Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Đấng đoán-xét toàn thế-gian” luôn làm điều đúng

“Đấng đoán-xét toàn thế-gian” luôn làm điều đúng

“Ngài là Vầng Đá, công việc ngài thật hoàn hảo, đường lối ngài thảy đều công bằng”.—PHỤC 32:4, NW.

BÀI HÁT: 112, 89

1. Điều gì cho thấy Áp-ra-ham tin chắc nơi công lý của Đức Giê-hô-va? (Xem hình nơi đầu bài).

“Đấng đoán-xét toàn thế-gian, há lại không làm sự công-bình [“điều đúng”, NW] sao?” (Sáng 18:25). Câu hỏi này cho thấy Áp-ra-ham tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ thực thi công lý hoàn hảo trong trường hợp của Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Áp-ra-ham tin chắc Đức Giê-hô-va không bao giờ hành động bất công và “diệt người công-bình luôn với kẻ độc-ác”. Đối với ông, chuyện đó không thể xảy ra. Khoảng 400 năm sau, Đức Giê-hô-va nói về chính mình: “Ngài là Vầng Đá, công việc ngài thật hoàn hảo, đường lối ngài thảy đều công bằng. Đức Chúa Trời của sự trung tín chẳng bao giờ bất công; ngài là đấng công chính và ngay thẳng”.—Phục 31:19; 32:4, NW.

2. Tại sao có thể nói rằng Đức Giê-hô-va không thể hành động bất công?

2 Tại sao Áp-ra-ham tin chắc rằng Đức Giê-hô-va luôn phán xét công bằng? Vì ngài là gương xuất sắc nhất về công lý và sự công chính. Thật vậy, những từ Hê-bơ-rơ được dịch là “công lý” (hay “công bằng”) và “công chính” thường xuất hiện cùng nhau trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Về cơ bản, không có sự khác nhau giữa công lý và công chính. Vì Đức Giê-hô-va có quyền đề ra tiêu chuẩn tối hậu về sự công chính, nên quan điểm của ngài về mọi vấn đề luôn đúng. Hơn thế, Lời ngài cho biết: “Ngài yêu sự công chính và chuộng công lý”.—Thi 33:5, NW.

3. Hãy nêu một ví dụ về sự bất công trong thế gian ngày nay.

3 Vì thế gian đầy dẫy sự bất công, nên người có lòng thành được an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va luôn thực thi công lý. Đôi lúc người ta trở thành nạn nhân của sự bất công khủng khiếp. Chẳng hạn, một số người bị kết án và bỏ tù oan. Chỉ khi đưa ra bằng chứng ADN lúc điều tra lại vụ án thì mới minh oan cho một số người đã phải ngồi tù nhiều thập niên vì tội mà họ không phạm. Những vụ tù oan như thế gây ra sự bực bội và tức giận. Nhưng đối với tín đồ đạo Đấng Ki-tô, có một loại bất công có thể còn khó chịu đựng hơn.

TRONG HỘI THÁNH

4. Đức tin của tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể bị thử thách ra sao?

4 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ý thức rằng có lúc mình sẽ bị đối xử bất công ngoài hội thánh. Tuy nhiên, đức tin của chúng ta có thể bị thử thách khi thấy hoặc trải qua điều có vẻ bất công trong hội thánh. Anh chị sẽ phản ứng thế nào nếu nghĩ rằng mình bị đối xử bất công trong hội thánh? Anh chị có để điều đó khiến mình vấp ngã không?

5. Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô không nên ngạc nhiên khi thấy hoặc trải qua điều bất công trong hội thánh?

5 Mọi người đều bất toàn và tội lỗi nên chúng ta nhận ra rằng mình có thể bị đối xử bất công, hoặc chính mình đối xử bất công với anh chị khác trong hội thánh (1 Giăng 1:8). Dù những trường hợp như thế là rất hiếm nhưng các tín đồ trung thành không ngạc nhiên hay bị vấp ngã khi điều bất công xảy ra. Với lý do chính đáng, Đức Giê-hô-va đã cung cấp những lời khuyên thiết thực trong Lời ngài để giúp chúng ta giữ lòng trung kiên, ngay cả khi bị anh em đồng đạo đối xử bất công.—Thi 55:12-14.

