. Nhưng ông viết: “Người ham tiền bạc, bao nhiêu tiền bạc cũng không đủ, người ham của cải, lợi nhuận mấy cũng chẳng vừa lòng. Đấy cũng là phù vân, hư ảo” (Truyền-đạo 5:10; 7:12; Bản Dịch Mới). Ý của ông là gì? Dù cần tiền để sinh sống, nhưng chúng ta nên tránh tham lam, vì lòng tham không đáy! Người viết những điều này, vua Sa-lô-môn của dân Y-sơ-ra-ên xưa, thật ra đã trải nghiệm xem liệu sự giàu sang cùng lối sống xa hoa có mang lại hạnh phúc thật hay không. Ông viết: “Ta chẳng từ điều gì mắt mình ước-ao, cũng chẳng cấm điều gì lòng mình ưa-thích”.—Truyền-đạo 1:13; 2:10.

Tích trữ được khối tài sản kếch xù, Sa-lô-môn xây những ngôi nhà nguy nga, làm những công viên, hồ nước xinh đẹp và có nhiều đầy tớ. Bất kể thứ gì mình muốn, ông đều có. Nhưng ông rút ra được điều gì? Cuộc trải nghiệm ấy khiến ông cũng hạnh phúc phần nào, nhưng không kéo dài. Ông phát biểu: “Mọi điều đó là sự hư-không..., chẳng có ích-lợi gì hết dưới mặt trời”. Thậm chí ông còn ghét đời sống nữa! (Truyền-đạo 2:11, 17, 18). Thật vậy, Sa-lô-môn nhận ra việc hưởng thụ đời sống xa hoa cuối cùng cũng để lại cảm giác trống rỗng và không thỏa lòng. *

Các cuộc nghiên cứu hiện đại có đồng tình với sự khôn ngoan đó vào thời xưa không? Một bài đăng trong tờ Journal of Happiness Studies cho biết rằng “sau khi một người đã thỏa mãn các nhu cầu cơ bản, thì việc kiếm thêm khoản thu nhập cũng không làm cho người ấy hạnh phúc hơn”. Thật vậy, các cuộc nghiên cứu cho thấy khi càng mua nhiều món hàng nhưng lờ đi các giá trị đạo đức và tâm linh của mình, thì niềm hạnh phúc dần dần tan biến.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Hãy giữ lối sống không ham tiền, và thỏa lòng với những gì mình hiện có”.Hê-bơ-rơ 13:5.

2. TRÁNH GHEN TỊ

Ghen tị có nghĩa là “một người buồn phiền hoặc tức tối khi biết người khác có một lợi thế nào đó, đồng thời cũng ao ước có được lợi thế ấy”. Như một khối u ác tính, lòng ghen tị có thể chi phối đời sống cũng như hủy hoại niềm hạnh phúc của một người. Lòng ghen tị có thể được bén rễ thế nào? Làm sao chúng ta nhận ra đặc tính này? Và làm thế nào chống lại được?

Cuốn bách khoa từ điển Encyclopedia of Social Psychology cho biết rằng con người có khuynh hướng ghen tị với những người tương đồng với mình, có lẽ tuổi tác, kinh nghiệm hoặc hoàn cảnh xuất thân. Chẳng hạn, một người bán hàng có lẽ không ghen tị với một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng. Nhưng có thể người này ghen tị với người bán hàng khác thành công hơn.

Để minh họa: Một số viên quan đứng đầu triều đình nước Phe-rơ-sơ (Ba Tư) đã ghen tị với một vị quan nổi trội tên là Đa-ni-ên. Việc lập mưu giết Đa-ni-ên cho thấy những người này hẳn tức tối đến mức nào! Nhưng âm mưu ấy bất thành (Đa-ni-ên 6:1-24). Cuốn bách khoa trên cho biết “việc nhận ra bản chất ác tâm của tính ghen tị là điều quan trọng. Sự ác tâm ấy cho biết rõ tại sao tính ghen tị liên quan đến rất nhiều biến cố gây hấn trong lịch sử” *.

Tính ghen tị hủy hoại khả năng hưởng thụ những điều tốt lành trong đời

Làm thế nào bạn có thể nhận ra tính ghen tị? Hãy tự hỏi: “Khi một người đồng trang lứa thành công, mình vui hay buồn? Nếu anh em ruột, bạn học có tài năng, hoặc đồng nghiệp thất bại trong lĩnh vực nào đó, thì mình buồn hay vui?”. Nếu trả lời “mình buồn” cho câu hỏi đầu và “mình vui” cho câu hỏi sau thì có thể bạn có tính ghen tị (Sáng-thế Ký 26:12-14). Bách khoa từ điển Encyclopedia of Social Psychology nói “tính ghen tị hủy hoại khả năng hưởng thụ những điều tốt lành trong đời và làm mai một lòng biết ơn về nhiều món quà của đời sống... Những khuynh hướng như thế không thể nào mang đến hạnh phúc”.

Chúng ta chống lại tính ghen tị bằng cách vun trồng tính khiêm nhường và khiêm tốn chân thật, điều này giúp chúng ta biết ơn và xem trọng khả năng lẫn đức tính tốt của người khác. Kinh Thánh cho biết: “Đừng làm việc gì vì ưa tranh cãi hay vì tự cao, nhưng hãy khiêm nhường xem người khác cao hơn mình”.—Phi-líp 2:3.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Chúng ta chớ nên tự phụ, kích động tinh thần ganh đua, và chớ ghen tị nhau”.Ga-la-ti 5:26.

