Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thầy cả thượng phẩm—Người kết án Chúa Giê-su

Thầy cả thượng phẩm—Người kết án Chúa Giê-su

Thầy cả thượng phẩmNgười kết án Chúa Giê-su

VÀO tháng 11 năm 1990, các thợ đang sửa chữa công viên và con đường cách cổ thành Giê-ru-sa-lem khoảng một kilômét về phía nam đã khám phá ra một điều rất thích thú. Người lái chiếc máy kéo vô ý làm sập mái che của một hang mộ xưa. Khu vực quanh đó từng là một nghĩa trang to lớn từ thế kỷ thứ nhất TCN đến thế kỷ thứ nhất CN. Nhưng những gì mà các nhà khảo cổ tìm được bên trong ngôi mộ mới đáng chú ý.

Hang mộ này chứa 12 rương đựng hài cốt. Đó là xương cốt của những thi hài đã mục rữa sau khi chôn khoảng một năm. Trên cái rương chạm trổ thật đẹp—một trong những rương tuyệt đẹp tìm được từ trước đến nay—có khắc tên Yehosef bar Caiapha (Giô-sép con của Cai-phe).

Những vật này cho người ta có cảm tưởng đây có lẽ là ngôi mộ của thầy cả thượng phẩm, người đã xử một phiên tòa quan trọng nhất trong lịch sử: phiên tòa xử Chúa Giê-su Christ. Sử gia Do Thái Josephus cho biết thầy cả thượng phẩm này là “Giô-sép, còn gọi là Cai-phe”. Kinh Thánh gọi ông là Cai-phe. Vì sao chúng ta lại chú ý đến ông? Điều gì khiến ông kết tội Chúa Giê-su?

Gia đình và thân thế

Cai-phe cưới con gái của An-ne, một thầy cả thượng phẩm khác. (Giăng 18:13) Việc mai mối này có lẽ đã được sắp xếp rất lâu trước khi hai người kết hôn, vì hai gia đình muốn kết thông gia với nhau. Điều này có nghĩa là họ phải xem xét kỹ gia phả để biết chắc gia đình kia chính thức thuộc dòng thầy tế lễ. Cả hai gia đình hẳn là giàu có và thuộc giới thượng lưu, có lẽ vì họ sở hữu đất đai, nhà cửa rộng lớn trong vùng Giê-ru-sa-lem. Hẳn An-ne muốn biết chắc người con rể tương lai sẽ là một đồng minh chính trị đáng tin cậy. Dường như cả An-ne và Cai-phe đều thuộc phái Sa-đu-sê đầy thế lực.—Công-vụ 5:17.

Là thành viên thuộc gia đình thầy tế lễ nổi tiếng, Cai-phe hẳn đã được dạy Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ và lời giải thích phần Kinh Thánh đó. Ông bắt đầu phụng sự tại đền thờ lúc 20 tuổi, nhưng khi nào ông làm thầy cả thượng phẩm thì không ai rõ.

Thầy cả thượng phẩm và thầy tế lễ cả

Chức thầy cả thượng phẩm lúc đầu là chức cha truyền con nối. Nhưng vào thế kỷ thứ hai TCN, những người Hasmonaean chiếm đoạt chức vụ này. * Sự kiện Vua Hê-rốt bổ nhiệm và cách chức những thầy cả thượng phẩm cho thấy rõ ông thật sự là người có quyền hành. Những vị tổng đốc của triều đình La Mã cũng tiếp tục làm như thế.

Diễn biến này đưa đến việc hình thành một nhóm mà Kinh Thánh gọi là “các thầy tế-lễ cả”. (Ma-thi-ơ 26:3, 4) Ngoài Cai-phe, nhóm này còn gồm cả những người trước kia là thầy cả thượng phẩm, chẳng hạn như An-ne, tuy đã bị cách chức nhưng vẫn giữ tước hiệu. Nhóm này cũng gồm những người thân trong gia đình của thầy cả thượng phẩm đương chức và tiền nhiệm.

