Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một bài học về lòng thương xót

Một bài học về lòng thương xót

Hãy noi theo đức tin của họ

Một bài học về lòng thương xót

Ông Giô-na có đủ thời gian để suy nghĩ. Một cuộc hành trình dài 800 cây số đang chờ ông. Có thể ông phải đi bộ cả tháng hoặc lâu hơn. Trước tiên, ông phải chọn giữa lộ trình ngắn hoặc lộ trình tuy dài nhưng an toàn hơn, rồi ông lên đường. Ông băng qua nhiều thung lũng và núi đồi, đi dọc theo sa mạc Sy-ri mênh mông, qua những con sông như sông lớn Ơ-phơ-rát chảy xiết, và tìm chỗ nghỉ qua đêm trong các thị trấn cũng như làng mạc của vùng Sy-ri, Mê-sô-bô-ta-mi và A-si-ri. Ngày qua ngày, ông nghĩ về thành phố mình sẽ đến, thành phố mà ông kinh sợ. Theo mỗi bước chân ông, thành phố ấy càng lúc càng gần. Đó là thành Ni-ni-ve.

Có một điều Giô-na biết chắc: Ông không thể quay lại hoặc trốn tránh nhiệm vụ như ông đã làm trước đây. Lần đầu tiên, khi Đức Giê-hô-va giao nhiệm vụ rao báo thông điệp phán xét cho thành phố hùng mạnh này của A-si-ri, ông Giô-na đã vội vàng lên thuyền đi hướng ngược lại. Vì thế, Đức Giê-hô-va đã dấy lên một trận bão dữ dội, và Giô-na nhanh chóng nhận ra rằng việc ông bất tuân có thể làm mọi người trên tàu mất mạng. Để cứu những thủy thủ can đảm ấy, ông bảo họ ném ông xuống biển. Họ đã miễn cưỡng làm theo, và Giô-na nghĩ rằng ông chắc sẽ chết. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va khiến một con cá lớn nuốt Giô-na, rồi ba ngày sau, nó nhả ông ra trên bờ biển bình an vô sự. Sau sự kiện đó, Giô-na rất kính sợ Đức Giê-hô-va và càng sẵn lòng vâng lời Ngài *.—Giô-na chương 1, 2.

Khi Đức Giê-hô-va ra lệnh lần thứ hai, nhà tiên tri Giô-na đã vâng lời, đi về hướng đông để đến thành Ni-ni-ve (Giô-na 3:1-3). Tuy nhiên, ông có để cho Đức Giê-hô-va sửa trị để thật sự thay đổi thành một người tốt hơn không? Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đã thương xót ông, cứu ông khỏi biển cả, không trừng phạt về tội cãi lời, và cho ông thêm một cơ hội để hoàn thành nhiệm vụ. Sau tất cả những chuyện ấy, Giô-na có biết thể hiện lòng thương xót với người khác không? Đối với người bất toàn, thương xót là điều khó thực hiện. Hãy xem chúng ta có thể rút ra bài học gì từ kinh nghiệm của Giô-na.

Thông điệp phán xét và sự hưởng ứng bất ngờ

Ông Giô-na không nhìn thành Ni-ni-ve theo quan điểm của Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh cho biết đối với Đức Chúa Trời, “Ni-ni-ve là một thành rất lớn” (Giô-na 3:3). Lời tường thuật của sách Giô-na cho biết Đức Giê-hô-va ba lần gọi “thành lớn Ni-ni-ve” (Giô-na 1:2; 3:2; 4:11). Tại sao thành này lại lớn, hay quan trọng, với Đức Giê-hô-va?

Thành phố Ni-ni-ve cổ xưa là một trong những thành đầu tiên Nim-rốt xây dựng sau Đại Hồng Thủy. Thành phố này rộng lớn và là vùng trung tâm, dường như bao gồm nhiều thành phố nhỏ, và phải đi mất ba ngày đường (Sáng-thế Ký 10:11; Giô-na 3:3). Thành Ni-ni-ve rất ấn tượng với những đền đài tráng lệ, tường thành kiên cố và nhiều dinh thự. Nhưng những yếu tố này không làm cho nó trở nên quan trọng với Đức Giê-hô-va. Điều Ngài quan tâm là người dân ở đấy. Vào thời đó, thành Ni-ni-ve rất đông dân. Dù họ làm điều ác nhưng Đức Giê-hô-va vẫn quan tâm đến họ. Ngài quý mạng sống của con người và thấy mỗi người có khả năng từ bỏ con đường xấu để học biết điều lành.

