Quan điểm 2: Người ác bị hành phạt dưới hỏa ngục
Quan điểm này bắt nguồn từ đâu?
“Trong số những triết gia Hy Lạp thời xưa, người có nhiều ảnh hưởng nhất đến quan điểm phổ biến về địa ngục là ông Plato”.—Lịch sử về điạ ngục (Histoire des enfers), của ông Georges Minois, trang 50.
“Từ giữa thế kỷ thứ hai công nguyên, những môn đồ nào của Chúa Giê-su đã được học về vài triết lý Hy Lạp bắt đầu cảm thấy cần thể hiện đức tin theo triết lý đó... Triết lý mà họ dễ chấp nhận nhất là học thuyết Plato”.—Tân bách khoa từ điển Anh Quốc (The New Encyclopædia Britannica, 1988), tập 25, trang 890.
“Hội Thánh dạy rằng có Hỏa ngục và án phạt đời đời. Ngay sau khi chết, linh hồn kẻ còn mắc tội trọng sẽ xuống Hỏa ngục chịu cực hình “lửa đời đời”... Cực hình chính của Hỏa ngục là đời đời bị tách khỏi Thiên Chúa”.—Giáo lý Hội thánh Công giáo, xuất bản năm 1997, trang 342.
Kinh Thánh cho biết gì?
“Những người sống biết mình sẽ chết, còn những kẻ chết thì không biết gì nữa... vì rồi đây, trong âm phủ là nơi bạn sẽ tới, sẽ không còn làm việc, không còn hiểu biết, không còn thông minh, không còn khôn ngoan nữa”.—Người Giảng Thuyết 9:5, 10, Trịnh Văn Căn.
Câu Kinh Thánh trên tiết lộ điều gì về tình trạng của người chết? Họ có bị hành phạt tại âm phủ để chuộc lại tội của mình? Chắc chắn không, vì họ “không biết gì nữa”. Vì thế, khi tộc trưởng Gióp mắc phải căn bệnh nặng, ông nài xin Đức Chúa Trời: “Cầu Chúa giấu tôi nơi âm-phủ” (Gióp 14:13, Trần Đức Huân). Lời cầu xin này có ý nghĩa không nếu âm phủ là một nơi hành phạt đời đời? Theo Kinh Thánh, âm phủ chỉ là mồ chung của nhân loại, nơi không có bất cứ hoạt động nào.
Chẳng phải sự giải thích này rất hợp lý sao? Tuy nhiên, khi một người phạm tội rất nặng thì Đức Chúa Trời của tình yêu thương hành phạt người ấy mãi mãi không? (1 Giăng 4:8). Nếu hỏa ngục là quan điểm sai, còn thiên đàng thì sao?
Hãy so sánh những câu Kinh Thánh này: Thi-thiên 146:3, 4; Công-vụ 2:25-27; Rô-ma 6:7, 23
SỰ THẬT:
Đức Chúa Trời không hành phạt người ta trong hỏa ngục