Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải chăng đạo nào cũng giúp bạn đến gần Thượng Đế?

Phải chăng đạo nào cũng giúp bạn đến gần Thượng Đế?

Phải chăng đạo nào cũng giúp bạn đến gần Thượng Đế?

“Đạo ai nấy giữ. Đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng thờ Thượng Đế”.

Bạn đã bao giờ nghe ai nói như thế chưa? Nhiều người nghĩ rằng các tôn giáo là những con đường khác nhau dẫn đến Thượng Đế và lý giải ý nghĩa về sự tồn tại của muôn vật. Một quan điểm phổ biến khác là mỗi tôn giáo đều có mặt tích cực và tiêu cực. Không tôn giáo nào có thể cho rằng mình có chân lý tuyệt đối hoặc mình là con đường duy nhất dẫn đến Thượng Đế.

Xã hội phóng khoáng hiện nay dễ chấp nhận những quan điểm trên. Những ai không cùng lối suy nghĩ đó thường bị xem là có óc hẹp hòi và thậm chí là người cuồng tín. Còn quan điểm của bạn thì sao? Theo bạn, tất cả các tôn giáo có đều dẫn đến Thượng Đế không? Chọn tín ngưỡng có thật sự quan trọng không?

Có thật sự giống nhau?

Theo một bách khoa, hiện nay có khoảng 9.900 tôn giáo, trong số đó có những tôn giáo được phổ biến trên toàn cầu và có đến hàng triệu tín đồ. Theo ước tính, khoảng 70% dân số thế giới thuộc năm tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Ky-tô giáo và Phật giáo. Nếu các tôn giáo đều là những con đường dẫn đến Thượng Đế, thì năm tôn giáo lớn này hẳn phải có nhiều điểm tương đồng về giáo lý cũng như cách giải thích về Thượng Đế và ý muốn của Ngài. Nhưng thực tế cho thấy gì?

Nhà thần học Công giáo La Mã là ông Hans Küng cho biết rằng các tôn giáo lớn có cùng một số chuẩn mực cơ bản về luân thường đạo lý. Chẳng hạn, hầu hết đều cấm giết người, nói dối, trộm cắp, loạn luân; và dạy người ta tôn kính cha mẹ cũng như yêu con trẻ. Tuy nhiên, về lãnh vực khác, đặc biệt về Thượng Đế hay Đức Chúa Trời, thì các tôn giáo lớn lại dạy những giáo lý hoàn toàn khác nhau.

Chẳng hạn, Ấn Độ giáo thờ đa thần, trong khi Phật giáo thì không khẳng định là có Đấng Tạo Hóa. Đạo Hồi dạy là có một Thượng Đế duy nhất. Các đạo thuộc Ky-tô giáo cũng dạy như thế, nhưng phần lớn họ tin Đức Chúa Trời là Chúa Ba Ngôi. Ngay cả trong vòng các đạo thuộc Ky-tô giáo, cũng có nhiều giáo lý khác nhau. Chẳng hạn, Công giáo tôn thờ mẹ của Chúa Giê-su, nhưng Tin Lành thì không. Công giáo nói chung cấm ngừa thai, nhưng phần lớn các phái Tin Lành thì lại không cấm điều này. Thậm chí trong cùng một nhánh là Tin Lành, cũng không có quan điểm thống nhất về vấn đề đồng tính luyến ái.

Với nhiều giáo lý khác nhau như thế, liệu các tôn giáo này có thể là những con đường dẫn đến Đức Chúa Trời không? Hẳn là không, ngược lại sự thiếu đồng nhất này chỉ làm người ta thêm hoang mang, không biết Đức Chúa Trời là ai và Ngài muốn những người thờ phượng Ngài làm gì.

Kiến tạo hòa bình hay gây chia rẽ?

Nếu tất cả các tôn giáo đều hướng đến Đức Chúa Trời, chắc chắn mỗi tôn giáo phải dùng sức ảnh hưởng của mình để kiến tạo hòa bình. Nhưng thực tế là gì? Lịch sử cho thấy thay vì hợp nhất nhân loại, tôn giáo là yếu tố gây chia rẽ và xung đột. Chúng ta hãy xem vài thí dụ.

Từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, những nước theo Ky-tô giáo đã dấy lên hàng loạt cuộc Thập Tự Chinh, gây chiến với những nước Hồi giáo. Vào thế kỷ 17, Công giáo và Tin Lành đã xung đột với nhau trong Cuộc Chiến Ba Mươi Năm. Năm 1947, ngay sau khi tiểu lục địa Ấn Độ giành độc lập khỏi Anh Quốc, thì lại nổ ra cuộc chiến giữa các tín đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Gần đây hơn là cuộc xung đột giữa Công giáo và Tin Lành kéo dài nhiều năm ở Bắc Ireland. Tại Trung Đông, người Do Thái giáo và Hồi giáo vẫn không thể đi đến hòa bình. Thí dụ tiêu biểu nhất là Thế Chiến II. Khi ấy, tín đồ thuộc cả năm tôn giáo lớn đều tham gia, thậm chí đánh nhau với người cùng đạo.

Rõ ràng có thể kết luận là các tôn giáo trên thế giới không mang lại hòa bình và hợp nhất, cũng không hướng người ta đến Đức Chúa Trời. Ngược lại, họ đã gây chia rẽ, khiến người ta thêm hoang mang về Đức Chúa Trời và cách thờ phượng Ngài. Vì thế, bất cứ ai muốn đến với Đức Chúa Trời cần cẩn thận lựa chọn con đường mình theo. Điều này phù hợp với lời khuyên của Kinh Thánh, một trong những cuốn sách tôn giáo lâu đời nhất.

Hãy chọn sự thờ phượng đúng

Kinh Thánh cho thấy rõ rằng muốn đến gần Đức Chúa Trời thật có danh là Giê-hô-va, chúng ta cần suy xét kỹ để nhận ra con đường đúng, rồi quyết định đi theo. Một người thờ phượng Đức Chúa Trời là ông Giô-suê đã nói với dân Y-sơ-ra-ên xưa: “Hãy chọn ai mà mình muốn phục-sự, hoặc các thần mà tổ-phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân A-mô-rít trong xứ mà các ngươi ở; nhưng ta và nhà ta sẽ phục-sự Đức Giê-hô-va”. Nhiều năm sau đó, nhà tiên tri Ê-li cũng khuyến khích dân Y-sơ-ra-ên hãy lựa chọn đúng: “Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào? Nếu Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, khá theo Ngài; nếu Ba-anh [tà thần của xứ Ca-na-an] là Đức Chúa Trời, hãy theo hắn”.—Giô-suê 24:15, 16; 1 Các Vua 18:21.

Những câu trên và những câu khác trong Kinh Thánh đã nhắc nhở những người thời xưa rằng muốn thờ phượng Đức Chúa Trời thì cần lựa chọn một cách cẩn thận. Ngày nay cũng vậy. Nếu muốn thờ phượng Đức Chúa Trời, chúng ta cũng phải lựa chọn đúng. Nhưng điều gì sẽ giúp chúng ta? Làm sao chúng ta nhận diện những ai đang thật sự thờ phượng Đức Chúa Trời?

Nhận diện người thật sự thờ phượng Đức Chúa Trời

Chúa Giê-su giúp các môn đồ nhận ra ai là người thờ phượng Đức Chúa Trời đúng cách khi nói: “Có ai hái trái nho nơi bụi gai, hay là trái vả nơi bụi tật-lê? Vậy, hễ cây nào tốt thì sanh trái tốt; nhưng cây nào xấu thì sanh trái xấu. Cây tốt chẳng sanh được trái xấu, mà cây xấu cũng chẳng sanh được trái tốt... Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái nó mà nhận-biết được”. Thật thế, những người thờ phượng đúng cách được nhận diện qua “trái” hay hành động của họ. Những hành động nào?—Ma-thi-ơ 7:16-20.

Trước tiên, họ hợp nhất và yêu thương nhau. Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. Những môn đồ của Chúa Giê-su phải thể hiện tình yêu thương nổi bật đến độ nó trở thành dấu hiệu nhận diện họ là những người thật sự thờ phượng Đức Chúa Trời.—Giăng 13:34, 35.