Rồi khi Giô-na vào thành Ni-ni-ve, có lẽ ông càng sợ hãi khi thấy dân cư thành đông đúc, với hơn 120.000 người *. Ông đi bộ cả ngày, càng lúc càng vào sâu trong thành, có lẽ tìm một nơi thích hợp để công bố thông điệp. Làm thế nào ông có thể nói chuyện với dân thành này? Ông có biết tiếng A-si-ri không? Hay Đức Giê-hô-va đã làm phép lạ cho ông nói được thứ tiếng ấy? Chúng ta không biết rõ điều này. Có thể Giô-na đã công bố thông điệp bằng tiếng mẹ đẻ là tiếng Do Thái cổ, và nhờ một người dịch lại cho dân thành Ni-ni-ve. Dù thế nào đi nữa, thông điệp của ông tuy đơn giản nhưng dường như sẽ làm người ta ghét ông. Tuy nhiên, Giô-na mạnh dạn công bố nhiều lần: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống!” (Giô-na 3:4). Khi làm thế, ông đã biểu lộ tính can đảm và đức tin mạnh mẽ. Ngày nay, hơn bao giờ hết, các môn đồ của Chúa Giê-su cũng cần có những đức tính này.

Vì nghĩ rằng dân thành Ni-ni-ve sẽ phản ứng mạnh mẽ và hung bạo, hẳn Giô-na đã chuẩn bị tinh thần. Nhưng một điều khác thường đã xảy ra. Dân thành này chú ý lắng nghe và hưởng ứng thông điệp! Lời của ông nhanh chóng lan truyền khắp thành. Chẳng mấy chốc, dân trong thành bàn tán xôn xao về thông điệp hủy diệt. Sách Giô-na ghi lại: “Dân thành Ni-ni-ve tin Đức Chúa Trời. Họ rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai, từ những người rất lớn trong đám họ cho đến những kẻ rất nhỏ” (Giô-na 3:5). Người mạnh khỏe lẫn người yếu sức, già lẫn trẻ, giàu cũng như nghèo, hết thảy đều thể hiện sự ăn năn. Chẳng bao lâu, tin tức này đến tai nhà vua.

Nhà vua cũng tỏ ra ăn năn vì kính sợ Đức Chúa Trời. Ông rời ngai vàng, thay triều phục và mặc bao gai giống như dân chúng, thậm chí “ngồi trong tro”. Trước đây, việc kiêng ăn chỉ là hành động tự phát của dân chúng, nhưng nay cùng với những người “rất lớn”, tức quan chức trong triều, vua chính thức ban chiếu chỉ về điều này. Theo lệnh vua, mọi người đều mặc bao gai, kể cả gia súc *. Vua khiêm nhường nhận biết dân mình đã làm điều xấu xa và hung bạo. Ông hy vọng rằng Đức Chúa Trời sẽ biểu lộ lòng thương xót khi thấy họ ăn năn. Vua nói: “Đức Chúa Trời sẽ... xây khỏi cơn nóng-giận mình, hầu cho chúng ta khỏi chết”.—Giô-na 3:6-9.

Một số nhà phê bình nghi ngờ việc dân thành Ni-ni-ve thay đổi nhanh chóng đến thế. Tuy nhiên, các học giả Kinh Thánh ghi nhận rằng điều đó phù hợp với bản chất mê tín và tính khí thất thường của các dân thuộc nền văn hóa cổ như dân thành này. Dù thế nào đi nữa, sau này chính Chúa Giê-su đã đề cập đến sự ăn năn của dân thành Ni-ni-ve (Ma-thi-ơ 12:41). Ngài biết rõ việc này, vì đó là điều ngài đã chứng kiến khi còn ở trên trời (Giăng 8:57, 58). Vậy, Đức Giê-hô-va đã phản ứng thế nào trước hành động ăn năn của dân này?

Lòng thương xót của Đức Chúa Trời tương phản với sự khắt khe của con người

Về sau, Giô-na viết: “Đức Chúa Trời thấy việc họ làm đều đã xây-bỏ đường-lối xấu của mình; Đức Chúa Trời bèn ăn-năn sự họa mà Ngài đã phán sẽ làm cho họ, và Ngài không làm sự đó”.—Giô-na 3:10.

Có phải là Đức Giê-hô-va nghĩ Ngài đã đoán xét sai về dân thành Ni-ni-ve không? Không. Kinh Thánh nói về Đức Giê-hô-va như sau: “Công-việc của Hòn-Đá là trọn-vẹn; Vì các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội [“công bằng”, Bản Diễn Ý]” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Đức Giê-hô-va chỉ không còn giận dân này nữa. Ngài nhận thấy họ đã thay đổi nên việc trừng phạt không còn thích hợp. Đây chính là lúc để Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng thương xót.