3. VUN TRỒNG TÌNH YÊU THƯƠNG VỚI NGƯỜI KHÁC

Sách Social Psychology cho biết: “So với công việc, thu nhập, cộng đồng hoặc ngay cả sức khỏe thì cảm xúc của một người về các mối quan hệ ảnh hưởng nhiều hơn đến sự mãn nguyện về đời sống”. Nói đơn giản là để thực sự hạnh phúc, con người cần cho và nhận tình yêu thương. Một người viết Kinh Thánh cho biết: “Nếu tôi... không có tình yêu thương thì tôi chẳng là gì”.—1 Cô-rinh-tô 13:2.

Việc cho và nhận tình yêu thương không bao giờ là quá trễ. Chẳng hạn, chị Vanessa đã có một người cha nghiện rượu và ngược đãi mình. Khi 14 tuổi, chị Vanessa trốn ra khỏi nhà và ở trong những nhà nuôi trẻ gặp khó khăn. Có lần chị ở một nơi tồi tàn dành cho người cơ nhỡ, tại đây chị nhớ mình đã cầu nguyện để xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. Rồi có lẽ lời cầu nguyện của chị được nhậm khi chị được ở chung với một gia đình làm theo nguyên tắc Kinh Thánh, đó là “tình yêu thương thì kiên nhẫn và tử tế” (1 Cô-rinh-tô 13:4). Chính môi trường này, cộng với điều mình tự học được trong Kinh Thánh, đã giúp cho chị Vanessa từ từ chữa lành vết thương lòng và trí tuệ được cải thiện. Chị nói: “Ở trường, điểm của tôi từng xếp loại yếu, sau này đã lên được loại giỏi”.

Chị Vanessa vẫn còn mang những vết thương lòng. Tuy nhiên, giờ đây chị có hôn nhân hạnh phúc và hai con gái.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Hãy mặc lấy tình yêu thương, vì đó là mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn”.Cô-lô-se 3:14.

4. PHÁT HUY TÍNH KIÊN CƯỜNG

Có ai tránh được những vấn đề trong đời sống không? Như Kinh Thánh nói “có kỳ khóc” và “có kỳ than-vãn” (Truyền-đạo 3:4). Tính kiên cường giúp chúng ta vượt qua những giai đoạn như thế để gượng dậy sau nghịch cảnh. Hãy xem trường hợp của chị Carol và chị Mildred.

Chị Carol bị bệnh thoái hóa xương, tiểu đường, chứng ngừng thở khi ngủ và thoái hóa điểm vàng đã khiến mắt trái bị mù. Nhưng chị nói: “Tôi cố gắng để không cảm thấy nản lòng quá lâu. Tôi thương hại mình một chút. Nhưng rồi tôi không nghĩ đến bản thân nữa và cảm ơn Đức Chúa Trời vì tôi vẫn còn làm được điều có thể làm, nhất là cho người khác”.

Chị Mildred cũng mang trong người một số bệnh, gồm có chứng viêm khớp, ung thư vú và tiểu đường. Nhưng giống như chị Carol, chị đã cố gắng không tập trung vào vấn đề của mình. Chị viết: “Tôi học yêu thương và an ủi người khác khi họ bị bệnh, điều này cũng giúp cho tôi. Thật ra, tôi nhận thấy rằng khi an ủi người khác thì tôi không còn lo lắng về bản thân”.

Chị Carol và chị Mildred tìm thấy niềm vui khi an ủi người khác

Dù hai phụ nữ trên muốn được chăm sóc tốt về y tế, nhưng họ không tập trung vào sức khỏe mà tập trung vào thái độ và cách dùng thời gian của chính mình. Nhờ vậy, họ có niềm vui nội tâm mà không ai có thể lấy đi. Hơn nữa, họ được người khác yêu thương rất nhiều và là nguồn khích lệ cho những ai đang trải qua thử thách.

NGUYÊN TẮC KINH THÁNH: “Hạnh phúc cho người tiếp tục chịu đựng thử thách, vì khi đã được chấp nhận, người ấy sẽ nhận giải thưởng sự sống”.Gia-cơ 1:12.

Khi áp dụng, sự khôn ngoan của Kinh Thánh là “cây sự sống cho ai nắm lấy nó; người nào cầm-giữ nó đều được phước-hạnh” (Châm-ngôn 3:13-18). Tại sao không khám phá sự thật ấy cho bản thân bạn bằng cách áp dụng sự khôn ngoan được ghi trong Kinh Thánh? Suy cho cùng, Tác Giả của sách thánh này, đấng được gọi là “Đức Chúa Trời hạnh phúc”, muốn bạn cũng hạnh phúc.—1 Ti-mô-thê 1:11.

^ đ. 11 Lời tường thuật về cuộc trải nghiệm của Sa-lô-môn được ghi nơi Truyền-đạo 2:1-11.

^ đ. 17 Một biến cố đáng chú ý trong lịch sử liên quan đến Chúa Giê-su Ki-tô. Mác 15:10 cho biết “các trưởng tế bởi lòng ganh ghét” đã nộp Chúa Giê-su để ngài bị hành quyết.