Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kiêng ăn—Có giúp bạn đến gần Đức Chúa Trời?

Kiêng ăn—Có giúp bạn đến gần Đức Chúa Trời?

Kiêng ăn—Có giúp bạn đến gần Đức Chúa Trời?

“Kiêng ăn giúp bạn suy nghĩ sâu xa về Đức Chúa Trời và nhắc bạn nhớ rằng vật chất không phải là điều quan trọng nhất trong đời sống”.—MỘT PHỤ NỮ CÔNG GIÁO.

“Kiêng ăn giúp bạn có được mối liên lạc với Đức Chúa Trời”.—MỘT THẦY RA-BI CỦA DO THÁI GIÁO.

“Theo đạo tôi, kiêng ăn là một điều bắt buộc, là một trong những mấu chốt cho thấy lòng trung thành và biết ơn của tôi với Đức Chúa Trời. Tôi kiêng ăn vì tôi yêu thương Ngài”.—MỘT NGƯỜI THEO ĐẠO BAHA’I.

Kiêng ăn là điều thông thường trong nhiều tôn giáo trên khắp thế giới như Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, đạo Jain, Hồi giáo và Phật giáo. Nhiều người tin rằng kiêng ăn một thời gian sẽ giúp họ đến gần Đức Chúa Trời hơn.

Còn bạn thì sao? Bạn có nên kiêng ăn không? Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, nói gì về vấn đề này?

Những trường hợp kiêng ăn được ghi lại trong Kinh Thánh

Vào thời Kinh Thánh, người ta kiêng ăn vì một số lý do, và điều đó được Đức Chúa Trời chấp nhận. Một số người kiêng ăn để cho thấy nỗi đau buồn tột bực hoặc để ăn năn tội lỗi (1 Sa-mu-ên 7:4-6), để nài xin ân huệ của Đức Chúa Trời hoặc tìm kiếm sự hướng dẫn của Ngài (Các Quan Xét 20:26-28; Lu-ca 2:36, 37), hoặc để cải thiện khả năng tập trung khi suy ngẫm.—Ma-thi-ơ 4:1, 2.

Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng cho thấy có những trường hợp kiêng ăn không được Đức Chúa Trời chấp nhận. Chẳng hạn, vua Sau-lơ đã kiêng ăn trước khi cầu hỏi bà đồng bóng (Lê-vi Ký 20:6; 1 Sa-mu-ên 28:20). Những người ác, như Giê-sa-bên cũng như những kẻ cuồng tín muốn giết sứ đồ Phao-lô, đều tuyên bố rằng họ sẽ kiêng ăn (1 Các Vua 21:7-12; Công-vụ 23:12-14). Người Pha-ri-si nổi tiếng về việc kiêng ăn (Mác 2:18). Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã lên án họ về vấn đề này, và việc kiêng ăn của họ đã không gây ấn tượng gì với Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 6:16; Lu-ca 18:12). Tương tự thế, Đức Giê-hô-va không chấp nhận việc kiêng ăn của một số người Y-sơ-ra-ên có hạnh kiểm xấu và động lực sai trái.—Giê-rê-mi 14:12.

Những trường hợp trên cho thấy việc kiêng ăn chưa hẳn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Ngài chấp nhận những người kiêng ăn có lòng thành tâm phụng sự Ngài. Vậy, môn đồ của Chúa Giê-su có nên kiêng ăn không?

Môn đồ Chúa Giê-su có bắt buộc phải kiêng ăn không?

Theo Luật Pháp Môi-se, dân Y-sơ-ra-ên phải “thực hành khổ hạnh”, tức kiêng ăn, mỗi năm một lần vào Ngày Lễ Chuộc Tội (Lê-vi Ký 16:29-31, Bản Dịch Mới). Đức Giê-hô-va chỉ ra lệnh cho dân Ngài kiêng ăn vào dịp này mà thôi *. Người Do Thái thời đó phải tuân theo mệnh lệnh ấy. Nhưng môn đồ Chúa Giê-su không buộc phải tuân giữ Luật Pháp Môi-se.—Rô-ma 10:4; Cô-lô-se 2:14.

