Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Danh Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, trong một ngôi đền Ai Cập

Danh Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, trong một ngôi đền Ai Cập

Danh Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, trong một ngôi đền Ai Cập

Ngoài Kinh Thánh, danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va hoặc Yavê xuất hiện từ lúc nào trong lịch sử? Một số học giả trả lời một cách tự tin: Khoảng thế kỷ 14 trước công nguyên (TCN). Tại sao họ lại nói thế?

Đến khoảng năm 1370 TCN, người Ai Cập đã chinh phục được nhiều vùng đất. Vua của Ai Cập lúc bấy giờ là Amenhotep (Amenophis) III, xây dựng một đền thờ nguy nga tại Soleb trong vùng Nubia, nay là Sudan. Khi khám phá ra đền thờ này, các nhà khảo cổ tìm thấy các chữ tượng hình của Ai Cập cổ đại dường như là bốn mẫu tự Do Thái: YHWH, tức Giê-hô-va. Các chữ khắc này có trước bia đá nổi tiếng là “Bia đá Mô-áp” khoảng 500 năm, một cổ vật trước đó được xem là lâu đời nhất có khắc danh Đức Chúa Trời. Tại sao danh Đức Chúa Trời của Kinh Thánh dường như được khắc trong một ngôi đền của Ai Cập?

“Vùng Shasu của Jahu”

Pharaoh Amenhotep III dâng hiến đền thờ mà ông xây cho thần Amun-Ra. Đền thờ này dài khoảng 120m, nằm trên bờ tây sông Ni-lơ. Trên bệ các cột trong một gian của ngôi đền được trang trí bằng các chữ viết tượng hình Ai Cập, có liệt kê tên những vùng đất mà Amenhotep nói rằng ông đã chinh phục. Mỗi hình khắc tù nhân tượng trưng cho mỗi vùng, tay bị trói sau lưng và mang khiên có khắc tên vùng hoặc dân tộc của tù nhân ấy. Trong các chữ tượng hình đó có tên của những vùng đất thuộc một số bộ tộc gọi là Shasu hoặc Shosou. Vậy người Shasu là ai?

Shasu là tên chung mà người Ai Cập đặt cho dân du mục ở Ả Rập, những bộ tộc bị coi khinh, sống bên ngoài biên giới phía đông Ai Cập. Lãnh thổ của Shasu gồm miền nam Pha-lê-tin, miền nam Transjordan và Si-na-i. Một số nhà nghiên cứu nói rằng những vùng đất đã được mô tả là thuộc về người Shasu trải dài về phía bắc đến Lebanon và Syria. Danh sách các vùng đất bị chinh phục mà người ta thấy ở Soleb, bao gồm một vùng đất được đọc theo những cách khác nhau như: “Yahwe trong xứ Shosou”, “Vùng Shasu của Jahu” hoặc “Vùng đất của Shasu-yhw. Nhà nghiên cứu Ai Cập cổ đại là ông Jean Leclant nói rằng tên khắc trên cái khiên tại Soleb “tương ứng với bốn ký tự tiêu biểu cho danh vị thần của Kinh Thánh, YHWH”.

Phần lớn các học giả tin rằng tên gọi Jahu, Yahu hoặc Yahwe trong danh sách trên và các văn cảnh tương tự hẳn ám chỉ đến một nơi hoặc một địa hạt. Học giả Shmuel Ahituv nói rằng chữ khắc đó giúp nhận ra “vùng đất mà những người thờ phượng Yāhū (Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên) đã sống du mục” *. Nếu lời kết luận của ông là đúng thì tên vùng đất này là một trong số nhiều trường hợp mà người Xê-mít thời xưa dùng để cho biết về địa điểm và thần của vùng đất đó. Một trường hợp khác là Assur, từ này chỉ về vùng đất A-si-ri và vị thần tối cao của họ.

Về chữ khắc tại đền thờ ở Nubia, học giả và nhà khảo cổ về Kinh Thánh là ông Roland de Vaux cho biết: “Trong một vùng mà tổ tiên của dân Y-sơ-ra-ên có nhiều ảnh hưởng, ngay từ giữa thiên niên kỷ thứ hai TCN, tên vùng hoặc bộ tộc rất giống, nếu không muốn nói là giống hệt, với danh Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên”.

Một danh vẫn được tôn kính

Soleb không chỉ là nơi duy nhất ở Nubia có danh Yahwe dưới dạng chữ tượng hình của người Ai Cập. Dường như bản sao của danh sách tại Soleb cũng được thấy tại các ngôi đền của Ramses II tại Amarah West và Aksha. Trong danh sách ở Amarah, cụm từ “Yahwe tại vùng Shosou” bằng chữ tượng hình rất giống với những cụm từ về các vùng đất khác của Shosou mà được cho là vùng Sê-i-rơ và La-ban. Kinh Thánh liên kết những vùng đó với Pha-lê-tin, Ê-đôm và Si-na-i (Sáng-thế Ký 36:8; Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:1). Đó là vùng đất mà những người biết và thờ phượng Đức Giê-hô-va thường xuyên qua lại trước và sau khi dân Y-sơ-ra-ên tạm trú tại Ai Cập.—Sáng-thế Ký 36:17, 18; Dân-số Ký 13:26.

Không như tên của các thần khác xuất hiện trong các chữ khắc xưa, danh Đức Chúa Trời của Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va, vẫn còn được tôn kính và sử dụng rộng rãi. Chẳng hạn, trong hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn bảy triệu Nhân Chứng Giê-hô-va dành thời gian để giúp người khác không chỉ biết về danh Đức Chúa Trời mà còn đến gần Ngài, Đấng mang danh độc nhất vô nhị là Giê-hô-va.—Thi-thiên 83:18; Gia-cơ 4:8.

[Chú thích]

^ đ. 7 Một số học giả không nghĩ rằng những chữ tượng hình này ám chỉ Shasu “là những người thờ thần Yahweh”. Họ tin là tên vùng đất mà người ta không biết đến này có lẽ chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng lý thú, với danh Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên.

[Câu nổi bật nơi trang 21]

Tại sao Giê-hô-va, danh Đức Chúa Trời của Kinh Thánh được khắc trong một ngôi đền ngoại giáo của Ai Cập?

[Bản đồ nơi trang 21]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

AI CẬP

Đền thờ tại Soleb

SUDAN

Sông Ni-lơ

[Các hình nơi trang 21]

Mô hình trụ đền thờ

[Hình nơi trang 22]

Tàn tích của đền thờ Amun-Ra tại Soleb, Sudan

[Nguồn tư liệu]

Ed Scott/Pixtal/age fotostock

[Nguồn hình ảnh nơi trang 21]

Background: Asian and Middle Eastern Division/The New York Public Library/Astor, Lenox and Tilden Foundations