Vì thế, những môn đồ chân chính không thể nào cầm vũ khí tham gia chiến tranh. Các tôn giáo có giữ theo điều răn này không? Trong Thế Chiến II, Nhân Chứng Giê-hô-va là tôn giáo duy nhất có lập trường thống nhất và kiên định về việc từ chối ủng hộ chiến tranh dù ở bất cứ hình thức nào. Tiến Sĩ Hanns Lilje, cựu giám mục của Giáo hội Tin Lành tại Hannover, Đức, đã viết về Nhân Chứng Giê-hô-va: “Họ có thể chính đáng khẳng định mình là nhóm duy nhất, đông nhất đã từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm trong thời Đệ Tam Quốc Xã”. Suốt thời chiến, Nhân Chứng trong nhiều xứ thà chịu bắt bớ chứ không ủng hộ chiến tranh.

Chúa Giê-su còn cho biết những “trái” nào khác để nhận diện các môn đồ chân chính? Trong bài cầu nguyện thường gọi là Kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su bắt đầu bằng những lời sau: “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!”. Điều đầu tiên Chúa Giê-su cầu nguyện là xin cho danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va được thánh. Tiếp đến, ngài cũng cầu xin là qua Nước Trời, ý định của Đức Giê-hô-va sẽ được thành tựu trên đất. Tôn giáo nào được biết đến vì đã dùng danh Đức Giê-hô-va và loan báo Nước Trời là hy vọng duy nhất mang lại hòa bình cho nhân loại? Nhân Chứng Giê-hô-va rao giảng tin mừng Nước Trời trên 236 nước và phát hành các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh trong hơn 470 thứ tiếng.—Ma-thi-ơ 6:9, 10.

Ngoài ra, Nhân Chứng Giê-hô-va noi gương Chúa Giê-su bằng cách giữ trung lập trong những cuộc tranh chấp chính trị và xã hội. Chúa Giê-su đã nói với cha ngài về các môn đồ: “Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian”. Hơn nữa, các Nhân Chứng tin chắc Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời vì “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị, dạy người trong sự công-bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành”.—Giăng 17:14, 17; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

Sự thờ phượng hoàn toàn khác biệt

Những người thật sự thờ phượng Đức Chúa Trời được nhận diện qua những “trái” sau: yêu thương bất vị kỷ, mong muốn làm thánh danh Đức Giê-hô-va, loan báo về Nước Trời, không thuộc thế gian và đặt niềm tin nơi Kinh Thánh. Những đặc điểm này khiến họ khác với các tín đồ của tôn giáo khác. Một phụ nữ sau vài lần trò chuyện với Nhân Chứng Giê-hô-va đã nhận xét như sau: “Tôi đã tìm hiểu nhiều tôn giáo và nhận thấy họ đều giống nhau. Nhưng chỉ có quý vị là hoàn toàn khác họ”.

Vậy, rõ ràng không phải tất cả các tôn giáo đều giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. Nhưng có một tôn giáo khác hẳn với những tôn giáo khác, đó là Nhân Chứng Giê-hô-va với hơn bảy triệu người trên khắp thế giới. Qua việc truyền bá và theo sát Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh, họ đang thực hiện điều mà không một tôn giáo hoặc tổ chức nào có thể làm được. Đó là hợp nhất những người từ các quốc gia, ngôn ngữ, văn hóa và chủng tộc khác nhau để cùng thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Họ sẵn lòng giúp bạn tìm hiểu về Đức Chúa Trời và những điều Ngài mong đợi nơi bạn. Chắc chắn bạn sẽ an tâm khi thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách đẹp lòng Ngài. Còn ước muốn nào chính đáng hơn?

[Hình nơi trang 14]

Linh mục Chính Thống giáo ban phước cho các tân binh của Ukraine năm 2004

[Nguồn tư liệu]

GENIA SAVILOV/AFP/Getty Images

[Hình nơi trang 15]

Nhân Chứng Giê-hô-va giúp người ta ở khắp nơi tìm hiểu về Đức Chúa Trời và Nước Trời

[Nguồn tư liệu nơi trang 12]

Page 12: Buddhist woman: © Yan Liao/Alamy; Hindu holy man: © imagebroker/Alamy; page 13: Man reading Koran: Mohamed Amin/Camerapix; Jewish man: Todd Bolen/Bible Places.com