Dù Chúa Giê-su đã kiêng ăn theo qui định của Luật Pháp, nhưng ngài không nổi tiếng về điều này. Ngài cho các môn đồ biết nên có thái độ nào khi kiêng ăn, nhưng không bao giờ ra lệnh họ phải kiêng ăn (Ma-thi-ơ 6:16-18; 9:14). Vậy, tại sao Chúa Giê-su nói các môn đồ sẽ kiêng ăn sau khi ngài chết? (Ma-thi-ơ 9:15). Đó không phải là một mệnh lệnh. Chúa Giê-su chỉ đơn giản nói rằng khi ngài chết, các môn đồ sẽ vô cùng đau buồn và không muốn ăn.

Hai lời tường thuật trong Kinh Thánh về việc kiêng ăn của các môn đồ thời ban đầu cho thấy nếu một người kiêng ăn với động lực đúng thì được Đức Chúa Trời chấp nhận (Công-vụ 13:2, 3; 14:23) *. Thế thì, môn đồ Chúa Giê-su không bắt buộc phải kiêng ăn. Tuy nhiên, khi một người quyết định kiêng ăn thì cần cảnh giác một số mối nguy hiểm.

Những mối nguy hiểm cần cảnh giác

Khi kiêng ăn, một mối nguy hiểm cần tránh là tự cho mình là người đạo đức. Kinh Thánh cảnh báo chúng ta về thái độ “giả-đò khiêm-nhượng” (Cô-lô-se 2:18, 20-23). Qua minh họa về một người Pha-ri-si kiêu ngạo, nghĩ mình đạo đức hơn người khác nhờ việc thường xuyên kiêng ăn, Chúa Giê-su cho thấy rõ Đức Chúa Trời không chấp nhận thái độ ấy.—Lu-ca 18:9-14.

Vì vậy, không đúng khi cho người khác biết bạn đang kiêng ăn hoặc kiêng ăn vì có người bảo bạn làm thế. Theo Ma-thi-ơ 6:16-18, Chúa Giê-su cho biết kiêng ăn là vấn đề riêng giữa bạn và Đức Chúa Trời, do đó không nên công khai việc này.

Một người đừng bao giờ nghĩ rằng kiêng ăn có thể đền bù phần nào cho việc phạm tội. Để được Đức Chúa Trời chấp nhận, việc kiêng ăn phải đi đôi với việc vâng giữ luật pháp của Ngài (Ê-sai 58:3-7). Lòng ăn năn chân thành, chứ không phải hành động kiêng ăn, là điều giúp chúng ta được tha thứ (Giô-ên 2:12, 13). Kinh Thánh nhấn mạnh rằng chính nhờ ân điển của Đức Giê-hô-va thể hiện qua sự hy sinh của Chúa Giê-su, chúng ta mới được tha thứ. Chúng ta không thể được tha thứ nhờ bất cứ việc gì mình làm, kể cả việc kiêng ăn.—Rô-ma 3:24, 27, 28; Ga-la-ti 2:16; Ê-phê-sô 2:8, 9.

Câu Ê-sai 58:3 cho thấy một mối nguy hiểm thông thường khác. Dân Y-sơ-ra-ên cho rằng việc kiêng ăn của họ như thể là điều tốt lành mà họ làm cho Đức Giê-hô-va. Thế nên khi họ kiêng ăn, Ngài đã nợ họ. Dân ấy thắc mắc: “Sao chúng tôi kiêng ăn mà Chúa chẳng đoái xem? sao chúng tôi chịu dằn lòng mà Chúa chẳng biết đến?”. Nhiều người ngày nay cũng nghĩ rằng nhờ kiêng ăn, họ có thể mong đợi Đức Chúa Trời đáp lại bằng cách ban ân huệ cho họ. Mong sao chúng ta không bao giờ có thái độ bất kính và trái với sự dạy dỗ của Kinh Thánh như thế!