6, 7. Một anh trải qua điều bất công nào trong hội thánh, và những đức tính nào giúp anh xử lý vấn đề một cách đúng đắn?

6 Hãy xem kinh nghiệm của anh Willi Diehl. Từ năm 1931, anh Diehl trung thành phụng sự tại nhà Bê-tên ở Bern, Thụy Sĩ. Năm 1946, anh tham dự khóa thứ tám của Trường Ga-la-át ở New York, Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp, anh được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh ở Thụy Sĩ. Trong tự truyện của mình, anh kể: “Tháng 5 năm 1949, tôi cho văn phòng chi nhánh ở Bern biết rằng mình có dự định kết hôn”. Văn phòng trả lời thế nào? “Không có đặc ân nào khác ngoài tiên phong đều đều”. Anh Diehl giải thích: “Lúc đó, tôi không được nói bài giảng... Nhiều anh chị không còn chào hỏi chúng tôi, họ đối xử với chúng tôi giống như người bị khai trừ”.

7 Đứng trước tình huống ấy, anh Diehl phản ứng thế nào? Anh kể: “Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng việc kết hôn không trái với Kinh Thánh. Vì thế, chúng tôi nương náu nơi Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và tin cậy ngài”. Cuối cùng, quan điểm sai về hôn nhân, điều gây ra sự bất công, đã được điều chỉnh và anh được nhận lại các đặc ân. Lòng trung thành của anh với Đức Giê-hô-va được tưởng thưởng. * Hãy tự hỏi: “Nếu bị đối xử bất công, mình sẽ có quan điểm thiêng liêng như thế không? Mình sẽ kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va hay tự xử lý vấn đề theo cách riêng?”.—Châm 11:2; đọc Mi-chê 7:7.

8. Tại sao anh chị có thể kết luận sai rằng mình hoặc người khác là nạn nhân của sự bất công?

8 Trái lại, anh chị có thể kết luận sai rằng mình hoặc thành viên khác trong hội thánh là nạn nhân của sự bất công. Điều này có thể xảy ra vì chúng ta bất toàn nên dễ có cái nhìn lệch lạc về vấn đề, hoặc vì không biết hết thông tin. Trong bất cứ trường hợp nào, dù chúng ta hiểu vấn đề theo cách đúng hay sai, thì việc nương cậy Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện cùng với lòng trung thành sẽ giúp chúng ta không bao giờ “oán Đức Giê-hô-va”.—Đọc Châm-ngôn 19:3.

9. Chúng ta sẽ xem xét những trường hợp nào trong bài này và bài sau?

9 Hãy suy ngẫm về ba trường hợp bất công đã xảy ra trong vòng dân Đức Giê-hô-va vào thời Kinh Thánh. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét trường hợp của Giô-sép, chắt nội của Áp-ra-ham, và điều xảy ra với ông liên quan đến các anh mình. Bài sau, chúng ta sẽ xem cách Đức Giê-hô-va đối xử với vua A-háp của Y-sơ-ra-ên, cũng như kinh nghiệm của sứ đồ Phi-e-rơ ở An-ti-ốt thuộc Sy-ri. Khi xem xét những trường hợp ấy, hãy rút ra bài học giúp mình giữ tập trung về thiêng liêng và mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, đặc biệt khi anh chị tin rằng mình bị đối xử bất công.

GIÔ-SÉP—NẠN NHÂN CỦA SỰ BẤT CÔNG

10, 11. (a) Giô-sép bị đối xử bất công thế nào? (b) Trong khi ở tù, Giô-sép có cơ hội nào?

10 Giô-sép, một tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, phải chịu sự bất công không chỉ bởi người ngoài mà còn bởi chính các anh ruột của mình, là điều đau lòng hơn nhiều. Khi Giô-sép ở tuổi vị thành niên, các anh trai đã bắt và bán ông làm nô lệ. Dù không muốn nhưng ông bị đưa đến Ai Cập (Sáng 37:23-28; 42:21). Sau một thời gian sống nơi xứ người, ông bị vu oan về tội toan cưỡng hiếp và bị bỏ tù mà không xét xử (Sáng 39:17-20). Cuộc đời nô lệ và tù đày cực khổ của ông kéo dài khoảng 13 năm. Qua kinh nghiệm của Giô-sép, chúng ta rút ra bài học nào có thể giúp mình khi bị anh em đồng đạo đối xử bất công?