Chính quyền La Mã giao công việc quản trị thường ngày vào tay tầng lớp quý tộc Do Thái, bao gồm các thầy tế lễ cả. Điều này giúp chính quyền La Mã kiểm soát và thu thuế toàn xứ mà không cần gửi nhiều quân lính đến đó. Chính quyền La Mã muốn hàng ngũ lãnh đạo Do Thái gìn giữ trật tự và bảo vệ quyền lợi cho họ. Các tổng đốc La Mã không ưa giới lãnh đạo Do Thái, là những người miễn cưỡng phục tùng quyền thống trị của La Mã. Tuy nhiên, họ hợp tác với nhau vì quyền lợi chung để có được một chính quyền ổn định.

Đến thời Cai-phe, thầy cả thượng phẩm thật ra là nhà lãnh đạo chính trị người Do Thái. An-ne đã được tổng đốc La Mã ở Sy-ri là Quirinius bổ nhiệm chức vụ này khoảng năm 6 hoặc 7 CN. Truyền thống của các thầy ra-bi cho biết những gia đình Do Thái thượng lưu thường có thói tham lam, ưu đãi người nhà, áp bức người khác và dùng bạo lực. Một người viết rằng An-ne, với tư cách là thầy cả thượng phẩm, cố lo sao cho người con rể được “thăng chức nhanh chóng trong hàng ngũ lãnh đạo tại đền thờ. Nói cho cùng, nếu Cai-phe giữ chức càng cao thì càng có lợi cho An-ne”.

Tổng đốc Giu-đê là Valerius Gratus đã cách chức An-ne vào khoảng năm 15 CN. Ba người khác liên tiếp được bổ nhiệm làm thầy cả thượng phẩm, trong đó có một người con của An-ne. Cai-phe trở thành thầy cả thượng phẩm vào khoảng năm 18 CN. Bôn-xơ Phi-lát, người được bổ nhiệm làm tổng đốc Giu-đê vào năm 26 CN đã cho Cai-phe làm thầy cả thượng phẩm suốt mười năm ông làm tổng đốc. Thời gian Cai-phe giữ chức bao gồm những năm Chúa Giê-su thi hành thánh chức và những năm đầu mà các môn đồ ngài rao giảng. Tuy nhiên Cai-phe chống đối thông điệp của tín đồ Đấng Christ.

Sợ Chúa Giê-su, sợ La Mã

Cai-phe xem Chúa Giê-su là phần tử nguy hiểm, khích động quần chúng. Chúa Giê-su chất vấn cách giải thích của hàng ngũ lãnh đạo Do Thái về luật ngày Sa-bát và ngài cũng đuổi những kẻ buôn bán và người đổi bạc ra khỏi đền thờ. Ngài còn phán rằng họ đã làm đền thờ “thành ra một cái hang trộm-cướp”. (Lu-ca 19:45, 46) Một vài sử gia cho rằng những khu chợ tại đền thờ là do gia đình An-ne làm chủ—có lẽ đó là một lý do khác khiến Cai-phe muốn làm Chúa Giê-su im hơi lặng tiếng. Khi các thầy tế lễ cả sai lính đi bắt Chúa Giê-su, những người đó lấy làm kinh ngạc về những điều ngài nói nên họ trở về tay không.—Giăng 2:13-17; 5:1-16; 7:14-49.

Hãy xem những gì xảy ra khi hàng ngũ lãnh đạo Do Thái biết được Chúa Giê-su đã làm cho La-xa-rơ sống lại. Sách Phúc Âm của Giăng ghi như sau: “Các thầy tế-lễ cả và người Pha-ri-si nhóm tòa công-luận, bàn rằng: Người nầy làm phép lạ nhiều lắm, chúng ta tính thế nào? Nếu chúng ta để cho người làm, thì thiên-hạ tin người, rồi dân Rô-ma sẽ đến diệt nơi nầy và cả nước chúng ta nữa”. (Giăng 11:47, 48) Tòa Công Luận xem Chúa Giê-su là một mối đe dọa đối với uy quyền của giới lãnh đạo tôn giáo và cũng là mối đe dọa cho trật tự công cộng, những điều họ phải chịu trách nhiệm đối với Phi-lát. Bất cứ phong trào nào có nhiều người ủng hộ mà chính quyền La Mã cho là dấy loạn đều có thể khiến họ can thiệp vào nội bộ của người Do Thái—điều mà Tòa Công Luận muốn tránh bằng mọi giá.

