Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 KINH THÁNH THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG

Họ dùng Kinh Thánh để giải đáp mọi câu hỏi!

Họ dùng Kinh Thánh để giải đáp mọi câu hỏi!
  • NĂM SINH: 1950

  • NƠI SINH: TÂY BAN NHA

  • QUÁ KHỨ: NỮ TU SĨ

ĐỜI SỐNG TRƯỚC ĐÂY:

Khi tôi chào đời, cha mẹ tôi đang sở hữu một nông trại nhỏ tại một làng quê ở Galicia, tây bắc của Tây Ban Nha. Tôi là con thứ tư trong tám người con. Không khí gia đình tôi rất ấm cúng. Ở Tây Ban Nha vào thời đó, thường ít nhất một người con trong mỗi gia đình vào học trường dòng hoặc tu viện. Ba anh em tôi đã làm thế.

Khi lên 13, tôi theo chân chị gái vào tu viện ở Madrid. Môi trường trong đó rất lạnh lùng. Không có tình bạn, chỉ tồn tại những luật lệ, bài kinh và sự khổ hạnh. Sáng sớm, chúng tôi nhóm lại trong nhà nguyện để suy ngẫm, dù đầu óc tôi thường trống rỗng. Sau đó, chúng tôi hát thánh ca và tổ chức Lễ Mi-sa, tất cả đều trong tiếng La-tinh. Tôi hầu như không hiểu gì và cảm thấy Đức Chúa Trời xa cách với mình. Những tháng ngày trôi qua trong sự thầm lặng và khắt khe. Ngay cả khi được gặp chị gái, chúng tôi cũng chỉ có thể nói với nhau câu: “Kính mừng Maria đồng trinh”. Các xơ chỉ cho phép tất cả chúng tôi nói chuyện nửa tiếng sau bữa ăn. Thật khác xa với đời sống gia đình hạnh phúc ở nhà! Tôi cảm thấy cô độc và thường xuyên khóc.

Dù chưa từng cảm thấy gần gũi với Đức Chúa Trời, tôi đã hứa nguyện để trở thành tu sĩ vào năm 17 tuổi. Thật sự mà nói, tôi chỉ làm thế để đáp ứng kỳ vọng của người khác. Tuy nhiên, không lâu sau đó, tôi bắt đầu nghi ngờ liệu mình có thật sự được Chúa gọi không. Các xơ thường dọa là những ai nghi ngờ như vậy thì sẽ bị đày xuống hỏa ngục! Dù vậy, những suy nghĩ ấy vẫn lởn vởn trong trí tôi. Tôi biết rằng Chúa Giê-su Ki-tô không tự cô lập, thay vì thế, ngài bận rộn dạy dỗ và giúp đỡ người khác (Ma-thi-ơ 4:23-25). Đến khi 20 tuổi, tôi thấy không còn lý do gì để tiếp tục làm tu sĩ. Thật bất ngờ khi mẹ bề trên nói rằng nếu tôi vẫn phân vân thì tốt hơn nên rời tu viện càng sớm càng tốt. Tôi đoán là bà sợ tôi ảnh hưởng đến người khác. Vậy nên tôi rời tu viện.

Khi tôi trở về nhà, cha mẹ rất thông cảm cho tôi. Nhưng vì không tìm được việc ở quê, tôi di cư sang Đức sống với  một em trai. Em trai tôi là thành viên của một nhóm chính trị gồm những người Tây Ban Nha tha hương. Tôi cảm thấy thoải mái khi kết hợp với những người đấu tranh cho quyền lợi của công nhân và sự bình đẳng của phụ nữ. Vì vậy, tôi gia nhập nhóm này, rồi kết hôn với một thành viên trong đó. Tôi nghĩ mình đang làm được một việc hữu ích khi phân phát tài liệu chính trị của nhóm và tham gia vào những cuộc biểu tình.

Tuy nhiên, với thời gian, tôi lại bị thất vọng. Tôi thấy những người thuộc nhóm này thường không làm được như những gì họ nói. Nỗi ngờ vực của tôi gia tăng khi một số thành viên trẻ trong nhóm đã thiêu hủy Lãnh sự quán Tây Ban Nha ở Frankfurt vào năm 1971. Mục tiêu của họ là phản đối tình trạng bất công của chế độ độc tài ở Tây Ban Nha. Nhưng theo tôi, cách thể hiện sự phẫn nộ như thế không đúng.

Sau khi sinh đứa con đầu lòng, tôi nói với chồng rằng tôi sẽ không tham dự các buổi họp của nhóm nữa. Tôi rất cô đơn khi không một ai trong những bạn cũ đến thăm tôi và cháu bé. Tôi tự hỏi: “Đâu là mục đích của đời sống? Việc nỗ lực cải thiện xã hội có thật sự đáng công không?”.

CÁCH KINH THÁNH THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG:

Vào năm 1976, một cặp vợ chồng Nhân Chứng người Tây Ban Nha gõ cửa nhà tôi và mời tôi nhận vài ấn phẩm Kinh Thánh. Khi họ trở lại thăm lần sau, tôi đặt một tràng câu hỏi về tình trạng đau khổ, sự bất bình đẳng và bất công. Tôi rất ngạc nhiên khi họ dùng Kinh Thánh để giải đáp mọi câu hỏi! Thế là tôi liền chấp nhận học Kinh Thánh.

Lúc đầu, tôi chỉ thích học vì ham hiểu biết. Nhưng mọi thứ thay đổi kể từ khi tôi cùng chồng bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp tại Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va. Lúc ấy, chúng tôi đã có hai con trai. Các Nhân Chứng tử tế đón chúng tôi đến hội thánh và giúp chăm sóc các cháu nhỏ trong giờ nhóm. Càng ngày tôi càng cảm thấy gần gũi với các Nhân Chứng.

Dù vậy, tôi vẫn còn một số thắc mắc. Thế nên, tôi quyết định về Tây Ban Nha thăm gia đình. Chú tôi là một linh mục, ông tìm cách ngăn cản tôi học Kinh Thánh. Nhưng các Nhân Chứng địa phương giúp tôi rất nhiều. Họ trả lời các câu hỏi của tôi dựa trên Kinh Thánh, y như các Nhân Chứng ở Đức đã làm. Tôi nhất quyết là sẽ tiếp tục học Kinh Thánh khi trở lại Đức. Dù chồng tôi quyết định ngưng học, tôi vẫn quyết tâm thực hiện điều mình đã định. Vào năm 1978, tôi làm báp-têm và trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va.

LỢI ÍCH:

Nhờ sự hiểu biết chính xác về sự thật trong Kinh Thánh, tôi tìm được mục đích và sự hướng dẫn rõ ràng cho đời sống. Chẳng hạn, 1 Phi-e-rơ 3:1-4 khuyên những người làm vợ “vâng phục chồng” với “lòng kính trọng sâu xa” và vun trồng “tính tình mềm mại và điềm đạm, là điều có giá trị lớn trước mắt Đức Chúa Trời”. Những nguyên tắc như thế đã giúp tôi chu toàn vai trò làm vợ và làm mẹ.

Khoảng 35 năm đã trôi qua kể từ ngày tôi trở thành Nhân Chứng. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được phụng sự Đức Chúa Trời trong gia đình thiêng liêng thật sự và vui mừng thấy bốn trong số năm người con của tôi cũng làm thế.