Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Lefèvre d’Étaples​—Ông muốn dân thường được biết Lời Đức Chúa Trời

Lefèvre d’Étaples​—Ông muốn dân thường được biết Lời Đức Chúa Trời

Vào một sáng chủ nhật đầu thập niên 1520, người dân ở Meaux, một thị trấn nhỏ gần Paris, không thể tin vào những gì họ nghe tại nhà thờ. Họ được nghe phần đọc Phúc âm trong tiếng mẹ đẻ: tiếng Pháp thay vì tiếng La-tinh!

Người đứng sau sự kiện trên là một dịch giả Kinh Thánh tên Jacques Lefèvre d’Étaples (tiếng La-tinh là Jacobus Faber Stapulensis). Sau này, ông đã viết cho một người bạn thân: “Anh khó mà hình dung được Thiên Chúa đang nhiệt thành thế nào để giúp dân thường ở một số nơi hiểu được Lời ngài”.

Vào lúc đó, Giáo hội Công giáo và những nhà thần học ở Paris chống đối việc dùng các bản dịch Kinh Thánh trong ngôn ngữ thông dụng. Vậy điều gì đã thôi thúc Lefèvre dịch Kinh Thánh sang tiếng Pháp? Bằng cách nào ông có thể giúp dân thường hiểu Lời Đức Chúa Trời?

TÌM Ý NGHĨA THẬT SỰ CỦA KINH THÁNH

Trước khi trở thành dịch giả Kinh Thánh, Lefèvre đã nỗ lực hết mình để khôi phục nghĩa gốc của các tác phẩm triết học và thần học cổ điển. Ông nhận thấy qua hàng thế kỷ, các tài liệu cổ xưa thường không đúng vì có những sai sót và các ý tưởng gây hiểu lầm. Trong quá trình tìm kiếm ý nghĩa thật sự của những văn bản cổ xưa, ông bắt đầu nghiên cứu kỹ bản Kinh Thánh chính thức của Giáo hội Công giáo, là bản Vulgate tiếng La-tinh.

Qua việc sốt sắng nghiên cứu Kinh Thánh, ông đã rút ra kết luận: “Chỉ có việc tìm hiểu sự thật về Thiên Chúa mới hứa hẹn... niềm hạnh phúc lớn lao nhất”. Vì thế, Lefèvre đã từ bỏ việc nghiên cứu triết học và dồn hết năng lực vào việc dịch Kinh Thánh.

Vào năm 1509, Lefèvre xuất bản một tài liệu so sánh giữa năm bản tiếng La-tinh dịch sách Thi-thiên, * gồm cả phần hiệu đính bản Vulgate của ông. Khác với những nhà thần học thời bấy giờ, ông cố gắng dịch những đoạn Kinh Thánh sao cho tự nhiên và dễ hiểu. Phương pháp dịch của ông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những nhà cải cách và các học giả Kinh Thánh khác.—Xem khung “ Lefèvre đã ảnh hưởng thế nào đến Martin Luther?”.

Bảng ghi các tước hiệu của Đức Chúa Trời trong sách Thi-thiên, thuộc cuốn Năm bản thánh thi (Fivefold Psalter), ấn bản năm 1513

Sinh ra trong gia đình Công giáo, Lefèvre tin rằng việc cải cách giáo hội chỉ có thể thực hiện nếu dân thường được dạy Kinh Thánh một cách đúng đắn. Nhưng làm sao người dân có thể nhận lợi ích từ Kinh Thánh trong khi sách này phần lớn chỉ có bằng tiếng La-tinh?

MỘT BẢN DỊCH KINH THÁNH DÀNH CHO MỌI NGƯỜI

Lời mở đầu của Phúc âm cho thấy Lefèvre muốn mọi người có được Kinh Thánh trong tiếng mẹ đẻ của họ

Vì rất yêu mến Lời Đức Chúa Trời nên Lefèvre đã làm mọi cách để Kinh Thánh đến được với càng nhiều người càng tốt. Để đạt được mục tiêu đó, vào tháng 6 năm 1523, ông đã xuất bản một bản dịch Phúc âm bằng tiếng Pháp, gồm hai cuốn cỡ nhỏ bỏ túi. Sách cỡ này chỉ bằng nửa giá của sách cỡ tiêu chuẩn, nên dân nghèo cũng có thể mua một bản Kinh Thánh.

Ngay lập tức, người dân háo hức đón nhận bản dịch này. Họ đều hào hứng đọc những lời của Chúa Giê-su trong tiếng mẹ đẻ, đến nỗi chỉ sau vài tháng, 1.200 ấn bản đầu tiên đã được bán hết.

CAN ĐẢM BÊNH VỰC KINH THÁNH

Trong lời mở đầu Phúc âm, Lefèvre giải thích rằng ông dịch các sách này sang tiếng Pháp để “những giáo dân” của giáo hội “cũng có thể tin chắc nơi sự thật của Phúc âm như những người có Phúc âm trong tiếng La-tinh”. Nhưng tại sao Lefèvre lại rất nhiệt tình giúp dân thường hiểu những điều Kinh Thánh dạy?

