Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ

Ông “đồng đi cùng Đức Chúa Trời”

Ông “đồng đi cùng Đức Chúa Trời”

Nô-ê ưỡn ngực và duỗi cơ bắp đau mỏi của mình. Hãy hình dung ông ngồi trên cái đà gỗ to, nghỉ tay một chút và nhìn cấu trúc của chiếc tàu khổng lồ. Mùi chai trét tàu nồng nặc hòa vào không khí, âm thanh dụng cụ làm mộc vang dội khắp nơi. Từ chỗ ngồi, Nô-ê có thể nhìn thấy các con chăm chỉ làm việc ở những phần khác của tàu. Con trai, con dâu và vợ yêu dấu của ông chung sức làm việc này trong hàng thập niên rồi. Họ đã hoàn thành nhiều công việc nhưng trước mắt vẫn còn nhiều điều phải làm!

Người dân trong vùng nghĩ rằng cả gia đình ông rất ngu xuẩn. Chiếc tàu dần dần được đóng thành hình thì người ta càng chế nhạo về lời của Nô-ê là sẽ có trận Nước Lụt tràn khắp đất. Họ xem thảm họa mà ông Nô-ê liên tục cảnh báo là hết sức phi lý và ngớ ngẩn! Họ không thể hiểu tại sao một người lại lãng phí đời mình, cũng như đời sống của gia đình, để dồn sức vào việc vớ vẩn như thế. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời của Nô-ê, Đức Giê-hô-va, không xem ông như vậy.

Lời của Đức Chúa Trời là Kinh Thánh nói: “Nô-ê... đồng đi cùng Đức Chúa Trời” (Sáng-thế Ký 6:9). Điều này có nghĩa gì? Nô-ê hết lòng vâng lời và yêu thương Đức Chúa Trời nhiều đến mức ông và ngài là hai người bạn. Hàng ngàn năm sau, Kinh Thánh nói về Nô-ê: ‘Qua đức tin của mình, ông kết án thế gian’ (Hê-bơ-rơ 11:7). Như thế nào? Ngày nay, chúng ta có thể học điều gì qua đức tin của ông?

MỘT NGƯỜI CÔNG CHÍNH GIỮA THẾ GIAN HUNG ÁC

Nô-ê lớn lên trong một thế gian ngày càng suy đồi. Nó đã tệ hại trong thời ông cố của Nô-ê là Hê-nóc, cũng là người công chính đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Hê-nóc tiên tri rằng ngày phán xét sắp xảy ra với những người khinh thường Đức Chúa Trời. Giờ đây, vào thời Nô-ê, sự gian ác càng tệ hại hơn nhiều. Thật ra, theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, trái đất lúc đó bại hoại vì đầy dẫy sự hung bạo (Sáng-thế Ký 5:22; 6:11; Giu-đe 14, 15). Tại sao tình trạng tệ hại nhiều đến như vậy?

Một thảm kịch đã xảy ra trong vòng các con thần linh của Đức Chúa Trời, tức thiên sứ. Một trong các thiên sứ này từng chống lại Đức Giê-hô-va, trở thành Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt qua việc vu khống Đức Chúa Trời, dụ dỗ A-đam và Ê-va phạm tội. Vào thời của Nô-ê, một số thiên sứ khác bắt đầu phản nghịch Đức Giê-hô-va. Rời bỏ vị trí ở trên trời, họ xuống đất, mặc hình người và lấy phụ nữ xinh đẹp làm vợ. Những thiên sứ phản loạn, kiêu ngạo, ích kỷ này đã gây ảnh hưởng tai hại đến con người.—Sáng-thế Ký 3:1-5; 6:1, 2; Giu-đe 6, 7.

Hơn nữa, việc ăn ở trái tự nhiên giữa các thiên sứ và người nữ đã sinh ra giống con lai có hình dạng và sức mạnh lạ thường. Kinh Thánh gọi họ là những người “cao-lớn”. Trong tiếng nguyên thủy, giống “người cao-lớn” này được gọi là “Nê-phi-lim”, nghĩa là “kẻ đánh ngã”. Những kẻ bắt nạt độc ác này khiến tình trạng thế gian càng tệ hơn. Vậy, không ngạc nhiên khi Đấng Tạo Hóa “thấy sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn”. Đức Giê-hô-va quyết định sẽ tẩy sạch xã hội gian ác ấy trong vòng 120 năm nữa.—Sáng-thế Ký 6:3-5.