11 Giô-sép đã có cơ hội giãi bày vấn đề của mình với một bạn tù. Tù nhân đó trước đây làm quan tổng quản dâng rượu cho vua. Trong thời gian họ ngồi tù chung, quan dâng rượu có một giấc mơ và Giô-sép đã giải nghĩa giấc mơ ấy. Giô-sép giải thích rằng quan dâng rượu sẽ được phục chức trong triều của Pha-ra-ôn. Khi tiết lộ lời giải được Đức Chúa Trời soi dẫn, Giô-sép tận dụng cơ hội để giãi bày hoàn cảnh của mình cho quan. Chúng ta rút ra bài học quý giá không chỉ qua những gì Giô-sép nói mà còn qua những gì ông không nói.—Sáng 40:5-13.

12, 13. (a) Làm thế nào lời Giô-sép nói với quan dâng rượu cho thấy ông không thụ động chấp nhận sự bất công mình phải chịu? (b) Khi nói chuyện với quan dâng rượu, hẳn Giô-sép không đề cập đến chi tiết nào?

12 Đọc Sáng-thế Ký 40:14, 15. Hãy lưu ý rằng Giô-sép nói ông bị “bắt”. Trong nguyên ngữ, từ này có nghĩa đen là “bị đánh cắp”. Rõ ràng, ông là nạn nhân của sự bất công. Giô-sép cũng nói rằng ông phải ngồi tù dù không phạm tội gì. Do đó, ông xin quan dâng rượu đề cập trường hợp của mình với Pha-ra-ôn. Tại sao? Ông giải thích mục đích là để được ‘đem ra khỏi chốn nầy’.

13 Phải chăng Giô-sép là người thụ động chấp nhận hoàn cảnh? Chắc chắn không. Ông hiểu rõ mình là nạn nhân của nhiều bất công. Ông kể rõ sự tình cho quan dâng rượu, là người có lẽ sẽ ở vị thế tốt để giúp ông. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng không chỗ nào trong Kinh Thánh cho biết Giô-sép tiết lộ với bất cứ ai, ngay cả Pha-ra-ôn, rằng chính các anh đã bắt mình. Thật vậy, khi các anh của Giô-sép đến Ai Cập và hòa thuận lại với ông, Pha-ra-ôn đã chào đón và mời họ đến sinh sống ở Ai Cập để hưởng “vật tốt nhứt của xứ”.—Sáng 45:16-20.

Lời nói tiêu cực có thể khiến vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát (Xem đoạn 14)

14. Điều gì sẽ giúp chúng ta tránh nói lời tiêu cực ngay cả khi gặp sự bất công trong hội thánh?

14 Khi một tín đồ tin rằng mình là nạn nhân của sự bất công, người ấy nên cẩn thận để không tham gia vào việc thày lay tai hại. Dĩ nhiên, nếu biết một thành viên trong hội thánh phạm tội trọng, chúng ta nên cho các trưởng lão biết và xin họ hướng dẫn (Lê 5:1). Nhưng trong nhiều trường hợp không liên quan đến tội trọng, người trong cuộc có thể giải quyết với nhau mà không cần đến người khác, ngay cả trưởng lão. (Đọc Ma-thi-ơ 5:23, 24; 18:15). Mong sao chúng ta trung thành giải quyết các vấn đề như thế theo nguyên tắc Kinh Thánh. Trong một số trường hợp, có thể cuối cùng chúng ta nhận ra mình không phải là nạn nhân của sự bất công. Lúc đó, thật đáng mừng vì chúng ta đã không khiến vấn đề tệ hơn bằng cách vu khống anh em đồng đạo! Hãy nhớ rằng dù chúng ta đúng hay sai thì việc buông lời gây tổn thương sẽ không bao giờ cải thiện tình hình. Việc trung thành với Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo sẽ giúp chúng ta tránh mắc sai lầm như thế. Người viết Thi-thiên nói: ‘Người đi theo sự ngay-thẳng sẽ có lưỡi không nói hành, chẳng làm hại cho bạn-hữu mình, không gieo sỉ-nhục cho kẻ lân-cận mình’.—Thi 15:2, 3; Gia 3:5.

