Làm sao để thích nghi với hội thánh mới?
Đã bao giờ anh chị chuyển đến hội thánh mới chưa? Nếu rồi thì hẳn anh chị đồng ý với điều mà anh Jean-Charles nói: “Thật khó để thích nghi với hội thánh mới mà vẫn giữ cho mọi người trong gia đình có tình trạng thiêng liêng tốt”. Bên cạnh việc tìm công việc, chỗ ở và có lẽ là trường học mới, những anh chị chuyển đến hội thánh khác có thể đối mặt với khó khăn như thời tiết khắc nghiệt, sự khác biệt về văn hóa và khu vực rao giảng mới.
Anh Nicolas và chị Céline đã đối mặt với một khó khăn khác. Họ được chi nhánh Pháp bổ nhiệm đến hội thánh mới. Họ chia sẻ: “Lúc đầu chúng tôi rất háo hức, nhưng sau đó thấy nhớ bạn bè. Chúng tôi chưa thân thiết lắm với các anh chị trong hội thánh mới”. a Trước những khó khăn đó, làm thế nào để có niềm vui và hiệu quả khi chuyển đến hội thánh mới? Những anh chị khác có thể làm gì để giúp đỡ? Trong hội thánh mới, anh chị có thể khích lệ người khác và được khích lệ qua những cách nào?
BỐN NGUYÊN TẮC GIÚP VƯỢT QUA KHÓ KHĂN
1. Nương cậy Đức Giê-hô-va (Thi 37:5). Chị Kazumi ở Nhật Bản đã rời hội thánh mà chị kết hợp suốt 20 năm khi chồng chị được điều chuyển nơi làm việc. Chị “phó thác đường mình cho Đức Giê-hô-va” bằng cách nào? Chị cho biết: “Tôi dốc đổ lòng với Đức Giê-hô-va về sự hoang mang, cô đơn và lo lắng của mình. Mỗi lần làm thế, tôi đều được ngài ban cho sức mạnh cần thiết”.
Làm thế nào anh chị có thể nương cậy Đức Giê-hô-va nhiều hơn? Giống như cây cần nước và dưỡng chất từ đất để phát triển, đức tin của chúng ta cần được nuôi dưỡng để lớn mạnh. Anh Nicolas, được đề cập ở trên, đã suy ngẫm về gương của Áp-ra-ham, Chúa Giê-su và Phao-lô, là những người hy sinh rất nhiều để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Nhờ thế, anh được củng cố lòng tin cậy nơi sự hỗ trợ của ngài. Việc học hỏi cá nhân đều đặn không chỉ giúp anh chị đương đầu với bất cứ sự thay đổi nào trong đời sống, mà còn giúp anh chị có những món quà thiêng liêng để chia sẻ với anh em trong hội thánh mới.
2. Tránh so sánh (Truyền 7:10). Anh Jules đối mặt với sự khác biệt lớn về văn hóa khi chuyển từ Benin đến Hoa Kỳ. Anh nhớ lại: “Tôi cảm thấy phải kể mọi điều về cuộc đời mình cho từng anh chị mới mà tôi gặp”. Điều này rất khác văn hóa của anh, nên anh bắt đầu cô lập bản thân với hội thánh. Nhưng sau khi hiểu hơn về anh em, anh đã thay đổi quan điểm. Anh nói: “Tôi nhận ra rằng dù sống ở đâu trên đất, mọi người đều giống nhau, chỉ là cách nói và hành động khác nhau thôi. Dù anh em có tính cách khác với mình, chúng ta cần chấp nhận con người của họ”. Thế nên, hãy tránh so sánh với hội thánh cũ. Một chị tiên phong là Anne-Lise chia sẻ: “Tôi chuyển đến nơi khác không phải để tìm những điều mà mình đã bỏ lại, nhưng để khám phá những điều mới mẻ”.
Các trưởng lão cũng cần tránh so sánh với hội thánh cũ. Phương pháp khác không nhất thiết là sai. Điều khôn ngoan là hiểu hơn về hoàn cảnh địa phương trước khi đưa ra đề nghị (Truyền 3:1, 7b). Dẫn đầu qua gương mẫu tốt hơn là áp đặt quan điểm của mình lên hội thánh.—2 Cô 1:24.
3. Tham gia hoạt động trong hội thánh (Phi-líp 1:27). Việc chuyển đến hội thánh mới đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, nhưng điều rất quan trọng là tham dự các buổi nhóm họp, trực tiếp nếu có thể, ngay từ ban đầu. Suy cho cùng, nếu anh em trong hội thánh mới không bao giờ hoặc hiếm khi gặp anh chị, làm sao họ giúp đỡ anh chị được? Chị Lucinda cùng hai con gái chuyển đến một thành phố lớn ở Nam Phi. Chị nhớ lại: “Tôi được khuyến khích tập trung vào việc gần gũi với hội thánh, kết hợp với những anh chị khác trong thánh chức và tham gia các buổi nhóm họp. Chúng tôi cũng đề nghị dùng nhà của mình cho buổi nhóm rao giảng”.
Một cách tốt để củng cố đức tin của mình và người khác là “chung vai sát cánh” tham gia các hoạt động thần quyền với anh em trong hội thánh mới. Chị Anne-Lise, được đề cập ở trên, được các trưởng lão khuyến khích cố gắng đi rao giảng cùng với mọi người trong hội thánh mới. Kết quả là gì? Chị nói: “Tôi nhanh chóng nhận ra rằng đó chính là bí quyết để cảm thấy mình thuộc về hội thánh”. Ngoài ra, tình nguyện tham gia các hoạt động như làm vệ sinh và bảo trì Phòng Nước Trời cũng cho thấy anh chị xem đây là hội thánh của anh chị. Anh chị càng tham gia nhiều vào các hoạt động trong hội thánh, anh em càng thoải mái với anh chị, và anh chị sẽ cảm thấy hội thánh là gia đình thiêng liêng của mình.
