Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | TẠI SAO NÊN SỐNG LƯƠNG THIỆN?

Tại sao sống lương thiện mang lại kết quả tốt?

Tại sao sống lương thiện mang lại kết quả tốt?

“Chúng tôi tin mình có lương tâm thật thà và muốn sống lương thiện trong mọi việc”.—Hê-bơ-rơ 13:18.

Trong Kinh Thánh, từ gốc tiếng Hy Lạp được dịch là “lương thiện” có nghĩa đen là “một điều gì đó có bản chất tốt”. Nó cũng có nghĩa là điều gì đó đẹp về mặt đạo đức đáng để chiêm ngưỡng.

Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô coi trọng những lời được soi dẫn của sứ đồ Phao-lô: “Chúng tôi... muốn sống lương thiện trong mọi việc”. Điều này bao gồm những gì?

CUỘC CHIẾN NỘI TÂM

Mỗi buổi sáng trước khi ra ngoài, hầu hết mọi người đều soi gương. Tại sao? Vì họ muốn mình trông thật chỉnh tề. Nhưng so với kiểu tóc phong cách hoặc quần áo thời trang, có một điều khác quan trọng hơn nhiều. Thật vậy, con người bên trong của chúng ta có thể làm tăng thêm hoặc giảm đi vẻ đẹp bên ngoài.

Lời Đức Chúa Trời cho thấy rằng chúng ta có khuynh hướng làm điều xấu. Sáng-thế Ký 8:21 nói: “Tâm-tánh loài người vẫn xấu-xa từ khi còn tuổi trẻ”. Vì vậy, để sống lương thiện, chúng ta phải phấn đấu chống lại những xu hướng tội lỗi bẩm sinh. Sứ đồ Phao-lô miêu tả sinh động về cuộc giằng co với tội lỗi của bản thân ông: “Trong thâm tâm, tôi thật sự ham thích luật pháp của Đức Chúa Trời, nhưng tôi thấy trong thân thể mình có một luật khác tranh đấu với luật trong trí mình, và bắt tôi phục tùng luật của tội lỗi trong chi thể tôi”.—Rô-ma 7:22, 23.

Ví dụ, khi lòng thôi thúc chúng ta làm điều xấu và chúng ta có sẵn khuynh hướng muốn làm điều bất lương thì mình không nhất thiết phải làm theo, vì mình vẫn có quyền lựa chọn. Khi chọn gạt bỏ đi những ý nghĩ xấu, chúng ta có thể sống lương thiện dù xung quanh đầy sự bất lương.

GIÀNH CHIẾN THẮNG

Để sống lương thiện, chúng ta cần một chuẩn mực đạo đức cao. Tuy nhiên, đáng buồn thay, nhiều người tốn thời gian để suy nghĩ về chuẩn mực ăn mặc thay vì về một chuẩn mực đạo đức cho bản thân. Kết quả là họ biện hộ rằng mình có thể gian dối đến một mức nào đó tùy hoàn cảnh. Một quyển sách viết về sự bất lương (The (Honest) Truth About Dishonesty) cho biết: “Thực chất, chúng ta gian lận đến một mức độ mà bản thân vẫn tin rằng mình là người lương thiện”. Dù vậy, chúng ta muốn biết liệu việc gian dối có chấp nhận được hay không, và nếu có thì đến mức nào. Có một tiêu chuẩn đáng tin cậy nào giúp chúng ta trong việc này không? Thật đáng mừng là có.

Hàng triệu người trên khắp thế giới đã nhận thấy rằng Kinh Thánh đáp ứng điều này một cách hoàn hảo. Kinh Thánh có một chuẩn mực đạo đức vượt trội (Thi-thiên 19:7). Sách này cho chúng ta sự hướng dẫn đáng tin cậy về những vấn đề như đời sống gia đình, việc làm, đạo đức và tâm linh. Nội dung trong sách có giá trị thiết thực cho mọi thời đại. Những luật lệ và nguyên tắc trong sách áp dụng cho mọi loại người. Bằng cách xem xét Kinh Thánh, suy ngẫm và áp dụng những lời khuyên trong đó, chúng ta có thể rèn luyện lòng mình để sống lương thiện và ngay thẳng.