Nhiều người khác tin rằng họ có thể xứng đáng nhận ân phước của Đức Chúa Trời qua việc đối xử khắc nghiệt với thân thể, chẳng hạn kiêng ăn, tự đánh đập mình, hoặc các hình thức khác. Lời Đức Chúa Trời lên án quan điểm này, cho thấy việc “khắc-khổ thân-thể mình” là “không ích gì để chống-cự” những ham muốn sai trái.—Cô-lô-se 2:20-23.

Giữ quan điểm thăng bằng

Kiêng ăn không phải là điều bắt buộc, cũng không phải là điều sai trái. Nếu tránh được những mối nguy hiểm nêu trên, việc kiêng ăn có thể mang lại lợi ích trong một số trường hợp. Tuy nhiên, kiêng ăn không phải là điều chính yếu trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh-phước”, và Ngài muốn các tôi tớ Ngài hạnh phúc (1 Ti-mô-thê 1:11). Lời Ngài cho biết: “Chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là... ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời”.—Truyền-đạo 3:12, 13.

Một đặc điểm của người thờ phượng Đức Chúa Trời là vui mừng, nhưng Kinh Thánh không bao giờ liên kết việc kiêng ăn với sự vui mừng. Hơn nữa, nếu kiêng ăn khiến sức khỏe sa sút, hoặc làm các môn đồ chân chính của Chúa Giê-su mất năng lực để thực hiện nhiệm vụ Đấng Tạo Hóa giao—chia sẻ tin mừng về Nước Trời—thì rõ ràng việc kiêng ăn đã phản tác dụng.

Dù quyết định sẽ kiêng ăn hay không, chúng ta nên tránh xét đoán người khác. Những môn đồ chân chính của Chúa Giê-su không nên tranh cãi về vấn đề này, “vì nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn-uống, nhưng tại sự công-bình, bình-an, vui-vẻ bởi [thánh-linh] vậy”.—Rô-ma 14:17.

[Chú thích]

^ đ. 12 Trước khi có Lễ Phu-rim, bà Ê-xơ-tê đã kiêng ăn. Đức Chúa Trời không ra lệnh cho bà làm thế dù dường như Ngài chấp nhận việc kiêng ăn này.

^ đ. 14 Một số bản Kinh Thánh thêm ý kiêng ăn trong một số câu (Ma-thi-ơ 17:21, BDM; Mác 9:29, Trịnh Văn Căn). Tuy nhiên, trong những bản chép tay cổ nhất của tiếng Hy Lạp thì không có ý này.

[Câu nổi bật nơi trang 28]

Người Pha-ri-si giả đò khiêm nhường khi kiêng ăn

[Câu nổi bật nơi trang 29]

“Nước Đức Chúa Trời chẳng tại sự ăn-uống, nhưng tại sự công-bình, bình-an, vui-vẻ”

[Khung nơi trang 29]

Có nên giữ Mùa Chay không?

Người ta cho rằng 40 ngày kiêng ăn của Mùa Chay là để kỷ niệm 40 ngày kiêng ăn của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không bao giờ ra lệnh cho các môn đồ kỷ niệm sự kiêng ăn của Ngài, cũng không có bằng chứng nào cho thấy các môn đồ đã làm điều đó. Người ta nói những lá thư của giám mục Athanasius viết vào năm 330 CN là nguồn đáng tin cậy đầu tiên đề cập đến 40 ngày kiêng ăn trước Lễ Phục Sinh.

Chúa Giê-su kiêng ăn sau khi làm báp têm, chứ không phải trước khi chết. Nhưng trong Mùa Chay, người ta kiêng ăn vài tuần cho đến ngày Lễ Phục Sinh. Thế nên, việc một số tôn giáo cử hành Mùa Chay trong thời điểm này dường như là điều lạ lùng. Tuy nhiên, 40 ngày kiêng ăn vào đầu năm là điều rất thông thường trong xứ Ai Cập, Ba-by-lôn và Hy Lạp cổ. Phong tục cử hành Mùa Chay của nhiều đạo thuộc khối Ki-tô dường như được du nhập từ những xứ này.