Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Tôn giáo có đang lụi tàn?

Tôn giáo có đang lụi tàn?

Ông Gaffar sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông thấy bất mãn với Thượng Đế vì tôn giáo của ông dạy rằng ngài là đấng thích trả thù. Vợ ông là bà Hediye bắt đầu đặt nghi vấn về tôn giáo của mình khi chỉ mới chín tuổi. Bà nói: “Người ta dạy tôi tin vào số phận. Là một đứa trẻ mồ côi, tôi tự hỏi: ‘Sao tôi lại phải gánh chịu điều này?’. Tôi thường khóc suốt đêm. Năm 15 tuổi, trong thâm tâm, tôi đã từ bỏ tôn giáo của mình”.

Bạn có thấy bất mãn và mất hy vọng nơi các tôn giáo không? Nếu thế, không chỉ có một mình bạn. Tại nhiều nước, số người nhận mình “không có tôn giáo” đang tăng lên, một xu hướng cho thấy tương lai bấp bênh của các tổ chức tôn giáo. Hãy xem vài ví dụ trong số các nước đó.

Tại sao nhiều người lại rời bỏ?

Người ta đang trở nên vỡ mộng trước các tôn giáo vì nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, các hành vi bạo lực và khủng bố do tôn giáo gây ra, các vụ bê bối tình dục liên quan đến hàng giáo phẩm. Ngoài ra còn có các vấn đề phức tạp khác có lẽ khiến nhiều người rời bỏ tôn giáo hơn. Các vấn đề đó bao gồm:

  • Sự giàu sang: Danh mục toàn cầu về tôn giáo và vô thần (Global Index of Religion and Atheism) cho biết: “Càng giàu thì người ta càng ít sùng đạo”. Kết luận này thật ý nghĩa vì trong nhiều nước, sự giàu có đã gia tăng đáng kể. Giáo sư kinh tế John V. C. Nye nói rằng ở nhiều nơi, người dân hưởng một “mức sống hẳn khiến vị vua vĩ đại nhất cách đây hai trăm năm cũng phải ganh tị”.

    ĐIỀU KINH THÁNH NÓI: Kinh Thánh báo trước rằng trong “những ngày sau cùng”, người ta sẽ ham tiền và ham mê lạc thú, chứ không còn yêu mến Đức Chúa Trời và người xung quanh (2 Ti-mô-thê 3:1-5). Ý thức được việc giàu sang sẽ gây nguy hiểm về tâm linh, một người viết Kinh Thánh nói với Giê-hô-va Đức Chúa Trời: “Chớ cho tôi nghèo-khổ, hoặc sự giàu-sang”. Tại sao ông lại mong muốn như thế? Ông nói tiếp: “E khi no đủ, tôi từ-chối Chúa”.—Châm-ngôn 30:8, 9.

  • Các truyền thống và tiêu chuẩn đạo đức của tôn giáo: Nhiều người, nhất là giới trẻ, xem tôn giáo là điều không thực tế và chẳng liên quan gì đến mình. Những người khác thì mất lòng tin nơi tôn giáo. Ông Tim Maguire, nhân viên truyền thông của Hội nhân văn Scotland (Humanist Society Scotland), cho biết: “Nếu quan sát những việc làm của các giáo hội trong nhiều thế kỷ qua, thì bạn sẽ thấy người dân đã quay lưng đi vì họ không còn tin vào sự dẫn dắt của giáo hội về đạo đức”.