HÃY NHỚ MỐI QUAN HỆ QUAN TRỌNG NHẤT

15. Làm thế nào mối quan hệ của Giô-sép với Đức Giê-hô-va chứng tỏ là một ân phước cho ông?

15 Chúng ta rút ra bài học quan trọng hơn trong mối quan hệ của Giô-sép với Đức Giê-hô-va. Suốt 13 năm cực khổ, Giô-sép cho thấy ông có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va trong các vấn đề (Sáng 45:5-8). Ông không bao giờ đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va về tình cảnh của mình. Dù không quên những điều bất công mà mình phải chịu, ông cũng không trở nên cay đắng. Quan trọng nhất, ông không để cho sự bất toàn và hành vi sai trái của người khác khiến mình xa cách Đức Giê-hô-va. Lòng trung thành của Giô-sép cho ông cơ hội thấy bàn tay của Đức Giê-hô-va trong việc sửa chữa các vấn đề bất công, cũng như ban phước cho ông và gia đình.

16. Tại sao chúng ta nên đến gần Đức Giê-hô-va hơn nếu chịu sự bất công trong hội thánh?

16 Tương tự, chúng ta phải trân trọng và gìn giữ mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Đừng bao giờ để sự bất toàn của anh em làm chúng ta xa cách Đức Chúa Trời mà mình yêu thương và thờ phượng (Rô 8:38, 39). Thay vì thế, nếu bị anh em đồng đạo đối xử bất công, chúng ta hãy làm giống như Giô-sép và đến gần Đức Giê-hô-va hơn, cố gắng có cùng quan điểm với ngài. Khi đã làm mọi điều có thể dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh để giải quyết vấn đề, chúng ta nên phó thác vấn đề trong tay Đức Giê-hô-va, tin cậy rằng ngài sẽ sửa chữa vấn đề ấy vào thời điểm và theo cách của ngài.

HÃY TIN CẬY “ĐẤNG ĐOÁN-XÉT TOÀN THẾ-GIAN”

17. Làm sao chúng ta cho thấy mình tin cậy nơi “Đấng đoán-xét toàn thế-gian”?

17 Bao lâu chúng ta còn sống trong thế gian này, bấy lâu chúng ta có thể phải chịu sự bất công. Dù hiếm xảy ra nhưng có thể anh chị hoặc người mà anh chị quen biết phải trải qua hoặc chứng kiến điều có vẻ bất công trong hội thánh. Đừng để điều đó khiến mình vấp ngã (Thi 119:165). Thay vì thế, là tôi tớ Đức Chúa Trời, chúng ta trung thành với ngài và nương cậy nơi ngài qua lời cầu nguyện. Đồng thời, chúng ta khiêm tốn thừa nhận rằng rất có thể mình không biết hết thông tin. Chúng ta ý thức rằng vì bất toàn nên mình dễ có cái nhìn lệch lạc về vấn đề. Qua bài học rút ra từ gương của Giô-sép, chúng ta muốn tránh nói lời tiêu cực vì biết rằng lời nói như thế chỉ khiến vấn đề tồi tệ hơn. Cuối cùng, thay vì giải quyết vấn đề theo cách riêng, chúng ta hãy quyết tâm trung thành và kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va sửa chữa vấn đề. Khi làm thế, chắc chắn chúng ta sẽ làm Đức Giê-hô-va hài lòng và được ngài ban phước, như Giô-sép. Thật vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va, “Đấng đoán-xét toàn thế-gian”, sẽ luôn làm điều đúng vì “đường lối ngài thảy đều công bằng”.—Sáng 18:25; Phục 32:4, NW.

18. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài sau?

18 Trong bài sau, chúng ta sẽ xem xét thêm hai trường hợp bất công xảy ra trong vòng dân Đức Giê-hô-va vào thời Kinh Thánh. Ôn lại những lời tường thuật này sẽ giúp chúng ta thấy sự khiêm nhường và việc sẵn lòng tha thứ liên hệ thế nào đến quan điểm của Đức Giê-hô-va về công lý.

^ đ. 7 Xin xem kinh nghiệm của anh Willi Diehl nơi bài “Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời tôi, tôi tin cậy ngài” trong Tháp Canh ngày 1-11-1991 (Anh ngữ).