Tuy không thể phủ nhận việc Chúa Giê-su đã làm nhiều phép lạ, Cai-phe vẫn không thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su mà còn tìm cách giữ thanh thế và quyền lực của mình. Làm sao ông lại có thể chấp nhận việc La-xa-rơ được sống lại? Là một người Sa-đu-sê, Cai-phe không tin sự sống lại!—Công-vụ 23:8.

Lòng ác độc của Cai-phe được phơi bày khi ông nói với những người cùng cai trị: “Các ngươi chẳng biết gì hết! Các ngươi chẳng xét rằng thà một người vì dân chịu chết, còn hơn cả nước bị hư-mất. Vả, người nói điều đó chẳng phải tự mình, nhưng bởi làm thầy cả thượng-phẩm đương-niên, người nói tiên-tri về Đức Chúa Jêsus sẽ vì dân mà chết; và không những vì dân thôi, mà cũng để nhóm con-cái Đức Chúa Trời đã tản-lạc lại làm một đoàn. Từ ngày đó, chúng lập mưu giết [Chúa Giê-su]”.—Giăng 11:49-53.

Cai-phe không biết tầm quan trọng của lời ông nói. Vì là thầy cả thượng phẩm, ông đã được dùng để nói tiên tri. * Cái chết của Chúa Giê-su sẽ đem lại lợi ích—không chỉ riêng cho người Do Thái. Giá chuộc hy sinh của ngài còn cung cấp phương tiện cho cả nhân loại thoát khỏi tội lỗi và sự chết.

Âm mưu giết người

Các thầy tế lễ cả Do Thái và các trưởng lão nhóm lại tại nhà Cai-phe để bàn cách bắt và giết Chúa Giê-su. Thầy cả thượng phẩm hẳn đã dính dáng vào việc điều đình giá cả với Giu-đa Ích-ca-ri-ốt để hắn phản Chúa Giê-su. (Ma-thi-ơ 26:3, 4, 14, 15) Tuy nhiên, giết một người không thỏa mãn tính độc ác của Cai-phe. “Các thầy tế-lễ cả bèn định giết luôn La-xa-rơ nữa, vì có nhiều người Giu-đa nhân cớ người... tin theo Đức Chúa Jêsus”.—Giăng 12:10, 11.

Man-chu, đầy tớ của Cai-phe, có mặt trong đám đông được sai đi bắt Chúa Giê-su. Trước hết, ngài bị dẫn đến An-ne để tra hỏi và rồi đến Cai-phe, là người mời các trưởng lão Do Thái đến để mở một phiên tòa vào đêm khuya—một phiên tòa bất hợp pháp.—Ma-thi-ơ 26:57; Giăng 18:10, 13, 19-24.

Cai-phe vẫn không bỏ cuộc khi các người làm chứng dối bất đồng với nhau về lời tố cáo Chúa Giê-su. Thầy cả thượng phẩm này biết ý của những người đồng mưu với ông về bất cứ người nào xưng là Đấng Mê-si. Vì thế, ông bắt Chúa Giê-su phải cho biết là ngài có tự xưng như thế không. Chúa Giê-su đáp lại những kẻ buộc tội ngài rằng họ sẽ thấy ngài “ngồi bên hữu quyền-phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống”. Làm ra vẻ ta đây là người sùng đạo, “thầy cả thượng-phẩm bèn xé áo mình mà nói rằng: Nó đã nói phạm-thượng; chúng ta còn cần gì người làm chứng nữa sao?” Tòa Công Luận đều đồng ý rằng Chúa Giê-su đáng tội chết.—Ma-thi-ơ 26:64-66.