Vợ chồng Nô-ê phải bảo vệ các con mình khỏi những ảnh hưởng bại hoại

Hãy tưởng tượng việc chăm lo cho gia đình hẳn khó khăn thế nào! Nhưng Nô-ê đã làm được. Ông tìm được một người vợ đảm đang. Sau khi Nô-ê 500 tuổi, vợ sinh cho ông ba con trai tên là Sem, Cham, Gia-phết *. Vợ chồng Nô-ê cùng bảo vệ các con khỏi những ảnh hưởng bại hoại xung quanh. Các cậu bé có khuynh hướng rất ngưỡng mộ những người “mạnh-dạn” và “anh-hùng có danh”, giống người Nê-phi-lim. Hai vợ chồng Nô-ê khó canh chừng các con trong việc nghe từng chuyện liên quan đến những người khổng lồ này, nhưng họ có thể dạy chúng biết sự thật về Giê-hô-va Đức Chúa Trời, đấng ghét mọi sự gian ác. Họ phải giúp các con biết rằng Đức Giê-hô-va đau lòng khi thấy nạn bạo lực và sự phản loạn lan tràn khắp thế gian.—Sáng-thế Ký 6:6.

Có lẽ các bậc cha mẹ ngày nay rất thông cảm với vợ chồng Nô-ê. Thế gian này cũng bị tiêm nhiễm sự bạo động và phản loạn. Thậm chí các hình thức giải trí nhắm vào người trẻ đầy dẫy đề tài như vậy. Cha mẹ khôn ngoan cố gắng hết sức để đối phó với các ảnh hưởng như thế qua việc dạy con về Đức Chúa Trời của sự bình an, Đức Giê-hô-va, đấng sẽ chấm dứt mọi nạn bạo lực vào một ngày gần đây (Thi-thiên 11:5; 37:10, 11). Vợ chồng Nô-ê đã thành công trong việc này nên các bậc cha mẹ cũng có thể thành công! Các con của họ trở thành người tốt, kết hôn với người sẵn sàng đặt Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống.

“HÃY ĐÓNG MỘT CHIẾC TÀU”

Một ngày nọ, đời sống của Nô-ê đã thay đổi mãi mãi. Đức Giê-hô-va cho Nô-ê, người thờ phượng yêu dấu của ngài, biết ý định chấm dứt thế gian này. Đức Chúa Trời ra chỉ thị cho Nô-ê: “Hãy đóng một chiếc tàu bằng cây gô-phe”, loại cây có nhựa.—Sáng-thế Ký 6:14.

Chiếc tàu này không giống chiếc tàu bình thường, như một số người nghĩ. Nó không có đuôi, mũi, bánh lái, hình dạng uốn cong. Đơn giản chỉ là một cái hộp to lớn. Đức Giê-hô-va cho Nô-ê biết kích cỡ cụ thể của chiếc tàu, một số chi tiết liên quan đến cách thiết kế, và hướng dẫn việc trét chai bên trong lẫn bên ngoài tàu. Rồi ngài cho Nô-ê biết tại sao phải làm như vậy: “Ta sẽ dẫn nước lụt khắp trên mặt đất,... hết thảy vật chi ở trên mặt đất đều sẽ chết hết”. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va hướng dẫn Nô-ê: “Ngươi và vợ, các con và các dâu của ngươi, đều hãy vào tàu”. Nô-ê cũng phải đưa các con vật đại diện cho mỗi loài vào tàu. Chỉ những ai hoặc con vật nào vào tàu thì mới được sống sót qua trận Nước Lụt sắp đến!—Sáng-thế Ký 6:17-20.

Trước mặt Nô-ê có một việc quá lớn. Chiếc tàu khổng lồ này sẽ dài khoảng 133m, rộng 22m, cao 13m. Nó lớn hơn rất nhiều so với các chiếc tàu gỗ lớn nhất, ngay cả trong thời hiện đại. Liệu Nô-ê có trốn tránh nhiệm vụ, than phiền về những khó khăn ấy, hoặc thay đổi chi tiết để ông dễ làm hơn? Kinh Thánh giải đáp: “Nô-ê làm các điều nầy y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn”.—Sáng-thế Ký 6:22.

Công việc này diễn ra hàng thập niên, có lẽ 40 đến 50 năm. Phải đốn cây, kéo về, chẻ ra, đẽo rồi nối lại với nhau. Chiếc tàu này có ba tầng, một số phòng và một cửa bên hông. Có nhiều cửa sổ dọc đỉnh tàu, cũng như có một mái che, có thể hơi nhô lên ở giữa để nước chảy xuống.—Sáng-thế Ký 6:14-16.

