Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tôn giáo thật phát huy tình yêu thương lẫn nhau

Tôn giáo thật phát huy tình yêu thương lẫn nhau

Kinh Thánh nói: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Giăng 4:8, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Vì thế, tôn giáo thật giúp người ta yêu nhau như anh em.

Nhiều tôn giáo đã thực hiện những chương trình từ thiện đáng khâm phục như chăm sóc người bệnh, người cao niên và người nghèo. Họ khuyến khích các tín đồ áp dụng lời khuyên sau của sứ đồ Giăng: “Nếu một tín hữu có của cải sung túc, thấy anh em mình thiếu thốn mà không chịu giúp đỡ, làm sao có thể gọi là người có tình thương của Thượng Đế? Các con ơi, đừng yêu thương đầu môi chót lưỡi, nhưng phải thật lòng yêu thương người khác và chứng tỏ tình yêu đó bằng hành động”.—1 Giăng 3:17, 18, Bản Diễn Ý.

Tuy nhiên, khi chiến tranh xảy ra thì sao? Mệnh lệnh của Đức Chúa Trời là “hãy yêu thương người khác như chính mình” chỉ áp dụng trong thời bình thôi hay sao? Còn khi một nhà chính trị hoặc một vị vua quyết định gây chiến với nước khác thì người ta có thể lờ đi mệnh lệnh này không? Chắc hẳn điều đó không hợp lý.—Ma-thi-ơ 22:39, Bản Dịch Mới.

Thật vậy, Chúa Giê-su phán: “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đồ Ta: ấy là nếu các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau!” (Giăng 13:35, Nguyễn Thế Thuấn). Khi xem xét những câu hỏi dưới đây, bạn hãy tự hỏi: “Các thành viên của tôn giáo mà tôi biết có thể hiện tình yêu thương trong mọi hoàn cảnh, không chỉ qua lời nói mà còn qua hành động không?”.

ĐỀ TÀI: Chiến tranh.

ĐIỀU KINH THÁNH DẠY: Chúa Giê-su ban mệnh lệnh này cho các môn đồ: “Ta nói cùng các ngươi, hãy yêu kẻ thù-nghịch các ngươi, và cầu-nguyện cho kẻ bắt-bớ các ngươi”.—Ma-thi-ơ 5:44, Ghi-đê-ôn.

Khi quân lính đến bắt Chúa Giê-su, sứ đồ Phi-e-rơ đã rút gươm ra để bảo vệ ngài. Nhưng ngài phán: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm”.—Ma-thi-ơ 26:52, GKPV.

Về sau, sứ đồ Giăng cũng viết: “Con cái Thiên Chúa và con cái ma quỉ cách biệt nhau ở điểm này: những kẻ không chính trực không thương yêu anh em mình thì chẳng phải do Thiên Chúa mà ra. Vậy, đây là lời tuyên ngôn mà anh em đã nghe từ đầu rằng anh em hãy thương yêu nhau, đừng như Ca-in vì độc ác mà giết em mình”.—1 Giăng 3:10-12, Trần Đức Huân.

CÂU HỎI: Tôn giáo này có khuyến khích các tín đồ tham gia chiến tranh không?

ĐỀ TÀI: Chính trị.

ĐIỀU KINH THÁNH DẠY: Sau khi chứng kiến Chúa Giê-su làm các phép lạ, một số người muốn mời ngài tham gia vào việc chính trị. Ngài phản ứng thế nào? “Đức Giê-su biết họ sắp tới ép Người làm vua, nên Người lại trốn lên trên núi một mình”.—Giăng 6:15, An Sơn Vị.

Khi bị bắt và bị buộc tội là chống chính quyền, Chúa Giê-su cho biết: “Vương quốc Ta không thuộc thế gian nầy. Nếu vương quốc Ta thuộc thế gian nầy, các môn đệ Ta đã chiến đấu để Ta khỏi bị nộp vào tay người Do Thái. Không, vương quốc Ta không thuộc thế gian nầy”.—Giăng 18:36, BDM.

Khi cầu nguyện cho các sứ đồ, Chúa Giê-su thưa với Cha ngài: “Con đã truyền lời Cha cho họ, nên người đời thù ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian”.—Giăng 17:14, BDY.

CÂU HỎI: Tôn giáo này có noi theo gương Chúa Giê-su và tránh dính líu đến chính trị, ngay cả khi họ bị một số nhà chính trị thù ghét?

ĐỀ TÀI: Thành kiến.

ĐIỀU KINH THÁNH DẠY: Thời xưa, có những người không phải là người Do Thái và không giữ theo luật pháp Môi-se nhưng cũng có thể trở thành môn đồ Chúa Giê-su. Vì thế, sứ đồ Phi-e-rơ nhận xét: “Quả thật, tôi biết Thiên Chúa không thiên vị ai. Nhưng chẳng kỳ trong dân tộc nào, hễ có ai kính sợ Chúa và thực hành đức công chính thì được đẹp lòng Chúa”.—Công-vụ 10:34, 35, Trịnh Văn Căn.

Sứ đồ Gia-cơ đã viết cho các môn đồ thời thế kỷ thứ nhất: “Thưa anh chị em, đã là tín đồ của Chúa Cứu Thế Giê-su vinh quang, Chúa chúng ta, anh chị em đừng thiên vị ai cả. Nếu có người đeo nhẫn vàng, ăn mặc sang trọng vào hội đường của anh chị em, lại có người nghèo khổ, ăn mặc rách rưới cũng vào. Anh chị em nhìn người ăn mặc sang trọng và nói: “Mời ông ngồi đây là chỗ tử tế,” nhưng lại bảo người nghèo khổ: “Anh hãy đứng đó hoặc ngồi dưới bệ chân tôi!” Thế có phải anh chị em kỳ thị lẫn nhau và lấy ác ý mà xét người không?”.—Gia-cơ 2:1-4, BDM.

CÂU HỎI: Tôn giáo này có dạy rằng mọi người đều bình đẳng trước mắt Đức Chúa Trời, và các tín đồ không kỳ thị lẫn nhau vì khác chủng tộc hoặc tình trạng kinh tế?

Tôn giáo nào giúp các tín đồ vượt qua những rào cản về chính trị, chủng tộc và kinh tế?