Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao sự khiêm tốn vẫn là điều quan trọng?

Tại sao sự khiêm tốn vẫn là điều quan trọng?

“Sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng [“khiêm tốn”, NW]”.—CHÂM 11:2.

BÀI HÁT: 38, 69

1, 2. Tại sao một người từng khiêm tốn đã bị Đức Chúa Trời từ bỏ? (Xem hình nơi đầu bài).

Khi bắt đầu trị vì, vua Sau-lơ của nước Y-sơ-ra-ên xưa là một người khiêm tốn và được kính trọng (1 Sa 9:1, 2, 21; 10:20-24). Nhưng không lâu sau khi lên ngôi, ông đã có nhiều hành động tự phụ. Khi nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là Sa-mu-ên không có mặt tại Ghinh-ganh vào đúng thời điểm đã định, Sau-lơ mất kiên nhẫn. Quân Phi-li-tin đang chuẩn bị tấn công và dân Y-sơ-ra-ên đang bỏ Sau-lơ mà đi. Hẳn ông nghĩ: “Mình phải nhanh chóng làm gì đó”. Thế nên, ông đã dâng vật tế lễ cho Đức Chúa Trời. Đây là việc ông không có quyền làm, và Đức Giê-hô-va không hài lòng về điều này.—1 Sa 13:5-9.

2 Khi đến Ghinh-ganh, Sa-mu-ên quở trách Sau-lơ. Thay vì chấp nhận sự sửa dạy, Sau-lơ đã biện hộ, cố đổ lỗi và giảm nhẹ tội của mình (1 Sa 13:10-14). Đó là khởi đầu của chuỗi sự kiện khủng khiếp dẫn đến hậu quả là Sau-lơ mất ngôi vua, và nghiêm trọng hơn, mất đi sự chấp nhận của Đức Giê-hô-va (1 Sa 15:22, 23). Dù có khởi đầu đầy hứa hẹn nhưng cuộc đời Sau-lơ đã kết thúc trong thảm họa.—1 Sa 31:1-6.

3. (a) Nhiều người nghĩ gì về sự khiêm tốn? (b) Những câu hỏi nào cần được trả lời?

3 Trong thế gian đầy tính cạnh tranh ngày nay, nhiều người nghĩ rằng họ phải trở nên nổi bật để được tiến thân. Để làm thế, họ có thể từ bỏ mọi sự khiêm tốn. Chẳng hạn, một ngôi sao điện ảnh nổi tiếng mà sau này trở thành chính trị gia đã nói: “Sự khiêm tốn là điều tôi không hề có, và tôi mong rằng mình sẽ không bao giờ có”. Nhưng tại sao sự khiêm tốn vẫn là điều quan trọng? Sự khiêm tốn là gì và không phải là gì? Làm thế nào chúng ta có thể giữ khiêm tốn trong những hoàn cảnh khó khăn, hoặc khi đứng trước áp lực của người khác? Trong bài này, chúng ta sẽ trả lời hai câu hỏi đầu. Câu hỏi thứ ba sẽ được thảo luận trong bài tới.

TẠI SAO SỰ KHIÊM TỐN LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG?

4. Hành vi tự phụ là gì?

4 Kinh Thánh cho biết tính khiêm tốn tương phản với tính tự phụ. (Đọc Châm-ngôn 11:2). Đa-vít đã khôn ngoan khi cầu xin Đức Giê-hô-va ‘giữ ông khỏi cố ý phạm tội [“khỏi những hành vi tự phụ”, NW]’ (Thi 19:13). “Hành vi tự phụ” là gì? Theo cách dùng của cụm từ này trong Kinh Thánh, khi một người hấp tấp hoặc tùy tiện làm điều mình không có quyền làm, người đó đang hành động một cách tự phụ. Vì bị di truyền tội lỗi, tất cả chúng ta đều có lúc hành động như thế. Nhưng trường hợp của vua Sau-lơ cho thấy nếu có thói quen làm những điều mình không có quyền làm, sớm muộn chúng ta sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng với Đức Chúa Trời. Thi-thiên 119:21 nói về Đức Giê-hô-va: “Chúa quở-trách kẻ kiêu-ngạo [“kẻ tự phụ”, Bản Phổ thông]”. Tại sao?

5. Tại sao hành vi tự phụ là điều nghiêm trọng?

5 Hành vi tự phụ là điều nghiêm trọng hơn so với những lỗi lầm vô ý. Thứ nhất, khi hành động một cách thiếu khiêm tốn, chúng ta không tôn vinh Đức Giê-hô-va là Đấng Tối Thượng chính đáng của mình. Thứ hai, nếu hành động vượt quá quyền hạn, chúng ta dễ xung đột với người khác (Châm 13:10). Thứ ba, khi hành động tự phụ của mình bị phát hiện, chúng ta có thể xấu hổ và thậm chí nhục nhã (Lu 14:8, 9). Hành vi tự phụ không mang lại kết quả tốt. Như Kinh Thánh cho thấy, sự khiêm tốn luôn là đường lối đúng đắn.