Việc xử tử cần phải được người La Mã chấp thuận. Với tư cách là người trung gian giữa chính quyền La Mã và người Do Thái, Cai-phe có lẽ là người trình vấn đề này lên cho Phi-lát. Khi Phi-lát tìm cách tha Chúa Giê-su, có lẽ Cai-phe có mặt trong số những thầy tế lễ cả và cũng hô to: “Hãy đóng đinh hắn trên cây thập-tự, hãy đóng đinh hắn trên cây thập-tự!” (Giăng 19:4-6) Và Cai-phe có lẽ đã xúi giục dân chúng la hét xin tha kẻ giết người thay vì tha Chúa Giê-su, cũng như ông có lẽ có mặt trong số những thầy tế lễ cả giả nhân giả nghĩa thưa rằng: “Chúng tôi không có vua khác, chỉ Sê-sa mà thôi”.—Giăng 19:15; Mác 15:7-11.

Cai-phe bác bỏ bằng chứng về việc Chúa Giê-su được sống lại. Ông chống lại Phi-e-rơ, Giăng và sau đó cả Ê-tiên nữa. Cai-phe cũng cho phép Sau-lơ bắt bất cứ tín đồ Đấng Christ nào tại thành Đa-mách. (Ma-thi-ơ 28:11-13; Công-vụ 4:1-17; 6:8–7:60; 9:1, 2) Tuy nhiên, vào khoảng năm 36 CN, Cai-phe bị Vitellius là quan tổng đốc La Mã xứ Sy-ri cách chức.

Những tài liệu do người Do Thái ghi lại đều có quan điểm tiêu cực về gia đình Cai-phe. Chẳng hạn, sách Talmud của Ba-by-lôn ghi lời than: “Khốn nạn cho tôi vì nhà của Hanin [An-ne], khốn nạn cho tôi vì những lời thầm thì của họ” hoặc “lời vu khống”. Lời than phiền này được cho là có ý ám chỉ về “buổi họp kín để tìm cách áp bức”.

Rút tỉa bài học từ cuộc đời của Cai-phe

Một học giả mô tả các thầy cả thượng phẩm là người “cứng rắn, mưu mô và có khả năng—rất có thể họ có tính kiêu ngạo”. Tính kiêu ngạo cản trở Cai-phe chấp nhận Đấng Mê-si. Vì thế chúng ta không nên ngạc nhiên khi nhiều người ngày nay từ chối thông điệp của Kinh Thánh. Một số người không khao khát lẽ thật của Kinh Thánh đến mức từ bỏ những niềm tin mà họ coi trọng. Số khác có thể cảm thấy rằng làm người rao giảng bình thường đi chia sẻ tin mừng là hạ phẩm giá của họ. Ngoài ra, tiêu chuẩn của tín đồ Đấng Christ gây khó chịu cho những người không lương thiện hoặc người có tính tham lam.

Với tư cách là thầy cả thượng phẩm, lẽ ra Cai-phe phải giúp những người Do Thái chấp nhận Đấng Mê-si, nhưng ngược lại, vì tham quyền lực nên ông đã kết án Chúa Giê-su. Sự chống đối đó có lẽ đã kéo dài cho đến khi Cai-phe chết. Những gì ghi chép về ông cho thấy điều tương tự là khi qua đời, chúng ta không chỉ để lại hài cốt mà thôi, nhưng qua việc làm, chúng ta còn để lại tiếng tốt hay tiếng xấu đối với Đức Chúa Trời.

[Chú thích]

^ đ. 9 Về lịch sử người Hasmonaean, xin xem Tháp Canh ngày 15-6-2001, trang 27-30.

^ đ. 19 Đức Giê-hô-va trước đây đã dùng Ba-la-am gian ác để công bố những lời tiên tri chính xác về dân Y-sơ-ra-ên.—Dân-số Ký 23:1–24:24.

[Hình nơi trang 10]

Giô-sép con của Cai-phe

[Hình nơi trang 10]

Rương đựng hài cốt tìm được khoảng 15 năm trước

[Nguồn tư liệu nơi trang 10]

Rương đựng hài cốt, chữ khắc và hang động (hình nền): Courtesy of Israel Antiquities Authority