Nhiều năm trôi qua và chiếc tàu dần dần ra hình dạng. Nô-ê hẳn rất vui mừng vì được gia đình hỗ trợ! Có lẽ một thách đố khác còn khó hơn việc đóng tàu. Kinh Thánh cho chúng ta biết Nô-ê là “người rao giảng sự công chính” (2 Phi-e-rơ 2:5). Ông đã can đảm dẫn đầu việc cảnh báo người ta về sự hủy diệt sắp ập xuống xã hội gian ác, khinh thường Đức Chúa Trời. Họ đã phản ứng thế nào? Chúa Giê-su Ki-tô nhắc lại về thời đó khi nói những người này “không để ý gì hết”. Ngài cho biết họ quá lo lắng về các công việc thường ngày—ăn uống, cưới gả—đến nỗi không để ý đến lời khuyên của Nô-ê (Ma-thi-ơ 24:37-39). Chắc chắn nhiều người đã chế giễu ông và gia đình. Có lẽ một số còn đe dọa, kịch liệt chống đối ông.

Dù thấy rõ Đức Chúa Trời ban phước cho Nô-ê, nhưng người ta chế giễu và lờ thông điệp của ông

Nhưng Nô-ê và gia đình không bao giờ bỏ cuộc. Dù thế gian xem mục tiêu chính của gia đình Nô-ê, việc đóng tàu, là điều vô ích và ngu xuẩn, nhưng họ vẫn tiếp tục công việc ấy. Gia đình tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay có thể học được nhiều điều từ đức tin của Nô-ê và gia đình ông. Suy cho cùng, chúng ta sống trong thời kỳ mà Kinh Thánh gọi là “những ngày sau cùng” của thế gian này (2 Ti-mô-thê 3:1). Chúa Giê-su nói thời của chúng ta cũng sẽ giống như thời mà Nô-ê đóng tàu. Nếu thế gian này phản ứng trước thông điệp của Nước Đức Chúa Trời một cách thờ ơ, chế giễu hoặc ngay cả ngược đãi chúng ta, thì tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên nhớ đến Nô-ê. Họ không phải là người đầu tiên đối mặt với thách đố như thế.

“HÃY VÀO TÀU”

Nhiều thập niên trôi qua, chiếc tàu từ từ hoàn chỉnh. Khi Nô-ê gần 600 tuổi, ông phải đối mặt với sự mất mát. Cha ông là Lê-méc qua đời *. Sau 5 năm, cha của Lê-méc, ông nội của Nô-ê là Mê-tu-sê-la, qua đời ở tuổi 969, kết thúc đời sống lâu nhất theo Kinh Thánh (Sáng-thế Ký 5:27). Cả Mê-tu-sê-la và Lê-méc sống cùng thời với người đầu tiên là A-đam.

Cùng năm ấy, tộc trưởng Nô-ê nhận một chỉ thị mới từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời: “Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào tàu”. Đồng thời Đức Chúa Trời bảo Nô-ê đem mỗi loài thú vào tàu. Đối với loài tinh sạch, dùng làm tế lễ, thì đem bảy con, những loài còn lại thì hai con.—Sáng-thế Ký 7:1-3.

Hẳn là một cảnh tượng đáng kinh ngạc. Từ phía chân trời, hàng trăm con vật lũ lượt nối tiếp nhau, con thì đi, con thì bay, trườn, đi lạch bạch, ì ạch. Những con này có nhiều kích cỡ, hình dạng và đặc tính khác nhau. Chúng ta không cần tưởng tượng việc Nô-ê phải nỗ lực dồn các con thú, la hét, vuốt ve những dã thú để chúng đi vào tàu, một nơi chật hẹp. Lời tường thuật cho biết các thú vật “đều đến cùng Nô-ê mà vào tàu”.—Sáng-thế Ký 7:9.

Có lẽ một số người hoài nghi hỏi: “Làm sao điều này có thể xảy ra? Làm sao những con vật này sống hòa thuận trong một nơi chật hẹp như vậy?”. Hãy xem: Có phải quyền năng của Đấng Tạo Hóa vũ trụ không thể kiểm soát những loài vật do ngài tạo ra, ngay cả thuần hóa chúng nếu cần? Hãy nhớ rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời đã rẽ Biển Đỏ và khiến mặt trời đứng yên. Chẳng phải ngài có thể thực hiện mọi điều được miêu tả trong lời tường thuật của Nô-ê sao? Dĩ nhiên là được, và ngài đã làm thế!