    ĐIỀU KINH THÁNH NÓI: Về các thầy dạy giả, Chúa Giê-su Ki-tô cảnh báo: “Nhờ trái của họ mà anh em sẽ nhận biết họ... Cây tốt thì ra trái tốt, còn cây xấu thì ra trái xấu” (Ma-thi-ơ 7:15-18). “Trái xấu” bao gồm việc can dự vào chính trị và chấp nhận những việc làm xúc phạm đến Đức Chúa Trời, như đồng tính luyến ái (Giăng 15:19; Rô-ma 1:25-27). Nó cũng bao gồm việc thay thế những lời dạy hữu ích trong Kinh Thánh bằng những nghi lễ vô nghĩa và các truyền thống rỗng tuếch (Ma-thi-ơ 15:3, 9). Chúa Giê-su từng nói: “Hãy nuôi những con chiên bé bỏng của tôi” (Giăng 21:17). Qua lời này, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy dỗ người ta về Đức Chúa Trời. Nhưng ngày nay nhiều chức sắc tôn giáo không làm thế nên nhiều người cảm thấy đói khát về tâm linh.

  • Tôn giáo và tiền bạc: Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center), nhiều người cảm thấy tôn giáo quá đặt nặng vấn đề tiền bạc. Thêm vào đó, không như các tín hữu, một số chức sắc tôn giáo lại hưởng thụ lối sống xa hoa. Chẳng hạn, tại một thành phố ở Đức, trong khi nhiều giáo dân phải chật vật mới đủ ăn đủ mặc thì vị giám mục của họ lại sống hoang phí. Lối sống này đã làm phật lòng nhiều tín đồ Công giáo địa phương. Một bài viết trong tạp chí GEO cũng nói rằng ở Nigeria, “nơi mà 100 triệu dân sống với dưới một euro một ngày, lối sống khoa trương của một số mục sư bắt đầu gây ra vấn đề”.

    ĐIỀU KINH THÁNH NÓI: Một người viết Kinh Thánh là Phao-lô nói: “Chúng tôi không buôn bán lời Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 2:17). Dù Phao-lô là một người truyền giáo có vai trò quan trọng trong hội thánh tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu, nhưng ông vẫn thường làm công việc tay chân để không tạo gánh nặng tài chính cho người khác (Công vụ 20:34). Thái độ ấy cho thấy ông làm theo lời Chúa Giê-su: “Anh em đã nhận không thì hãy cho không”.—Ma-thi-ơ 10:7, 8.

Phù hợp với những nguyên tắc Kinh Thánh trên, Nhân Chứng Giê-hô-va không thu tiền ấn phẩm và tiền dạy Kinh Thánh. Họ cũng không thu thuế thập phân hoặc quyên góp tiền tại các buổi nhóm. Thay vì thế, số tiền quỹ có được là do sự đóng góp tình nguyện của riêng mỗi cá nhân.—Ma-thi-ơ 6:2, 3.

Việc người ta rời bỏ các tổ chức tôn giáo đã được báo trước!

Chỉ vài chục năm trước, thật khó để người ta hình dung tình trạng khốn đốn hiện tại của các tổ chức tôn giáo. Nhưng Đức Chúa Trời đã thấy trước biến cố này và báo trước trong Kinh Thánh. Bằng ngôn ngữ tượng trưng, Đức Chúa Trời ví tất cả các tôn giáo bất trung với ngài như một ả kỹ nữ phô trương có tên “Ba-by-lôn Lớn”.—Khải huyền 17:1, 5.

Hình ảnh tượng trưng này thật phù hợp, vì trong khi tự nhận mình trung thành với Đức Chúa Trời, các tôn giáo giả lại cấu kết với các vua trên đất, tức những nhà cai trị trong thế gian, hầu đạt được sự giàu có và quyền lực. Khải huyền 18:9 trong Kinh Thánh nói: ‘Các vua trên đất đã phạm tội gian dâm cùng với nó’. Cách dùng từ “Ba-by-lôn” cũng rất thích hợp, vì nhiều giáo lý và nghi thức của các tôn giáo giả như linh hồn bất tử, thần bộ ba, thuật huyền bí đều bắt nguồn từ Ba-by-lôn thời xưa, một thành phố chìm đắm trong tôn giáo giả và mê tín dị đoan. *Ê-sai 47:1, 8-11.