SỰ KHIÊM TỐN BAO HÀM ĐIỀU GÌ?

6, 7. Khiêm nhường là gì, và đức tính này liên hệ thế nào với sự khiêm tốn?

6 Khiêm tốn và khiêm nhường là những đức tính liên hệ chặt chẽ với nhau. Theo cách dùng trong Kinh Thánh, khiêm nhường có nghĩa là không tự cao hoặc kiêu ngạo (Phi-líp 2:3). Thông thường một người khiêm nhường cũng có tính khiêm tốn. Người ấy có thể đánh giá đúng về khả năng và thành quả của bản thân, nhận biết lỗi lầm cũng như chấp nhận những ý tưởng mới và các lời đề nghị. Người khiêm nhường khiến Đức Giê-hô-va rất vui lòng.

7 Theo cách dùng trong Kinh Thánh, sự khiêm tốn cũng liên quan đến việc đánh giá đúng về bản thân và ý thức về những giới hạn của chính mình. Trong nguyên ngữ, từ này dường như nhấn mạnh sự ý thức đó nên tác động thế nào đến cách chúng ta đối xử với người khác.

8. Có một số dấu hiệu cảnh báo nào về lối suy nghĩ hoặc hành động thiếu khiêm tốn?

8 Điều gì cho thấy chúng ta đã bắt đầu suy nghĩ hoặc hành động thiếu khiêm tốn? Hãy xem xét một số dấu hiệu cảnh báo. Có thể chúng ta đang quá xem trọng bản thân và các đặc ân của mình (Rô 12:16). Có lẽ chúng ta thu hút sự chú ý về bản thân theo những cách không thích hợp (1 Ti 2:9, 10). Có thể chúng ta đưa ra những ý kiến mạnh mẽ chỉ dựa trên vị thế và mối quan hệ của mình, hoặc dựa trên suy nghĩ cá nhân (1 Cô 4:6). Thông thường khi hành động như thế, có lẽ chúng ta còn không nhận ra rằng mình đã vượt qua ranh giới của sự khiêm tốn và trở nên tự phụ.

9. Điều gì đã khiến một số người trở nên tự phụ? Hãy cho một ví dụ trong Kinh Thánh.

9 Bất cứ ai cũng có thể hành động thiếu khiêm tốn nếu để mình nhất thời bị khuất phục bởi những ham muốn xác thịt. Tham vọng ích kỷ, lòng đố kỵ và cơn nóng giận không kiểm soát đã khiến nhiều người hành động một cách tự phụ. Một số nhân vật trong Kinh Thánh như Áp-sa-lôm, Ô-xia và Nê-bu-cát-nết-sa đã chiều theo “những việc làm của xác thịt” và bị Đức Giê-hô-va hạ xuống vì sự tự phụ của họ.—2 Sa 15:1-6; 18:9-17; 2 Sử 26:16-21; Đa 5:18-21.

10. Tại sao chúng ta nên tránh phán xét động cơ của người khác? Hãy cho một ví dụ trong Kinh Thánh.

10 Nhưng cũng có những lý do khác khiến một người hành động thiếu khiêm tốn. Chẳng hạn, hãy xem lời tường thuật nơi Sáng-thế Ký 20:2-7Ma-thi-ơ 26:31-35. Phải chăng hành động có vẻ tự phụ của A-bi-mê-léc và Phi-e-rơ được thôi thúc bởi ham muốn tội lỗi? Hay chỉ vì họ không biết hết thông tin hoặc bị rơi vào tình huống bất ngờ? Vì không thể đọc được lòng người khác nên điều khôn ngoan và yêu thương là đừng vội kết luận về động cơ của họ.—Đọc Gia-cơ 4:12.

NHẬN BIẾT VỊ TRÍ CỦA CHÚNG TA

11. Sự khiêm tốn liên quan thế nào đến việc chúng ta nhận biết vị trí của mình trong sắp đặt của Đức Chúa Trời?

11 Sự khiêm tốn bắt đầu với việc nhận biết vị trí của chúng ta trong sắp đặt của Đức Chúa Trời. Là Đức Chúa Trời của sự trật tự, Đức Giê-hô-va cho mỗi chúng ta một vị trí, hay một phạm vi hoạt động trong tổ chức của ngài. Mỗi người trong hội thánh có vai trò riêng, nhưng mọi vai trò đều cần thiết. Với lòng nhân từ bao la, Đức Giê-hô-va đã ban cho mỗi chúng ta những món quà, khả năng hoặc năng khiếu nào đó. Chúng ta có thể dùng chúng để tôn vinh ngài và giúp ích cho người khác (Rô 12:4-8). Đức Giê-hô-va đã giao phó cho chúng ta chức quản gia vì ngài tin cậy và quý trọng chúng ta. Đặc ân này cũng đi kèm với trách nhiệm.—Đọc 1 Phi-e-rơ 4:10.

Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su ra sao khi nhận sự thay đổi về nhiệm vụ? (Xem đoạn 12-14)

12, 13. Tại sao chúng ta không nên ngạc nhiên nếu vị trí của mình trong sắp đặt của Đức Chúa Trời thay đổi theo thời gian?

12 Tuy nhiên, vị trí của chúng ta trong sắp đặt của Đức Chúa Trời không phải là cố định. Vị trí này có thể thay đổi theo thời gian. Hãy xem gương của Chúa Giê-su. Ban đầu, ngài ở một mình bên cạnh Đức Giê-hô-va (Châm 8:22). Sau đó, ngài tham gia vào việc tạo ra các thần linh khác, vũ trụ vật chất và cuối cùng là con người (Cô 1:16). Nhưng về sau, Chúa Giê-su đảm nhận vai trò mới trên đất: đầu tiên là một em bé và rồi là một người trưởng thành (Phi-líp 2:7). Sau khi hy sinh mạng sống, Chúa Giê-su trở về với đời sống thần linh ở trên trời để trở thành Vua của Nước Đức Chúa Trời vào năm 1914 (Hê 2:9). Nhưng đây không phải là lần thay đổi cuối cùng về nhiệm vụ của ngài. Sau Triều Đại Một Ngàn Năm, Chúa Giê-su sẽ giao lại Nước Trời cho Đức Giê-hô-va “hầu cho Đức Chúa Trời là Đấng Cai Trị duy nhất trên muôn vật”.—1 Cô 15:28.

13 Tương tự, chúng ta không nên ngạc nhiên nếu nhiệm vụ của mình thay đổi theo thời gian, thường là vì những quyết định mình đưa ra. Chẳng hạn, có phải anh chị từng là người độc thân và giờ đây đã kết hôn? Anh chị có đang nuôi nấng con nhỏ không? Nếu là người lớn tuổi, có phải anh chị đã đơn giản hóa đời sống để tham gia thánh chức trọn thời gian? Mỗi quyết định như thế mang lại các đặc ân cùng với những trách nhiệm nhất định. Hoàn cảnh thay đổi có thể mở rộng hoặc hạn chế phạm vi hoạt động của chúng ta. Anh chị là người trẻ hay người lớn tuổi? Anh chị có sức khỏe tốt hay đang đau yếu? Đức Giê-hô-va luôn xem xét cách tốt nhất mà ngài có thể dùng mỗi chúng ta trong việc phụng sự ngài. Những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi chúng ta luôn hợp lý và ngài rất quý trọng mọi điều chúng ta làm cho ngài.—Hê 6:10.

14. Làm thế nào việc có quan điểm khiêm tốn giúp chúng ta thỏa nguyện và vui mừng trong mọi hoàn cảnh?

14 Chúa Giê-su đã tìm được niềm vui trong mỗi nhiệm vụ của ngài, và chúng ta cũng có thể làm thế (Châm 8:30, 31). Một người khiêm tốn sẽ cảm thấy thỏa lòng với những nhiệm vụ hay trách nhiệm hiện tại trong hội thánh. Người ấy không quá bận tâm đến việc nhận được các đặc ân trong tương lai hoặc về những gì người khác đang đạt được. Thay vì thế, người ấy tập trung sức lực vào việc tìm sự thỏa nguyện và niềm vui trong vai trò hiện tại, vì nhận biết rằng vai trò đó đến từ Đức Giê-hô-va. Đồng thời, người ấy thật lòng tôn trọng vai trò hoặc vị trí mà Đức Giê-hô-va ban cho người khác. Tính khiêm tốn giúp chúng ta vui lòng dành cho người khác sự tôn trọng và ủng hộ thích đáng.—Rô 12:10.

SỰ KHIÊM TỐN KHÔNG PHẢI LÀ GÌ?

15. Chúng ta có thể học được gì từ sự khiêm tốn của Ghê-đê-ôn?

15 Ghê-đê-ôn là gương xuất sắc về sự khiêm tốn. Khi thiên sứ của Đức Giê-hô-va hiện ra với ông lần đầu tiên, Ghê-đê-ôn sẵn sàng thừa nhận rằng mình có hoàn cảnh xuất thân và khả năng khiêm tốn (Quan 6:15). Sau khi chấp nhận nhiệm vụ Đức Giê-hô-va giao, Ghê-đê-ôn cố gắng hiểu tường tận những điều mình cần phải làm và hướng về ngài để được hướng dẫn (Quan 6:36-40). Ghê-đê-ôn rất can đảm và dạn dĩ. Dù vậy, ông đã hành động với sự cẩn trọng và khôn ngoan (Quan 6:11, 27). Ông không lợi dụng nhiệm vụ của mình để tìm kiếm sự nổi bật. Thay vì thế, ông sẵn lòng trở lại vị trí trước kia ngay khi có thể.—Quan 8:22, 23, 29.