Đức Giê-hô-va không phải là Đức Chúa Trời khắt khe, lạnh lùng, thậm chí cay nghiệt như các nhà lãnh đạo tôn giáo thường miêu tả. Ngược lại, Ngài phải lẽ, có lòng thương xót và xử trí linh động. Khi quyết định trừng phạt người ác, Ngài sai các tôi tớ cảnh báo họ. Ngài thiết tha muốn thấy người ác ăn năn và thay đổi lối sống như dân thành Ni-ni-ve (Ê-xê-chi-ên 33:11). Đức Giê-hô-va phán với nhà tiên tri Giê-rê-mi: “Trong lúc nào ta sẽ nói về một dân một nước kia đặng nhổ đi, hủy đi, diệt đi; nếu nước mà ta nói đó xây-bỏ điều ác mình, thì ta sẽ đổi ý ta đã toan giáng tai-họa cho nó”.—Giê-rê-mi 18:7, 8.

Vậy, lời tiên tri của Giô-na sai hay sao? Không phải thế, lời tiên tri ấy đã thực hiện được mục tiêu của nó là cảnh báo dân Ni-ni-ve. Đức Giê-hô-va cảnh báo dân này về lối sống xấu xa của họ, và kết cuộc họ đã thay đổi. Nhưng nếu dân thành Ni-ni-ve trở lại con đường gian ác, Đức Giê-hô-va sẽ thi hành án phạt trên họ. Sau này, điều đó xảy ra đúng như vậy.—Sô-phô-ni 2:13-15.

Giô-na đã phản ứng thế nào khi thành Ni-ni-ve không bị hủy diệt vào đúng thời điểm mà ông mong đợi? Lời tường thuật cho biết: “Bấy giờ Giô-na rất không đẹp lòng, và giận-dữ” (Giô-na 4:1). Qua lời cầu nguyện, thậm chí Giô-na còn oán trách Đấng Toàn Năng! Giô-na cho rằng lẽ ra ông nên ở lại quê nhà. Ông nói mình biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ không giáng tai họa trên thành Ni-ni-ve, và còn lấy cớ ấy để bào chữa cho việc lúc đầu ông chạy trốn qua Ta-rê-si. Rồi ông xin được chết, vì theo ông, chết còn hơn sống.—Giô-na 4:2, 3.

Điều gì khiến Giô-na buồn bực đến thế? Chúng ta không biết ông nghĩ gì, nhưng trước nhiều người, Giô-na tuyên bố thành Ni-ni-ve sẽ gặp tai họa. Họ đã tin ông, thế mà bây giờ không có tai họa nào. Có phải ông sợ bị chế giễu, bị xem là tiên tri giả không? Dù gì đi nữa, Giô-na đã không vui về sự ăn năn của dân thành này và về lòng thương xót của Đức Giê-hô-va. Dường như, càng lúc ông càng chìm sâu trong nỗi cay đắng, thương cho thân mình và cảm thấy danh dự bị tổn thương. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời thương xót vẫn nhìn thấy điểm tốt trong Giô-na, người đang đau buồn. Thay vì trừng phạt ông về tội bất kính, Đức Giê-hô-va chỉ nhẹ nhàng nêu câu hỏi để Giô-na suy nghĩ: “Ngươi giận có nên không?” (Giô-na 4:4). Giô-na có trả lời được không? Kinh Thánh không cho biết gì về điều này.

Đức Giê-hô-va dạy Giô-na một bài học

Nhà tiên tri buồn rầu ra khỏi thành Ni-ni-ve nhưng không trở về quê nhà. Ông đi về hướng đông, nơi có vài ngọn núi và từ đó có thể nhìn thấy thành này. Ông cất một cái chòi, ở đấy quan sát và chờ đợi điều sẽ xảy đến với thành Ni-ni-ve. Có lẽ ông vẫn nuôi hy vọng chứng kiến thành này bị hủy diệt. Đức Giê-hô-va dạy cho con người bướng bỉnh này bài học về lòng thương xót như thế nào?

