Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Biết ơn Đức Giê-hô-va dù gặp nhiều thử thách—Kinh Thánh giúp tôi chịu đựng như thế nào?

Biết ơn Đức Giê-hô-va dù gặp nhiều thử thách—Kinh Thánh giúp tôi chịu đựng như thế nào?

Biết ơn Đức Giê-hô-va dù gặp nhiều thử thách​—Kinh Thánh giúp tôi chịu đựng như thế nào?

Do Enrique Caravaca Acosta kể lại

Đó là ngày 15-4-1971. Tôi về thăm gia đình tại nông trại. Tôi rất mong gặp mọi người vì tôi đã xa nhà một thời gian. Tôi tự nhủ liệu mọi người có ở nhà không và tôi sẽ gặp ai đầu tiên. Về đến nhà, tôi thật kinh hãi khi thấy bốn người, trong đó có mẹ tôi, bị giết!

Tôi sững sờ đến mức không nói nên lời. Điều gì đã xảy ra? Tôi sẽ phải làm gì? Không có ai ở xung quanh, tôi cảm thấy bối rối và bất lực. Trước khi kể tiếp câu chuyện, hãy để tôi giới thiệu sơ lược về đời mình. Nhờ thế, bạn sẽ hiểu tôi cảm thấy thế nào về vấn đề này và những bi kịch khác trong đời tôi.

Chúng tôi đã tìm được chân lý

Tôi sinh ra ở Quirimán, gần thị trấn Nicoya, Costa Rica. Năm 1953, khi được 37 tuổi, tôi sống với cha mẹ trong nông trại của gia đình. Dù theo đạo Công giáo nhưng chúng tôi không thỏa mãn với một số giáo lý cùng nhiều câu hỏi không được giải đáp.

Vào buổi sáng nọ, một anh tên là Anatolio Alfaro đến nhà để khuyến khích chúng tôi tìm hiểu Kinh Thánh. Anh chia sẻ với chúng tôi nhiều câu Kinh Thánh và những lời dạy trong đó. Cha, mẹ, một đứa em trai và em gái tôi cùng với bạn của em gái đang ở với chúng tôi, tất cả đều ngồi xuống lắng nghe anh giảng. Cuộc thảo luận kéo dài cả ngày, đến tận buổi tối. Chúng tôi nêu lên nhiều câu hỏi.

Anh Anatolio ngủ lại đêm đó và dành cả ngày hôm sau để thảo luận với chúng tôi. Chúng tôi thích thú với những điều được nghe và còn hào hứng hơn vì những câu hỏi của mình đã được anh dùng Kinh Thánh để trả lời. Cuộc thảo luận ấy ảnh hưởng sâu sắc đến chúng tôi. Chúng tôi suy nghĩ về những gì đã học và nhận ra mình tìm được chân lý. Anh Anatolio cho chúng tôi một số tạp chí và sách giải thích Kinh Thánh. Vào buổi tối, chúng tôi cùng nhau đọc và học các ấn phẩm ấy. Khi làm thế, chúng tôi gặp chút ít khó khăn vì nơi đây không có điện. Trước khi ngồi xuống học Kinh Thánh, mỗi người chúng tôi lấy một bao lớn phủ lên chân hầu không bị muỗi đốt.

Sáu tháng sau, cha, mẹ, hai thành viên khác trong gia đình và tôi đã làm báp têm. Chúng tôi hăng hái bắt đầu đi đến từng nhà để chia sẻ với người khác những điều mình học được. Chúng tôi đi bộ khoảng hai tiếng đồng hồ và đôi lúc cưỡi ngựa đến thị trấn Carrillo để gặp một nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va ở đó. Anh Anatolio tiếp tục đến nhà giúp chúng tôi tìm hiểu Kinh Thánh. Sau đó, một buổi nhóm họp được tổ chức tại nhà chúng tôi và có khoảng tám người tham dự. Cuối cùng, cả tám người đó đều làm báp têm. Nhóm ấy đã nhanh chóng phát triển thành một hội thánh nhỏ gồm khoảng 20 người.

Dành trọn thời gian phụng sự Đức Chúa Trời

Văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Costa Rica đã mời những ai có điều kiện tham gia công việc rao giảng trọn thời gian. Năm 1957, tôi nhận lời mời này và bắt đầu phụng sự trọn thời gian. Công việc rất hào hứng. Tôi thường đi bộ một mình hàng giờ để chia sẻ Kinh Thánh với những người sống ở các vùng nông thôn. Đôi khi, người ta không hoan nghênh tôi. Tôi nhớ có ít nhất ba lần tôi bị người ta cầm rựa đe dọa. Họ đòi biết tôi là ai và tôi làm việc gì.