Đành rằng, Đức Chúa Trời có thể cứu sống các con vật do ngài tạo ra theo cách khác. Tuy nhiên, ngài đã khôn ngoan dùng một cách để nhắc nhở chúng ta về sự tin cậy mà ban đầu ngài đã dành cho con người khi giao họ nhiệm vụ chăm sóc mọi sinh vật trên đất (Sáng-thế Ký 1:28). Thế nên, nhiều bậc cha mẹ ngày nay dùng câu chuyện của Nô-ê để dạy con mình biết Đức Giê-hô-va quý con người cũng như các loài thú do ngài tạo ra.

Đức Giê-hô-va bảo Nô-ê rằng trận Nước Lụt sẽ xảy ra trong một tuần nữa. Hẳn gia đình rất tất bật! Hãy hình dung việc sắp xếp mọi loài vật và thức ăn cho chúng trên tàu, rồi mang tài sản của gia đình lên tàu. Vợ Nô-ê cùng các con dâu có thể chú tâm đến việc làm chiếc tàu trở nên một nơi thoải mái cho gia đình.

Những người xung quanh đã làm gì? Họ vẫn “không để ý gì hết”, dù trước mặt họ có mọi chứng cớ cho thấy Đức Giê-hô-va đang ban phước cho Nô-ê và những nỗ lực của ông. Họ chứng kiến cảnh các con vật lũ lượt kéo nhau vào tàu. Tuy nhiên, chúng ta không nên ngạc nhiên trước sự thờ ơ của họ. Ngày nay người ta không để ý đến bằng chứng là chúng ta hiện đang sống trong những ngày sau cùng của thế gian này. Như Phi-e-rơ đã tiên tri, những kẻ chế giễu buông lời nhạo báng, châm biếm những người chú ý đến lời cảnh báo của Đức Chúa Trời (2 Phi-e-rơ 3:3-6). Chắc chắn người ta cũng chế giễu Nô-ê và gia đình ông như thế.

Khi nào sự chế giễu ấy không còn nữa? Lời tường thuật cho biết là khi Nô-ê đưa gia đình cùng thú vật vào tàu, “Đức Giê-hô-va đóng cửa tàu lại”. Nếu có kẻ chế giễu nào ở gần đó thì hẳn họ nín lặng khi thấy hành động này của Đức Chúa Trời. Nếu không thì chắc họ nín lặng khi mưa trút xuống! Và mưa cứ thế trút xuống, trút xuống và trút xuống, ngập lụt thế gian, như Đức Giê-hô-va đã nói.—Sáng-thế Ký 7:16-21.

Đức Giê-hô-va có vui không khi những kẻ ác ấy chết? Dĩ nhiên không! (Ê-xê-chi-ên 33:11). Ngược lại, ngài cho họ mọi cơ hội để thay đổi lối sống và làm điều đúng. Họ có thể làm thế không? Lối sống của Nô-ê trả lời câu hỏi này. Qua việc đồng đi với Đức Giê-hô-va cũng như vâng lời ngài trong mọi điều, Nô-ê cho thấy một người có thể được sống sót. Theo nghĩa này, đức tin của ông kết án thế gian thời bấy giờ và vạch trần sự gian ác vào thời đó. Đức tin ấy đã cứu ông cùng gia đình. Nếu noi theo đức tin của Nô-ê, bạn cũng có thể cứu mình và những người thân yêu. Như Nô-ê, bạn có thể đồng đi với Giê-hô-va Đức Chúa Trời như người bạn. Hơn nữa, mối quan hệ này có thể gắn bó mãi mãi!

^ đ. 10 Vào thời xưa, người ta sống thọ hơn chúng ta rất nhiều. Họ sống lâu như thế dường như vì gần tình trạng hoàn hảo và tràn trề sức sống của A-đam và Ê-va. Nhưng hai người này đã đánh mất điều đó.

^ đ. 20 Lê-méc đặt tên cho con là Nô-ê, có thể có nghĩa là “nghỉ ngơi; an ủi”, và tiên tri rằng Nô-ê sẽ làm ứng nghiệm ý nghĩa của tên mình bằng cách dẫn nhân loại ra khỏi việc nhọc nhằn trên đất bị rủa sả đến sự nghỉ ngơi (Sáng-thế Ký 5:28, 29). Lê-méc không sống để chứng kiến lời tiên tri này được ứng nghiệm.