Nhưng ngoài việc thu thập sự hiểu biết chính xác trong Kinh Thánh, chúng ta cần làm nhiều điều hơn để thắng được cuộc chiến chống lại sự bất lương. Suy cho cùng, chúng ta đang sống trong một thế giới suy đồi về đạo đức. Nó gây áp lực buộc chúng ta phải chấp nhận những tiêu chuẩn bại hoại của nó. Đó là lý do chúng ta cần cầu nguyện với Đức Chúa Trời để được ngài giúp đỡ và hỗ trợ (Phi-líp 4:6, 7, 13). Khi làm thế, chúng ta có được lòng can đảm để đứng về phía điều đúng và sống lương thiện trong mọi việc.

PHẦN THƯỞNG CỦA SỰ LƯƠNG THIỆN

Anh Hitoshi, được đề cập ở đầu bài, đã hưởng nhiều lợi ích nhờ có tiếng là một nhân viên lương thiện. Hiện anh đang làm việc cho một ông chủ xem trọng tính lương thiện của anh. Hitoshi nói: “Tôi rất vui vì mình có thể tìm được một công việc cho phép mình giữ lương tâm trong sạch”.

Những người khác cũng thấy như vậy. Hãy xem gương của một số người đã được lợi ích nhờ áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh là “sống lương thiện trong mọi việc”.

  • Lương tâm trong sạch

    “Tôi nghỉ học năm 13 tuổi để đi theo những kẻ trộm cắp. Kết quả là 95% số tiền tôi có được là qua hành vi bất lương. Sau khi kết hôn, tôi cùng chồng bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Khi biết được rằng Giê-hô-va * Đức Chúa Trời ghét những việc làm bất lương, chúng tôi quyết định thay đổi lối sống. Năm 1990, chúng tôi dâng mình cho Đức Chúa Trời và làm báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va”.—Châm-ngôn 6:16-19.

    “Lúc trước, nhà tôi đầy đồ ăn cắp, nhưng giờ thì không còn nữa; và điều này mang lại cho tôi một lương tâm trong sạch. Nghĩ lại những năm tháng sống bất lương, tôi thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã thương xót tôi rất nhiều. Hằng đêm khi đi ngủ, tôi thật thỏa nguyện khi biết Đức Giê-hô-va giờ đây hài lòng về tôi”.—Chị Cheryl, Ai Len.

    “Khi ông chủ biết tôi đã từ chối nhận tiền hối lộ của một khách hàng tiềm năng, ông nói: ‘Đức Chúa Trời của anh đã giúp anh trở thành một người đáng tin cậy như thế! Thật may mắn khi có anh làm việc ở công ty này’. Nhờ sống lương thiện trong mọi việc mà tôi có được một lương tâm trong sạch trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Tôi cũng có thể giúp gia đình và người khác sống lương thiện”.—Anh Sonny, Hồng Kông.

  • Bình an tâm trí

    “Tôi làm trợ lý giám đốc ở một ngân hàng quốc tế. Để làm giàu trong lĩnh vực này, người ta chẳng màng gì đến việc sống lương thiện. Quan điểm phổ biến là: ‘Gian dối một chút thì có sao đâu nếu nó giúp mình giàu hơn và thúc đẩy nền kinh tế phát triển?’. Nhưng nhờ sống lương thiện, tôi được bình an tâm trí. Tôi quyết tâm tiếp tục sống lương thiện và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ khó khăn nào có thể xảy đến. Chủ của tôi biết rằng tôi sẽ không nói dối họ hoặc nói dối giùm họ”.—Anh Tom, Hoa Kỳ.

  • Lòng tự trọng

    “Cấp trên ở chỗ làm bảo tôi nói dối về một số món hàng bị mất, nhưng tôi từ chối. Cuối cùng những kẻ trộm cắp cũng bị phát hiện, và ông chủ cám ơn tôi vì đã trung thực. Sống lương thiện trong một thế giới bất lương đòi hỏi phải có lòng can đảm. Nhưng cuối cùng, chúng ta được người khác tin tưởng và tôn trọng”.—Chị Kaori, Nhật Bản.

Một lương tâm trong sạch, sự bình an tâm trí và lòng tự trọng—những phần thưởng này cho thấy rằng sống lương thiện thật sự mang lại kết quả tốt. Bạn có đồng ý không?

^ đ. 18 Giê-hô-va là tên của Đức Chúa Trời được tiết lộ trong Kinh Thánh.