XÂY ĐẮP TỔ ẤM | CHA MẸ
Dạy con biết cách tự chủ
THÁCH THỨC
Đứa con sáu tuổi của bạn dường như không hề biết gì về sự tự chủ. Nếu muốn vật nào đó, cháu đòi cho bằng được! Nếu cáu giận, đôi khi cháu la hét um sùm. Bạn băn khoăn: “Có phải đứa trẻ nào cũng như thế không? Có phải con mình trong giai đoạn phát triển hoặc đã đến lúc mình dạy con biết cách tự chủ?”.
BẠN NÊN BIẾT ĐIỀU GÌ?
Xã hội ngày nay không xem trọng tính tự chủ. Tiến sĩ David Walsh viết: “Trong xã hội phóng túng này, người lớn và trẻ em quen thuộc với câu ‘hãy làm bất cứ điều gì mình muốn’. Những người chỉ biết sống cho bản thân và những kẻ lừa đảo thường nói ‘hãy chiều theo ước muốn của mình’”. *
Dạy con biết tự chủ từ lúc nhỏ là điều thiết yếu. Trong cuộc nghiên cứu lâu dài trên một nhóm trẻ bốn tuổi, các nhà nghiên cứu đã đưa cho mỗi em một viên kẹo và bảo rằng chúng có thể ăn ngay hoặc nếu kiên nhẫn, đợi một chút sẽ được thưởng một viên kẹo khác. Sau này, khi tốt nghiệp trung học, những trẻ biết tự chủ lúc bốn tuổi đã chứng tỏ tốt hơn những trẻ còn lại về mặt cảm xúc, giao tiếp xã hội và học hành.
Nếu không dạy trẻ biết tự chủ, hậu quả tai hại sẽ xảy ra. Các nhà nghiên cứu tin rằng mạch não của trẻ có thể thay đổi qua trải nghiệm của chúng. Qua đó, tiến sĩ Dan Kindlon viết: “Nếu nuông chiều con, không dạy chúng biết cách chờ đến lượt mình, kiềm chế ước muốn và kháng cự cám dỗ, thì có lẽ những thay đổi trong dây thần kinh liên kết với cá tính mạnh sẽ không có phản ứng”. *
BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?
Nêu gương. Trong việc tự chủ, bạn có làm gương không? Con bạn có thấy bạn nổi nóng khi kẹt xe, chen lấn ở cửa tiệm, hoặc ngắt lời người khác lúc nói chuyện không? Ông Kindlon viết: “Cách dễ nhất để giúp con chúng ta phát huy tính tự chủ là chính chúng ta hãy thể hiện trước”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Rô-ma 12:9.
Nói cho con biết hậu quả. Tùy theo nhu cầu và độ tuổi, hãy giúp con thấy việc kiềm chế ước muốn sẽ mang lại nhiều lợi ích, nếu không sẽ gánh lấy hậu quả. Chẳng hạn, nếu con bạn nổi giận vì có người đối xử không tốt với cháu, hãy giúp con bình tĩnh và tự hỏi: “Liệu việc trả đũa có lợi hay hại cho mình? Có cách nào khác để giải quyết, có lẽ đếm từ một đến mười và để cơn giận dịu lại không? Lánh đi chỗ khác có tốt hơn không?”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Ga-la-ti 6:7.
Động viên con. Hãy khen khi con thể hiện tính tự chủ. Cho con biết việc kiềm nén ước muốn không phải lúc nào cũng dễ, nhưng đây là dấu hiệu cho thấy con rất giỏi khi làm thế! Kinh Thánh nói: “Người nào chẳng chế-trị lòng mình, khác nào một cái thành hư-nát, không có vách-ngăn” (Châm-ngôn 25:28). Trái lại, “người chậm nóng-giận thắng hơn người dõng-sĩ”.—Châm-ngôn 16:32.
Thực tập. Chơi trò chơi nhập vai có tên “Bạn sẽ làm gì?” hay “Chọn đúng, chọn sai” hoặc những trò tương tự. Bàn về các bối cảnh có khả năng xảy ra và diễn cách phản ứng, cho biết điều đó “đúng” hay “sai”. Hãy sáng tạo: Nếu bạn thích, hãy dùng búp bê, hình vẽ hoặc phương pháp khác để làm cho hoạt động thêm phần thú vị và có thông tin hữu ích. Mục tiêu của bạn là giúp con nhận ra việc thể hiện tính tự chủ thì tốt hơn sự bốc đồng.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 29:11.
Kiên nhẫn. Kinh Thánh nói: “Sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ” (Châm-ngôn 22:15). Vì thế, đừng kỳ vọng con bạn sẽ phát huy tính tự chủ một sớm một chiều. Sách nói về việc dạy con ngoan (Teach Your Children Well) cho biết: “Đây là quá trình chậm mà chắc, có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn”. Nhưng nỗ lực như thế thật đáng công. Cuốn sách này cho biết thêm: “Trẻ em có tính tự chủ sẽ dễ kiềm chế việc dùng ma túy ở tuổi 12 hoặc quan hệ tình dục ở tuổi 14”.