Vào thập niên 1950, đa số các con đường đều là đường mòn băng qua rừng, vì thế rất khó để chúng tôi gặp người khác. Để đến một số vùng, chúng tôi phải đi bằng ngựa. Chúng tôi lội qua những dòng sông và có lúc phải ngủ ngoài trời, dưới những vì sao. Vì có quá nhiều muỗi nên đời sống rất khó chịu. Chúng tôi cũng phải cảnh giác với rắn và cá sấu. Dù đương đầu với những vấn đề này, tôi thật sự vui mừng khi giúp người khác học biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Lúc trở về nhà, tôi cảm thấy hạnh phúc và thỏa nguyện vì có thể chia sẻ với người khác chân lý trong Kinh Thánh. Nhờ rao giảng và học hỏi Kinh Thánh mỗi ngày, tình yêu thương giữa tôi với Đức Giê-hô-va tiếp tục phát triển và tôi cảm thấy gần gũi Ngài hơn.

Sau một thời gian, tôi có thêm đặc ân. Tôi làm giám thị lưu động hơn mười năm, đi viếng thăm và củng cố các hội thánh. Mỗi tuần tôi đến một hội thánh trong một vùng nào đó. Dù vấn đề sức khỏe khiến tôi không thể tiếp tục đặc ân này, nhưng tôi vẫn rao giảng trọn thời gian.

Bi kịch ập đến

Năm 1971, tôi ở Nicoya và trở về thăm gia đình. Khi bước vào nhà, tôi thấy người mẹ 80 tuổi của mình đang nằm trên sàn. Mẹ đã bị bắn và bị đâm. Khi tôi khuỵu xuống ôm mẹ, bà vẫn còn thở. Ít phút sau, mẹ chết trên tay tôi. Tôi nhìn quanh và thấy người giúp việc đang mang thai tám tháng cũng nằm sõng soài trên sàn bếp. Phụ nữ ấy đã chết. Như thế vẫn chưa đủ, tôi cũng phát hiện một chị thuộc hội thánh địa phương chết ngay trong hành lang và đứa con trai nhỏ của chị giúp việc chết trong nhà tắm. Tất cả đều bị đâm và bị bắn một cách tàn nhẫn. Ai đã gây ra thảm kịch này và tại sao?

Khi ra ngoài, tôi thấy cha. Ông bị bắn vào đầu nhưng vẫn còn sống! Tôi chạy vội đến nhà em trai, cách đó 15 phút, và được biết một phụ nữ khác cùng con trai bà cũng bị giết. Tôi bàng hoàng khi hay rằng hung thủ là đứa cháu trai 17 tuổi của tôi! Nó không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va và bị bệnh tâm thần. Nó đã bỏ trốn và vụ truy lùng hung thủ lớn nhất trong lịch sử nước Costa Rica bắt đầu.

Sự việc này đã được đưa lên các bản tin trên toàn quốc. Sau bảy ngày, cảnh sát đã tìm ra kẻ sát nhân. Hung thủ có một con dao lớn và một khẩu súng đường kính 22 li mà ai đó đã bán cho nó dù biết nó bị rối loạn tâm thần và cảm xúc. Cháu trai tôi đã bị bắn chết khi cảnh sát tìm cách bắt nó.

Khi vụ truy lùng chưa khép lại, nhiều người khuyên tôi hãy lánh sang vùng khác vì sợ đứa cháu trở lại hãm hại tôi. Tôi đã cầu nguyện về điều này vì nghĩ rằng tôi cần phải ở bên cạnh những thành viên còn sống sót trong gia đình và với hội thánh. Vậy, tôi quyết định ở lại.

Hết bi kịch này đến bi kịch khác

Đáng buồn thay, cha tôi chỉ sống được một năm nữa. Năm sau, em gái tôi, một người trung thành phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời, đã bị giết trong một vụ án khác. Tất cả người thân của tôi lại bàng hoàng khi mất một thành viên khác trong gia đình. Không lời nào có thể diễn tả sự mất mát, đau buồn mà chúng tôi và bạn bè đã nếm trải. Qua thử thách, tôi hoàn toàn nương cậy nơi Đức Giê-hô-va và luôn nài xin Ngài ban sức cho tôi.