4. Xây dựng tình bạn mới (2 Cô 6:11-13). Thể hiện sự quan tâm là cách tốt nhất để kết bạn. Vì thế, hãy dành nhiều thời gian trước và sau các buổi nhóm họp để trò chuyện với anh em và hiểu hơn về họ. Cố gắng nhớ tên họ. Khi anh chị nhớ tên người khác, thể hiện sự nồng ấm và dễ đến gần, họ sẽ muốn biết thêm về anh chị và rất có thể những tình bạn quý giá sẽ nảy nở.
Thay vì lo lắng về việc anh em có chấp nhận mình hay không, hãy để họ biết rõ anh chị là người như thế nào. Hãy làm giống như chị Lucinda. Chị cho biết: “Nhờ chủ động mời anh em đến nhà, chúng tôi có được những tình bạn thân thiết”.
“HÃY TIẾP ĐÓN NHAU”
Một số người có thể cảm thấy căng thẳng khi đến Phòng Nước Trời có nhiều người lạ. Vậy làm thế nào để giúp những người mới chuyển đến hội thánh cảm thấy thoải mái hơn? Sứ đồ Phao-lô khuyến khích: “Hãy tiếp đón nhau, như Đấng Ki-tô đã tiếp đón anh em” (Rô 15:7). Bằng cách noi gương Đấng Ki-tô, các trưởng lão có thể giúp những người mới cảm thấy được chào đón. (Xem khung “ Những điều giúp ích cho việc chuyển đến hội thánh mới”). Tuy nhiên, mọi người trong hội thánh, kể cả các em nhỏ, cũng có thể góp phần vào việc giúp người mới cảm thấy thoải mái.
Chào đón người mới bao gồm việc thể hiện lòng hiếu khách, nhưng cũng có thể bao gồm việc giúp đỡ thực tế. Chẳng hạn, một chị đã dành thời gian để đưa một chị mới đi tham quan thành phố và giải thích cách dùng phương tiện công cộng. Chị mới đến rất biết ơn về sự giúp đỡ ấy và dễ thích nghi hơn.
CƠ HỘI ĐỂ LỚN MẠNH VỀ THIÊNG LIÊNG
Trong quá trình một con châu chấu trưởng thành, nó lột xác vài lần trước khi cánh có thể bay được. Tương tự, khi chuyển đến hội thánh mới, anh chị cần “lột bỏ” bất cứ mối lo lắng nào cản trở anh chị “cất cánh bay cao”, tức tiến bộ trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Anh Nicolas và chị Céline chia sẻ: “Chuyển đến hội thánh khác là sự huấn luyện tuyệt vời. Để thích nghi với con người và môi trường khác, chúng tôi cần trau dồi những phẩm chất mới”. Anh Jean-Charles, được đề cập ở đầu bài, cho biết những lợi ích mà gia đình anh nhận được: “Sự thay đổi này đã giúp các con chúng tôi lớn mạnh về thiêng liêng trong hội thánh mới. Chỉ trong vòng vài tháng, con gái chúng tôi bắt đầu có bài trong buổi nhóm họp giữa tuần, còn con trai thì trở thành người công bố chưa báp-têm”.
Nói sao nếu hoàn cảnh không cho phép anh chị chuyển đến nơi khác, chẳng hạn như nơi có nhu cầu lớn hơn? Hãy xem hội thánh của mình Giăng 13:35). Anh chị có thể chắc chắn là “Đức Chúa Trời hài lòng với những vật tế lễ như thế”.—Hê 13:16.
là nhiệm sở mới bằng cách áp dụng những gợi ý ở trên. Trong khi nương cậy Đức Giê-hô-va, hãy dành nhiều thời gian cho hội thánh bằng cách sắp xếp để làm thánh chức chung với anh em và xây dựng những tình bạn mới hoặc củng cố những tình bạn đã có. Anh chị có thể chủ động hỗ trợ một cách thực tế cho người mới hoặc anh em gặp khó khăn. Tình yêu thương là đặc điểm của tín đồ chân chính, nên chắc chắn việc hỗ trợ như thế sẽ giúp anh chị lớn mạnh về thiêng liêng (Dù gặp khó khăn, nhiều tín đồ đã có niềm vui và hiệu quả khi chuyển đến hội thánh mới, và anh chị cũng có thể như thế! Chị Anne-Lise chia sẻ: “Chuyển đến hội thánh khác giúp tôi mở rộng lòng mình”. Chị Kazumi giờ đây tin chắc là khi chuyển đến hội thánh mới, “chúng ta có thể cảm nghiệm sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va theo những cách mà trước đây chưa từng cảm nghiệm”. Còn anh Jules cho biết: “Những tình bạn mà tôi đã gây dựng giúp tôi không còn cảm thấy lạc lõng. Giờ đây, tôi gắn bó với hội thánh mới đến mức khó mà rời xa họ”.
a Để xem lời khuyên về việc “Đối phó với nỗi nhớ nhà khi làm thánh chức ở nơi xa”, xem bài có tựa đó trong Tháp Canh ngày 15-5-1994 (Anh ngữ).