16, 17. Một người khiêm tốn sẽ xem xét điều gì khi nghĩ đến việc tiến bộ về thiêng liêng?

16 Khiêm tốn không có nghĩa là chúng ta không bao giờ muốn vươn tới hoặc nhận thêm đặc ân phụng sự. Kinh Thánh khuyến khích tất cả chúng ta tiến bộ (1 Ti 4:13-15). Nhưng điều này có luôn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi nhiệm vụ không? Không nhất thiết. Nhờ sự ban phước của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tiến bộ về thiêng liêng trong bất cứ vai trò nào mình hiện có. Chúng ta có thể tiếp tục phát huy những khả năng mà Đức Chúa Trời ban cho, và làm thêm nhiều việc tốt.

17 Trước khi chấp nhận một nhiệm vụ mới, người khiêm tốn sẽ xem xét những điều mình cần đáp ứng. Sau đó, người ấy có thể đánh giá hoàn cảnh của mình một cách trung thực. Chẳng hạn, người ấy có thể nhận thêm công việc hoặc trách nhiệm mà không bỏ bê những điều quan trọng khác không? Người ấy có thể giao một số công việc hiện tại cho người khác để mình có thể đảm nhận trách nhiệm mới không? Nếu câu trả lời là “không” cho một hoặc cả hai câu hỏi trên thì có lẽ sẽ thích hợp hơn để một người khác đảm nhận nhiệm vụ mới ấy trong lúc này. Việc cầu nguyện và phân tích một cách thực tế sẽ giúp chúng ta tránh vượt quá khả năng và giới hạn hiện tại của mình. Sự khiêm tốn có thể thúc đẩy chúng ta từ chối nhận nhiệm vụ đó.

18. (a) Sự khiêm tốn sẽ thúc đẩy chúng ta làm gì trong một vai trò hoặc nhiệm vụ mới? (b) Làm thế nào Rô-ma 12:3 giúp chúng ta khiêm tốn?

18 Gương của Ghê-đê-ôn nhắc chúng ta nhớ rằng khi chấp nhận một nhiệm vụ mới, chúng ta không thể thành công nếu không có sự hướng dẫn và ban phước của Đức Giê-hô-va. Suy cho cùng, chúng ta được mời “bước đi cách khiêm-nhường [“khiêm tốn”, NW] với Đức Chúa Trời” (Mi 6:8). Thế nên, mỗi khi đảm nhận nhiệm vụ mới, chúng ta cần cầu nguyện và suy ngẫm về những gì Đức Giê-hô-va nói với chúng ta qua Lời ngài và tổ chức của ngài. Chúng ta phải tập điều chỉnh những bước không vững chắc của mình để phù hợp với sự dẫn dắt vững vàng của Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ rằng chính sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va, chứ không phải khả năng của bản thân, là điều ‘làm chúng ta nên sang-trọng’ (Thi 18:35). Thế nên, việc chọn bước đi một cách khiêm tốn với Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta không nghĩ quá cao hoặc quá thấp về mình.—Đọc Rô-ma 12:3.

19. Tại sao chúng ta nên vun trồng tính khiêm tốn?

19 Người khiêm tốn sẽ dành cho Đức Giê-hô-va sự tôn kính mà ngài xứng đáng nhận được, vì ngài là Đấng Tạo Hóa và là đấng tối cao trong vũ trụ (Khải 4:11). Sự khiêm tốn giúp chúng ta thỏa lòng và hiệu quả khi chu toàn trách nhiệm của mình trong tổ chức của Đức Chúa Trời. Tính khiêm tốn giúp chúng ta tránh hành động một cách đáng hổ thẹn, và giúp đẩy mạnh sự hợp nhất trong vòng dân của Đức Giê-hô-va. Đức tính này thôi thúc chúng ta quan tâm đến người khác nhiều hơn bản thân, và thúc đẩy chúng ta cẩn thận để không phạm tội trọng. Vì những lý do này, sự khiêm tốn vẫn là điều quan trọng với mọi người thuộc dân của Đức Giê-hô-va, và ngài quý mến những ai vun trồng đức tính ấy. Nhưng nói sao nếu chúng ta đang đứng trước áp lực? Bài tới sẽ cho thấy cách chúng ta có thể giữ khiêm tốn trong những tình huống căng thẳng.