Trong đêm, Đức Giê-hô-va làm cho một dây dưa mọc lên. Khi thức dậy, Giô-na thấy dây này xanh tốt, có những lá to che bóng râm hơn hẳn căn chòi sơ sài của ông. Tinh thần của ông trở nên phấn chấn. “Giô-na rất vui” về dây dưa ấy, có lẽ ông xem điều kỳ diệu đó như thể là ân phước và sự hài lòng của Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, Ngài không chỉ muốn giúp ông tránh được cái nóng gay gắt và nguôi cơn giận mà còn muốn động đến lòng của ông. Vì vậy, Đức Chúa Trời dùng một con sâu cắn chết dây dưa đó. Rồi Ngài khiến cơn “gió cháy thổi từ phương đông” đến, Giô-na “ngất đi” vì sức nóng. Giô-na lại sa sút tinh thần và ông cầu xin Đức Chúa Trời cho ông được chết.—Giô-na 4:6-8.

Một lần nữa, Đức Giê-hô-va hỏi Giô-na giận vì dây dưa ấy chết thì có chính đáng không. Thay vì ăn năn, Giô-na bào chữa: “Tôi giận cho đến chết cũng phải lắm”. Đây là lúc thích hợp để Đức Giê-hô-va giải thích rõ ràng bài học Ngài muốn dạy ông.—Giô-na 4:9.

Đức Giê-hô-va lý luận với nhà tiên tri Giô-na. Ngài nói rằng ông thương tiếc một dây leo mọc lên trong đêm mà ông không trồng cũng không làm cho nó lớn lên. Rồi Đức Chúa Trời kết luận: “Còn ta, há không đoái-tiếc thành lớn Ni-ni-ve, trong đó có hơn mười hai vạn người không biết phân-biệt tay hữu và tay tả, lại với một số thú-vật rất nhiều hay sao?”.—Giô-na 4:10, 11 *.

Bạn có nhận ra tầm quan trọng của bài học thực tế này không? Giô-na chưa làm điều gì để chăm sóc dây leo đó. Ngược lại, Đức Giê-hô-va là Đấng ban sự sống cho dân thành Ni-ni-ve và duy trì sự sống cho họ, như Ngài đã làm với tất cả những tạo vật khác trên đất. Làm sao Giô-na có thể xem trọng một dây leo hơn mạng sống của 120.000 người và gia súc của họ? Đó có phải là vì Giô-na đã suy nghĩ một cách ích kỷ không? Suy cho cùng, ông tiếc cái cây chỉ vì nó có lợi cho bản thân. Chẳng phải cơn giận của ông đối với thành Ni-ni-ve cũng có động cơ ích kỷ như thế, vì ông muốn giữ thể diện và chứng tỏ mình đúng hay sao?

Thật là một bài học sâu sắc! Nhưng câu hỏi được nêu lên là: Giô-na có tiếp thu bài học này không? Cuốn sách mang tên ông kết thúc với câu hỏi của Đức Giê-hô-va mà không có lời đáp. Một số nhà phê bình cho rằng Giô-na đã không bao giờ trả lời câu hỏi đó. Nhưng thật ra câu trả lời nằm trong chính cuốn sách của ông. Chúng ta có bằng chứng cho thấy Giô-na đã viết sách này. Hãy thử nghĩ xem, sau khi trở về quê nhà bình yên, nhà tiên tri đã viết lời tường thuật này. Chúng ta có thể hình dung cảnh một người đàn ông cao tuổi, khôn ngoan và khiêm nhường hơn, buồn bã lắc đầu khi ghi lại lỗi lầm của chính mình, về bản tính chống đối, ương ngạnh, không biểu lộ lòng thương xót. Rõ ràng, Giô-na đã tiếp thu sự hướng dẫn khôn ngoan của Đức Giê-hô-va. Ông đã trở nên người biết thương xót. Còn chúng ta thì sao?

[Chú thích]

^ đ. 9 Thành Sa-ma-ri, thủ đô của xứ Y-sơ-ra-ên có khoảng 20.000 đến 30.000 cư dân vào thời Giô-na—ít hơn một phần tư dân thành Ni-ni-ve. Lúc cực thịnh, có lẽ Ni-ni-ve là thành phố lớn nhất trên thế giới thời đó.

^ đ. 11 Phong tục này đã có từ xưa. Sử gia Hy Lạp là Herodotus cho biết khi một danh tướng qua đời, người Phe-rơ-sơ cổ cũng cho gia súc giữ theo những phong tục như thế.

^ đ. 24 Khi Đức Chúa Trời nói rằng những người ấy không biết phân biệt tay hữu với tay tả, điều này có nghĩa là đối với những tiêu chuẩn cao cả của Ngài, họ giống như con trẻ.

[Câu nổi bật nơi trang 16]

Đức Chúa Trời thiết tha muốn thấy người ác ăn năn và thay đổi lối sống như dân thành Ni-ni-ve

[Câu nổi bật nơi trang 17]

Đức Chúa Trời đã dùng một dây dưa để dạy Giô-na bài học về lòng thương xót