Trụ sở Nhân Chứng Giê-hô-va—100 năm tại Brooklyn
Năm 1909 là bước ngoặt trong lịch sử của thành phố New York, Hoa Kỳ. Hai cây cầu lớn được khánh thành: Cầu Queensboro nối khu Queens với Manhattan, và cầu Manhattan nối Manhattan với Brooklyn.
Đó cũng là bước ngoặt trong lịch sử của Nhân Chứng Giê-hô-va. Từ lâu, anh Charles Taze Russell, chủ tịch đầu tiên của hội Watch Tower Bible and Tract Society (cơ quan đại diện pháp lý của Nhân Chứng), đã thấy công việc rao giảng về Nước Trời có tiềm năng mở rộng (Ma-thi-ơ 24:14). Anh tin rằng một bước quan trọng để phát huy tiềm năng này là dời trụ sở của hội từ Pittsburgh, bang Pennsylvania, đến Brooklyn, bang New York. Việc chuẩn bị bắt đầu từ năm 1908, và trụ sở được di dời vào đầu năm sau.
Tại sao dời đến Brooklyn?
Những anh dẫn đầu công việc rao giảng thời đó đã hiểu rằng việc đăng lên báo các bài
giảng về Kinh Thánh là phương pháp hữu hiệu để phổ biến thông điệp trong Lời Đức Chúa Trời. Vì thế, đến năm 1908, các bài giảng hằng tuần của anh Russell đã được đăng trên 11 tờ báo, với tổng số phát hành là 402.000 bản.Tuy nhiên, anh Russell viết: “Các anh chị đồng đạo biết về ngành báo chí... tin chắc rằng nếu được đăng trên báo chí của [thành phố lớn hơn], các bài giảng của chúng ta có thể được nhiều báo khác đăng lại và đến với độc giả khắp Hoa Kỳ. Chỉ cần một năm, hàng trăm tờ báo sẽ thường xuyên đăng các bài giảng của chúng ta”. Vì thế, các anh bắt đầu tìm kiếm địa điểm tốt nhất để mở rộng công việc rao giảng.
Tại sao chọn Brooklyn? Anh Russell cho biết: “Sau khi cầu xin Đức Chúa Trời hướng dẫn, tất cả chúng tôi đi đến kết luận rằng Brooklyn [New York], thành phố có dân số đông và nổi danh là “Thành phố của nhà thờ”, sẽ là địa điểm thích hợp nhất cho công việc gặt hái”. Đúng như dự tính, sau khi chuyển đến đó một thời gian ngắn, có đến 2.000 tờ báo đăng các bài giảng của anh Russell.
Ngoài ra, việc dọn đến New York còn có một lợi điểm khác. Năm 1909, hội đã mở chi nhánh ở Anh Quốc, Đức và Úc. Không lâu sau, nhiều chi nhánh cũng được thành lập ở những nước khác. Vì thế, thật là quyết định khôn ngoan khi đặt trụ sở tại một thành phố có hệ thống giao thông thuận lợi về cả đường biển, đường bộ và đường sắt.
Tại sao gọi là Bê-tên?
Ban đầu trụ sở của hội Watch Tower Bible and Tract Society được thành lập vào thập niên 1880 ở Allegheny (nay thuộc Pittsburgh), bang Pennsylvania. Lúc ấy, trụ sở được gọi là “Nhà Kinh Thánh”. Đến năm 1896, có 12 thành viên làm việc ở đây.
*. Tại sao thế? Vì hội đã mua căn nhà của mục sư nổi danh Henry Ward Beecher ở số 13-17 đường Hicks, lúc ấy được gọi là Bê-tên Beecher. Hội cũng mua một dinh thự trước đây của ông Beecher ở số 124 Columbia Heights. Số Tháp Canh ngày 1-3-1909 cho biết: “Thật đáng ngạc nhiên là hội mua căn Bê-tên Beecher và tình cờ cũng mua dinh thự cũ của ông ấy... Tòa nhà dùng để ở sẽ được gọi là “Bê-tên”, còn tòa dùng làm văn phòng và thính phòng sẽ được gọi là “Đền tạm của Brooklyn”. Những tên này sẽ thay thế cho tên “Nhà Kinh Thánh””.
Khi dời đến Brooklyn vào năm 1909, nơi ở mới của các thành viên được gọi là “Bê-tên”Ngày nay, trụ sở đã được mở rộng ở Brooklyn và hai địa điểm khác của bang New York là Wallkill và Patterson, trong đó có nhà ở, nhà in và các văn phòng làm việc. Tất cả đều được gọi chung là Bê-tên. Hiện nay, 113 quốc gia có nhà Bê-tên, với hơn 19.000 tình nguyện viên góp phần trong công việc cung cấp các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh.
Nơi nồng ấm chào đón khách tham quan
Trụ sở bắt đầu đi vào hoạt động ngày 31 tháng 1 năm 1909. Và thứ hai, ngày 6 tháng 9 năm 1909 là ngày đầu tiên mở cửa cho mọi người đến tham quan Bê-tên. Hàng trăm Học viên Kinh Thánh, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va lúc bấy giờ, đã đến tham quan trụ sở. Nhiều người trong số họ đến thẳng từ hội nghị tổ chức tại Saratoga Springs, cách thành phố New York khoảng 320km về phía bắc. Anh Charles Taze Russell đích thân tiếp đón họ *.
Đến nay, Bê-tên vẫn là nơi nồng ấm chào đón khách tham quan. Mỗi năm, có hơn 40.000 người đến thăm trụ sở tại Brooklyn. Nhà Bê-tên ở Brooklyn tiếp tục đóng vai trò thiết yếu trong việc phổ biến tin mừng Nước Trời nhằm mang lại ân phước cho vô số người.
^ đ. 11 Nghĩa của từ “Bê-tên” trong tiếng Do Thái là “nhà Đức Chúa Trời”. Đó là tên một thành phố quan trọng của Y-sơ-ra-ên xưa. Trong Kinh Thánh, thành phố này được nhắc đến rất nhiều lần, chỉ sau thành Giê-ru-sa-lem.
^ đ. 14 Để biết thêm chi tiết, xin xem sách Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom (Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời), trang 718-723, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.