Năm 1985, tôi tham dự khóa huấn luyện dài ba ngày dành cho các trưởng lão tại thủ đô San José. Kết thúc khóa học, tôi cảm thấy mối quan hệ giữa tôi với Đức Giê-hô-va được củng cố. Sáng sớm ngày thứ hai, tôi ra bến xe để về nhà. Trên đường đến bến xe, tôi bị những tên côn đồ tấn công. Chúng xiết cổ rồi lấy đồ của tôi. Sự việc diễn ra quá nhanh đến nỗi tôi không thấy được mặt chúng. Vụ việc này khiến tôi không thể giao tiếp theo phong tục của người Costa Rica. Tại tỉnh Guanacaste, những người đàn ông la hoặc hét lên khi gặp mặt và chào nhau, hay chỉ để người khác biết sự hiện diện của mình. Trước vụ tấn công, tôi la rất khỏe, nhưng sau đó, tôi không còn làm thế được nữa.

Năm 1979, tôi kết hôn với Celia, một chị đồng đạo thuộc hội thánh lân cận. Celia yêu mến Kinh Thánh. Mỗi ngày, chúng tôi đọc và học hỏi Kinh Thánh với nhau. Thật buồn, cô ấy đã mất vì bệnh ung thư vào tháng 7-2001. Có những lúc tôi cảm thấy cô đơn, nhưng hy vọng về sự sống lại giúp tôi có thêm nghị lực.—Giăng 5:28, 29.

Vui mừng dù gặp thử thách

Dù có lẽ tôi đã trải qua nhiều bi kịch hơn người khác, nhưng tôi xem những thử thách này là cơ hội để chứng tỏ đức tin và lòng trung thành đối với Đức Giê-hô-va (Gia-cơ 1:13). Để duy trì một quan điểm thăng bằng về những gì đã trải qua, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân là “thời thế và sự bất trắc” xảy đến cho tất cả chúng ta (Truyền-đạo 9:11, NW). Tôi cũng nhớ rằng chúng ta đang sống trong “những thời-kỳ khó-khăn”, nên người ta dữ tợn, hung bạo và thiếu tự chủ (2 Ti-mô-thê 3:1-5). Bên cạnh đó, tôi nhớ đến gương của Gióp. Dù mọi điều xảy đến cho Gióp—mất người thân, sức khỏe và tài sản—ông vẫn quả quyết nói: “Đáng ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va!”. Đức Giê-hô-va ban thưởng dồi dào cho lòng trung kiên của ông (Gióp 1:13-22; 42:12-15). Tất cả những ý tưởng này trong Kinh Thánh giúp tôi giữ được niềm vui dù gặp nhiều thử thách.

Đức Giê-hô-va luôn giúp tôi tiếp tục đặt việc làm theo ý muốn Ngài lên hàng đầu trong đời sống. Đọc Kinh Thánh mỗi ngày là nguồn an ủi lớn và cho tôi sức mạnh để chịu đựng. Qua lời cầu nguyện, tôi có thể vui hưởng “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết” (Phi-líp 4:6, 7). Nhờ thế, tôi có được bình an nội tâm. Tương tự, tham dự và góp phần vào các buổi nhóm họp giúp đức tin tôi vững mạnh hơn.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

Dù lớn tuổi, tôi biết ơn Đức Giê-hô-va vì tôi vẫn có sức khỏe để cùng làm việc với các anh em đồng đạo, học hỏi Kinh Thánh với người khác và tham gia công việc rao giảng. Phục vụ người khác qua những cách này giúp tôi có sức mạnh để đương đầu với nỗi tuyệt vọng. Tận đáy lòng, tôi thật sự biết ơn Đức Giê-hô-va dù gặp nhiều thử thách. *

[Chú thích]

^ đ. 26 Hai năm sau khi gửi bài này, anh Enrique Caravaca Acosta đã qua đời ở tuổi 90.

[Câu nổi bật nơi trang 20]

Đọc Kinh Thánh mỗi ngày là nguồn an ủi lớn và cho tôi sức mạnh để chịu đựng

[Hình nơi trang 19]

Một trong những bài giảng đầu tiên của tôi

[Hình nơi trang 20]

Trong công việc rao giảng khi còn trẻ