Thành Ba-by-lôn hùng mạnh sụp đổ khi dòng nước bảo vệ thành, tức một cái hào dẫn nước từ sông Ơ-phơ-rát, “bị cạn-khô”, mở đường cho đạo quân Mê-đi Phe-rơ-sơ tiến vào chinh phục thành phố (Giê-rê-mi 50:1, 2, 38). Họ đã chiếm được thành chỉ trong một đêm!—Đa-ni-ên 5:7, 28, 30.

Ba-by-lôn Lớn cũng “ngồi trên nhiều dòng nước”. Kinh Thánh cho biết những dòng nước này tượng trưng cho “các dân tộc, các đoàn dân đông”, tức hàng triệu người theo tôn giáo giả (Khải huyền 17:1, 15). Kinh Thánh báo trước rằng những dòng nước theo nghĩa tượng trưng này sẽ khô cạn, một biến cố báo hiệu sự hủy diệt chớp nhoáng của “Ba-by-lôn” thời nay sắp xảy ra (Khải huyền 16:12; 18:8). Nhưng ai sẽ hủy diệt Ba-by-lôn? Đó là những đồng minh chính trị của ả. Tình yêu của chúng dành cho ả sẽ biến thành lòng thù hận. Chúng cũng sẽ cướp bóc Ba-by-lôn Lớn, tức ăn hết thịt của ả theo nghĩa bóng.—Khải huyền 17:16, 17. *

Những dòng nước quanh thành Ba-by-lôn rút đi tượng trưng việc nhân loại ra khỏi Ba-by-lôn Lớn

“Hãy ra khỏi nó”!

Vì Ba-by-lôn Lớn sắp gánh chịu kết cuộc thảm khốc, Đức Chúa Trời yêu thương cảnh báo: “Hỡi dân ta, hãy ra khỏi nó, nếu các ngươi không muốn dự phần tội lỗi với nó và không muốn lãnh phần tai họa chung với nó” (Khải huyền 18:4). Lời cảnh báo này nhắm vào những ai cảm thấy bất an trước những giáo lý sai lầm và những ai muốn nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời, như trường hợp của ông Gaffar và bà Hediye được đề cập ở trên.

Trước khi tìm hiểu Kinh Thánh, ông Gaffar xem Thượng Đế là một đấng mà mình phải vâng lời chủ yếu vì sợ hãi. Ông nói: “Thật nhẹ nhõm khi biết được rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của tình yêu thương, và ngài muốn chúng ta vâng lời ngài chủ yếu vì yêu thương ngài” (1 Giăng 4:8; 5:3). Bà Hediye tìm được sự bình an nội tâm khi biết rằng mình bị mồ côi không phải là do Đức Chúa Trời, và hoàn cảnh của bà không phải là do số mệnh. Bà được an ủi nhờ những câu Kinh Thánh, chẳng hạn câu Gia-cơ 1:13 nói rằng Đức Chúa Trời không dùng điều ác để thử thách người ta. Bà và ông Gaffar đã tiếp nhận sự thật Kinh Thánh và ra khỏi “Ba-by-lôn”.—Giăng 17:17.

Khi Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt, những ai đã vâng lời và ra khỏi nó để “thờ phượng [Đức Chúa Trời] theo đúng sự thật và sự hướng dẫn của thần khí” thì sẽ không bị tổn hại gì (Giăng 4:23). Họ có hy vọng là được thấy trái đất “đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”.—Ê-sai 11:9.

Đúng vậy, tôn giáo giả và trái xấu của nó sẽ lụi tàn, vì Đức Chúa Trời “không thể nói dối” (Tít 1:2). Nhưng sự thờ phượng thật thì sẽ luôn tươi đẹp, cho đến mãi mãi!

^ đ. 16 Để biết thêm thông tin về Ba-by-lôn Lớn cùng những điều Kinh Thánh dạy về tình trạng của người chết, đặc tính của Đức Chúa Trời và thuật huyền bí, xem sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?. Sách có trên www.mr1310.com/vi.