Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Vượt qua rào cản ngôn ngữ—Nhìn vào hậu trường

Vượt qua rào cản ngôn ngữ—Nhìn vào hậu trường

“Người ta nói không có công việc nào phức tạp hơn việc dịch thuật”.—“Bách khoa từ điển ngôn ngữ Cambridge”.

Trước khi tiến hành công việc dịch thuật, các ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va được chuẩn bị, nghiên cứu và soạn thảo kỹ lưỡng. Trong quá trình này, Ban biên tập tại trụ sở trung ương ở New York cẩn thận kiểm tra tất cả nội dung để đảm bảo mọi thông tin và từ ngữ đều chính xác. *

Sau đó, Ban biên tập gửi văn bản đến cho hơn hàng trăm nhóm dịch trên khắp thế giới. Phần lớn họ sống và làm việc tại những nơi mà người dân nói thứ tiếng họ dịch sang. Đa số dịch thuật viên dịch ấn phẩm sang tiếng mẹ đẻ của mình. Họ phải hiểu cặn kẽ tài liệu gốc cũng như ngôn ngữ địa phương.

Các dịch thuật viên thường làm việc như thế nào?

Anh Geraint, thuộc nhóm dịch ở nước Anh, cho biết: “Tôi làm việc trong một nhóm dịch, nên việc hợp tác chặt chẽ là điều rất quan trọng. Chúng tôi cùng nhau tìm ra giải pháp cho những vấn đề khó khăn trong bài dịch. Chúng tôi không chỉ xem xét từng từ riêng lẻ nhưng cả nhóm từ, suy nghĩ kỹ về ý nghĩa, mục đích thật sự của những từ đó và luôn nhớ đối tượng độc giả của mỗi bài viết”.

Mục tiêu của anh trong vai trò dịch thuật viên là gì?

“Mục tiêu của chúng tôi là giúp độc giả cảm thấy như tài liệu được viết trong tiếng mẹ đẻ, chứ không phải là một bài dịch. Để đạt được điều đó, chúng tôi cố gắng dùng ngôn ngữ sao cho tự nhiên. Như thế, chúng tôi sẽ thu hút được sự chú ý của độc giả, và họ sẽ tiếp tục đọc giống như đang thưởng thức một món ăn ngon hợp khẩu vị”.

Việc sống ở nơi người dân nói ngôn ngữ ấy có lợi thế gì không?

“Việc tiếp xúc với người dân địa phương có thể giúp chúng tôi dịch sao cho họ dễ hiểu. Ở ngay tại xứ Wales, chúng tôi nghe người ta nói ngôn ngữ này hằng ngày. Hơn nữa, chúng tôi có thể kiểm tra thực tế những từ ngữ và cách nói mình dùng có tự nhiên, dễ hiểu và lôi cuốn không. Điều này giúp chúng tôi chuyển tải được ý nghĩa thật sự của tài liệu gốc”.

Công việc của anh được tiến hành như thế nào?

“Mỗi dự án được giao cho một nhóm. Trước tiên, mỗi người trong nhóm đọc tài liệu gốc để nắm được tinh thần của tài liệu đó hầu nhận ra cấu trúc căn bản của tài liệu và đối tượng độc giả. Chúng tôi tự hỏi: ‘Chủ đề và mục đích của bài là gì? Mình muốn học được gì từ bài ấy?’. Bước này giúp chúng tôi nghĩ ra nhiều ý tưởng khác nhau, nên có thể làm cho bài dịch hay hơn.

“Tiếp theo, các thành viên trong nhóm sẽ chia sẻ những suy nghĩ của mình và học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi có chắc mình đã hiểu rõ tài liệu chưa? Làm sao chúng tôi có thể chuyển tải được văn phong của tài liệu gốc? Mục tiêu của chúng tôi là làm sao cho độc giả của mình có cùng cảm xúc như những độc giả đọc tài liệu gốc”.

Các thành viên trong nhóm hợp tác như thế nào?

“Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để độc giả hiểu được bài ngay lần đọc đầu tiên. Để làm được điều này, trong suốt quá trình dịch, chúng tôi đọc đi đọc lại lớn tiếng mỗi đoạn nhiều lần.

“Người dịch sẽ đánh máy một đoạn và cả nhóm có thể thấy trên màn hình vi tính của mỗi người. Chúng tôi kiểm tra để bảo đảm không có ý nào bị bỏ sót hay thêm vào. Rồi sẽ xem có tự nhiên, đúng chính tả và ngữ pháp không. Sau đó, một người sẽ đọc đoạn đó lớn tiếng. Nếu anh hay chị đó đọc vấp, chúng tôi sẽ hỏi tại sao. Sau khi dịch xong cả bài, một người trong nhóm sẽ đọc lớn tiếng, còn hai người kia sẽ ghi chú những điều cần chỉnh sửa”.

Công việc này nghe có vẻ đòi hỏi nhiều nỗ lực!

“Đúng vậy! Cuối ngày làm việc, tất cả chúng tôi đều mệt. Nên sáng hôm sau, khi đầu óc tỉnh táo, chúng tôi sẽ xem tài liệu một lần nữa. Vài tuần sau, Ban biên tập sẽ gửi cho chúng tôi những điều chỉnh cuối cùng trong tài liệu gốc. Sau một thời gian không nghĩ đến bài dịch, chúng tôi có thể đọc lại bài để đảm bảo sao cho nội dung chính xác và dễ hiểu. Rồi chúng tôi sẽ hoàn thiện bài dịch”.

Anh sử dụng những công cụ vi tính nào?

“Máy vi tính vẫn chưa thể thay thế được người dịch. Nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va đã tạo ra các công cụ dịch thuật hầu giúp công việc được dễ dàng hơn. Có một công cụ giống như từ điển, trong đó chúng tôi tích lũy những thuật ngữ và cụm từ thường dùng. Một công cụ khác giúp nhóm dịch nghiên cứu mọi tài liệu đã được chúng tôi dịch rồi. Công cụ này giúp chúng tôi biết được những cách dịch đầy sáng kiến trước đây đối với các vấn đề khó khăn trong việc dịch”.

Anh cảm thấy thế nào về công việc?

“Chúng tôi xem công việc của mình là một món quà cho mọi người trong cộng đồng và muốn gói món quà này thật đẹp. Chúng tôi thấy hào hứng khi nghĩ rằng một bài trong tạp chí hay trên trang web có thể động đến lòng độc giả và giúp cuộc sống họ tốt hơn”.

Những lợi ích kéo dài cả đời

Trên khắp thế giới, hàng trăm triệu người được lợi ích khi đọc ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va trong tiếng mẹ đẻ. Sự khôn ngoan thiết thực trong các ấn phẩm và video cũng như trên trang web jw.org đều dựa trên Kinh Thánh. Suy cho cùng, trong quyển sách thánh này, Thượng Đế có tên là Giê-hô-va cho chúng ta biết rằng ngài muốn thông điệp của ngài được chia sẻ cho người thuộc “mọi nước, mọi chi phái, mọi thứ tiếng”.—Khải huyền 14:6. *

^ đ. 4 Bản gốc được viết trong tiếng Anh.

^ đ. 25 Vào trang web www.mr1310.com để xem những bài viết, chương trình thu âm và video trong ngôn ngữ của bạn cũng như trong hàng trăm ngôn ngữ khác.