Lefèvre biết rõ những dạy dỗ và triết lý sai lầm của loài người đã ảnh hưởng tai hại đến Giáo hội Công giáo (Mác 7:7; Cô-lô-se 2:8). Ông tin rằng đã đến lúc Phúc âm cần được “chuyển tải cách chính xác trên khắp thế giới để người ta không còn bị những triết lý ngoại giáo đến từ con người làm cho lầm lạc”.

Lefèvre cũng cố gắng vạch trần lập luận sai lầm của những người chống đối việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Pháp. Ông lên án sự giả tạo của họ khi nói: “Nếu họ không muốn cho dân chúng thấy và đọc Phúc âm của Thiên Chúa bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, thì làm sao họ có thể dạy [dân chúng] giữ mọi mệnh lệnh của Chúa Giê-su?”.—Rô-ma 10:14.

Không lạ gì khi những nhà thần học thuộc đại học Sorbonne, Paris, mau chóng tìm cách “bịt miệng” Lefèvre. Vào tháng 8 năm 1523, họ bác bỏ các bản dịch tiếng bản địa và những lời chú giải Kinh Thánh, xem đó là “độc hại cho Giáo hội”. Nếu không có sự can thiệp của vua nước Pháp là Francis I, có lẽ Lefèvre đã bị kết án theo dị giáo.

DỊCH GIẢ “GIỮ IM LẶNG” VÀ HOÀN TẤT CÔNG TRÌNH

Lefèvre không để những cuộc tranh cãi nảy lửa về điều ông đang làm khiến ông bị phân tâm trong việc dịch Kinh Thánh. Vào năm 1524, sau khi hoàn tất phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp (còn gọi là Tân ước), ông phát hành bản dịch sách Thi-thiên bằng tiếng Pháp để những người tin đạo có thể cầu nguyện “với lòng nhiệt thành và cảm xúc sâu sắc hơn”.

Ngay lập tức, các nhà thần học ở Sorbonne đã tỉ mỉ xem xét những công trình của Lefèvre. Rồi họ nhanh chóng ra lệnh đốt phần dịch Kinh Thánh tiếng Hy Lạp của ông cách công khai, và tuyên bố một số tài liệu khác “ủng hộ quan điểm dị giáo của Luther”. Khi được các nhà thần học triệu đến để biện hộ cho quan điểm của mình, Lefèvre quyết định “giữ im lặng” bằng cách trốn sang Strasbourg. Tại đó, ông tiếp tục bí mật dịch Kinh Thánh. Dù một số người nghĩ làm thế là nhát gan, nhưng Lefèvre tin rằng đây là cách tốt nhất để đáp trả những kẻ không quý trọng các viên “ngọc trai” quý giá của sự thật Kinh Thánh.—Ma-thi-ơ 7:6.

Sau gần một năm ở Strasbourg, Lefèvre được vua Francis I chỉ định làm gia sư cho con trai bốn tuổi tên là Charles. Nhờ nhiệm vụ này mà Lefèvre có nhiều thời gian để hoàn tất Kinh Thánh. Năm 1530, bản dịch của ông được in ở Antwerp, bên ngoài nước Pháp, và được hoàng đế Charles V phê chuẩn. *

HY VỌNG NHƯNG RỐT CUỘC THẤT VỌNG

Suốt cuộc đời, Lefèvre hy vọng rằng giáo hội sẽ bỏ những truyền thống của con người và trở về với sự hiểu biết chính xác của Kinh Thánh. Ông tin chắc nơi “quyền, thật ra là bổn phận, của mỗi môn đệ Chúa Giê-su là phải đọc và học hỏi Kinh Thánh cá nhân”. Vì thế, ông siêng năng làm việc để Kinh Thánh có thể đến với mọi người. Dù niềm mong ước nhìn thấy giáo hội tự cải cách đã không thành, nhưng Lefèvre đã để lại một di sản mà ai cũng công nhận: Ông giúp người dân thường biết Lời Đức Chúa Trời.

^ đ. 8 Cuốn Năm bản thánh thi (Fivefold Psalter) liệt kê năm bản dịch sách Thi-thiên trong các cột riêng lẻ và có một bảng ghi các tước hiệu của Đức Chúa Trời, gồm danh Đức Chúa Trời được viết bằng bốn mẫu tự tiếng Hê-bơ-rơ.

^ đ. 21 Khoảng 5 năm sau, vào năm 1535, dịch giả người Pháp tên là Olivétan đã phát hành một bản Kinh Thánh dịch từ ngôn ngữ nguyên thủy. Ông chủ yếu dựa vào các công trình của Lefèvre để dịch phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp.