Mỹ phẩm vào thời Kinh Thánh
Sau khi tắm, người phụ nữ dùng dầu thơm thoa lên làn da mịn màng của mình. Rồi nàng mở hộp trang sức nhiều màu sắc, trong đó có đủ loại chai và lọ nhỏ bằng thủy tinh, ngà voi, vỏ sò hoặc bằng đá. Trong những đồ vật này, nàng có nhiều loại dầu và nước hoa. Những loại này có hương thoang thoảng của nhũ hương, bạch đậu khấu, nhục quế, mật ong, một dược v.v.
Từ trong hộp, người phụ nữ lấy ra vài cái muỗng, đĩa và chén được chạm trổ tinh xảo. Nàng dùng nó để trộn hương liệu đã chọn cho ngày hôm đó. Ngắm nghía trong gương đồng, nàng bắt đầu trau chuốt nhan sắc mình.
Dường như từ thời xa xưa, phụ nữ rất thích làm đẹp. Các hình vẽ trong ngôi mộ cổ, các bức tranh vẽ trên tường và tranh khảm đều cho thấy việc dùng mỹ phẩm rất phổ biến giữa người Mê-sô-bô-ta-mi và Ai Cập cổ. Những tranh vẽ cho thấy người nữ Ai Cập trang điểm đậm, đánh phấn đen lên mắt hình quả hạnh. Đó là điều người ta rất thích thời bấy giờ.
Còn người Y-sơ-ra-ên thì sao? Phụ nữ Y-sơ-ra-ên thời xưa có dùng mỹ phẩm không? Nếu có, họ dùng loại nào? Dĩ nhiên, không có tranh vẽ tường hoặc tranh vẽ trong ngôi mộ từ thời Y-sơ-ra-ên xưa cho chúng ta biết điều đó. Nhưng, chúng ta có thể biết đôi điều về việc dùng mỹ phẩm vào thời xưa khi xem xét một số lời tường thuật trong Kinh Thánh cũng như những vật khảo cổ tìm được ở các vùng được đề cập trong Kinh Thánh.
Dụng cụ
Vô số đồ vật dùng cho mỹ phẩm và dầu thơm đã được tìm thấy trong những cuộc khai quật khắp xứ Y-sơ-ra-ên. Trong đó có các chén đá dùng để tán và trộn vật liệu mỹ phẩm, lọ nước hoa hình củ cà rốt, loại khác bằng thạch cao tuyết hoa dùng chứa dầu và gương cầm tay bằng đồng bóng loáng. Một cái muỗng bằng ngà voi, một bên tay cầm chạm hình lá cọ, bên kia chạm nhiều chim bồ câu bay xung quanh đầu một phụ nữ.
Vỏ sò có trang trí dùng để chứa mỹ phẩm dường như phổ biến trong giới thượng lưu. Những muỗng nhỏ bằng ngà voi hoặc gỗ, một số có hình dạng cô gái đang bơi và nhiều hoa văn tinh xảo khác, cũng được tìm thấy ở Ai Cập và Ca-na-an. Tất cả những điều này chứng tỏ phụ nữ thời xưa chuộng mỹ phẩm đến mức nào.
Mỹ phẩm cho mắt
Vào thời Kinh Thánh, một trong các con gái của Gióp tên là Kê-ren-Ha-búc. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, tên này có thể nghĩa là “sừng của phấn đen (mắt)”. Cụm từ này ám chỉ hộp đựng mỹ phẩm, có lẽ chứa phấn đen dùng để đánh mắt (Gióp 42:14). Tên ấy có thể nói đến vẻ đẹp của cô, nhưng dường như cũng ám chỉ mỹ phẩm được dùng vào thời đó.
Điều đáng chú ý là khi Kinh Thánh đề cập đến việc đánh mắt thì luôn liên quan đến những phụ nữ có tiếng xấu như hoàng hậu 2 Các Vua 9:30; Giê-rê-mi 4:30; Ê-xê-chi-ên 23:40). Qua các cuộc khai quật, người ta tìm thấy nhiều vật đựng bằng thủy tinh hoặc bằng đá, trong đó có cây nhỏ dùng để đánh mắt với phấn đen. Đó là bằng chứng cho thấy nhiều phụ nữ trong nước Y-sơ-ra-ên bội đạo, đặc biệt là phụ nữ thuộc hoàng tộc và giới giàu sang, đã bắt đầu bắt chước việc trang điểm mắt đậm với phấn đen và các loại mỹ phẩm khác.
độc ác Giê-sa-bên, cũng như thành Giê-ru-sa-lem bất trung bị nhà tiên tri Giê-rê-mi và Ê-xê-chi-ên miêu tả là phạm tội tà dâm (Dầu thơm dùng trong sự thờ phượng hoặc đời thường
Việc chế tạo và dùng dầu thơm với thành phần chính là dầu ô-liu đã có từ lâu tại nước Y-sơ-ra-ên xưa. Trong Kinh Thánh, sách Xuất Ê-díp-tô Ký có công thức để làm dầu thơm mà các thầy tế lễ dùng trong công việc tại đền thờ. Đó là một hỗn hợp gồm nhục quế, một dược và các loại cây có hương thơm khác (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:22-25). Tại Giê-ru-sa-lem, các nhà khảo cổ nghĩ rằng họ đã tìm thấy xưởng chế tạo dầu thơm và hương cho đền thờ vào thế kỷ thứ nhất công nguyên (CN). Nhiều lần Kinh Thánh đề cập đến dầu thơm được dùng trong sự thờ phượng lẫn đời thường.—2 Sử-ký 16:14; Lu-ca 7:37-46; 23:56.
Nước rất khan hiếm ở vùng đó, nên dầu thơm cũng được dùng để giữ vệ sinh cá nhân. Dầu không chỉ được dùng để bảo vệ da trong thời tiết nóng khô mà còn để làm da đẹp hơn (Ru-tơ 3:3; 2 Sa-mu-ên 12:20). Trước khi trình diện vua A-suê-ru, thiếu nữ Do Thái tên Ê-xơ-tê đã được chăm sóc da trong 12 tháng, 6 tháng mát-xa với dầu một dược rồi 6 tháng kế tiếp với nhũ hương.—Ê-xơ-tê 2:12.
Dầu thơm đã là món hàng rất quý, có giá trị ngang với bạc và vàng. Chẳng hạn, khi nữ vương Sê-ba thực hiện chuyến đi xa đến thăm vua Sa-lô-môn, bà mang theo những món quà có giá trị gồm vàng, đá quý và nhũ hương (1 Các Vua 10:2, 10). Khi vua Ê-xê-chia cho sứ thần Ba-by-lôn xem những vật quý trong cung, thì “thuốc thơm [hay “nhũ hương”], dầu báu” được xếp chung với bạc, vàng và toàn bộ khí giới.—Ê-sai 39:1, 2.
Người ta chỉ chiết xuất được một lượng nhỏ dầu hoặc hương thơm từ các loại hoa, trái cây, lá, nhựa hoặc vỏ cây. Kinh Thánh đề cập đến nhiều loại cây có hương thơm, như lư hội, nhũ hương, hương xương bồ, quế bì, nhục quế, hương trầm, một dược, nghệ tây và cam tùng. Một số cây này từng có trong bản địa và mọc ở thung lũng Giô-đanh. Những cây khác thì nhập qua con đường mua bán hương liệu nổi tiếng từ Ấn Độ, Nam Ả Rập và các nơi khác.
Nhũ hương bí ẩn
Nhũ hương được đề cập trong Kinh Thánh qua lời tường thuật về hoàng hậu Ê-xơ-tê, nữ vương Sê-ba và vua Ê-xê-chia, như được nói ở trên. Năm 1988, người ta tìm thấy một bình dầu nhỏ trong cái hang gần Qumran tại bờ biển phía tây của Biển Chết. Điều này làm nảy sinh nhiều suy đoán. Đây có phải là mẫu cuối cùng của loại dầu nổi tiếng này không? Các nhà nghiên cứu không biết chắc chắn. Cho đến nay, người ta cố gắng trồng lại loại cây đã một thời nổi tiếng này.
Dường như bằng chứng cho thấy cây chế biến nhũ hương được đề cập trong Kinh Thánh đã được bào chế ở xung quanh thành Ên-ghê-đi. Các cuộc khai quật phát hiện những lò nung, lọ và nhiều đồ vật bằng kim loại và bằng xương từ thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, tương tự những đồ vật được tìm thấy trong các vùng chế tạo dầu thơm. Hầu hết các học giả tin rằng cây chế biến nhũ hương xuất xứ từ Ả Rập hoặc châu Phi. Nhựa cây được dùng để chế biến ra hương thơm này. Nhũ hương có giá trị cao đến nỗi các phương pháp trồng và sản xuất được giấu kín.
Nhũ hương thậm chí được dùng trong các cuộc thương lượng về chính trị. Chẳng hạn, theo sử gia Josephus, Mark Antony lấy được một khu rừng trồng toàn loại cây quý này và dùng nó làm quà cho nữ hoàng Ai Cập Cleopatra. Sử gia La Mã tên Pliny cho biết trong trận chiến của người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất CN, người Do Thái toan hủy tất cả loại cây này để quân La Mã thắng trận không thể chiếm đoạt chúng.
Kinh Thánh và những phát hiện của các nhà khảo cổ cho chúng ta cái nhìn sơ lược về cách dùng mỹ phẩm vào thời Kinh Thánh. Thay vì lên án việc dùng mỹ phẩm và đồ trang sức, Kinh Thánh nhấn mạnh rằng những thứ ấy nên được dùng cách khiêm tốn và biết suy xét (1 Ti-mô-thê 2:9). Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết “điều gì có giá trị lớn trước mắt Đức Chúa Trời” là “tính tình mềm mại và điềm đạm”. Trước sự thay đổi không ngừng của các mốt thời nay, chắc chắn lời khuyên này hữu ích cho nữ tín đồ đạo Đấng Ki-tô, trẻ lẫn già.—1 Phi-e-rơ 3:3, 4.