Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | LÀM SAO VƯỢT QUA NỖI LO LẮNG?

Lo lắng về mối nguy hiểm

Lo lắng về mối nguy hiểm

Chị Alona cho biết: “Khi nghe còi báo động, tim tôi đập thình thịch, tôi chạy đến hầm tránh bom. Nhưng ở đó tôi vẫn còn lo. Khi tôi ở ngoài, sự việc còn tệ hơn vì không có nơi nào để trú ẩn. Có lần, khi đang đi trên đường, tôi bắt đầu khóc và không thể thở. Phải mất hàng giờ tôi mới bình tĩnh lại được. Rồi còi báo động lại vang lên”.

Chị Alona

Chiến tranh chỉ là một trong những mối nguy hiểm. Chẳng hạn, khi phát hiện chính bạn hoặc một người thân đang bị căn bệnh đe dọa mạng sống, có lẽ bạn cảm thấy mình như bị trúng bom. Đối với những người khác, sự sợ hãi về tương lai có thể khiến họ lo lắng. Họ lo: “Liệu con cháu mình có phải sống trong một thế giới đầy tội ác, chiến tranh, ô nhiễm, khí hậu thay đổi và dịch bệnh không?”. Làm thế nào chúng ta có thể đối phó với những mối lo lắng ấy?

Khi biết được điều xấu xảy ra, “người khôn-khéo thấy trước sự tai-hại, bèn lo ẩn-núp mình” (Châm-ngôn 27:12). Giống như việc chăm sóc sức khỏe thể chất, chúng ta có thể thực hiện những bước để bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình. Giải trí bạo lực và các bản tin đầy những hình ảnh kinh khiếp làm bạn và con cái thêm lo lắng. Việc tránh xem những hình ảnh bạo lực ấy không có nghĩa là chúng ta lờ đi thực tại. Đức Chúa Trời không tạo ra bộ não để chúng ta cứ nghĩ đến điều ác. Thay vì thế, chúng ta nên lấp đầy tâm trí mình bằng “điều gì chân thật,... công chính,... trong sạch,... đáng yêu quý”. Nếu làm thế, “Đức Chúa Trời bình an” sẽ ban cho chúng ta sự bình an tâm trí.—Phi-líp 4:8, 9.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC CẦU NGUYỆN

Đức tin thật giúp chúng ta đối phó với nỗi lo lắng. Kinh Thánh khuyến khích: “Hãy tỉnh thức trong việc cầu nguyện” (1 Phi-e-rơ 4:7). Chúng ta có thể cầu xin Đức Chúa Trời trợ giúp và ban sự khôn ngoan, lòng can đảm để đối phó thành công trước hoàn cảnh của mình, tin chắc rằng “ngài nghe bất cứ điều gì mình xin”.—1 Giăng 5:15.

Chồng chị, anh Avi

Kinh Thánh cho biết Sa-tan là “kẻ cai trị thế gian này”, chứ không phải Đức Chúa Trời, và “cả thế gian nằm dưới quyền của Kẻ Ác” (Giăng 12:31; 1 Giăng 5:19). Vì thế, khi dạy chúng ta cầu nguyện: “Cứu chúng con khỏi Kẻ Ác”, Chúa Giê-su cho biết Sa-tan có thật và sự giải cứu của Đức Giê-hô-va cũng là thật (Ma-thi-ơ 6:13). Chị Alona nói: “Mỗi khi tiếng còi vang lên, tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp tôi kiềm chế cảm xúc của mình. Chồng tôi cũng gọi điện và cùng cầu nguyện với tôi. Việc cầu nguyện thật sự giúp ích”. Như Kinh Thánh nói: “Đức Giê-hô-va ở gần mọi người cầu-khẩn Ngài. Tức ở gần mọi người có lòng thành-thực cầu-khẩn Ngài”.—Thi-thiên 145:18.

HY VỌNG VỀ TƯƠNG LAI

Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su dạy môn đồ cầu nguyện: “Xin Nước Cha được đến” (Ma-thi-ơ 6:10). Nước Cha hay chính phủ của Đức Chúa Trời sẽ xóa bỏ vĩnh viễn mọi nỗi lo lắng. Qua “Chúa Bình-an” là Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời sẽ “dẹp yên giặc cho đến đầu-cùng trái đất” (Ê-sai 9:5; Thi-thiên 46:9). “[Đức Chúa Trời] sẽ làm ra sự phán-xét giữa nhiều dân... nước nầy chẳng giá gươm lên nghịch cùng nước khác, và cũng không tập sự chiến tranh nữa... không ai làm cho lo-sợ” (Mi-chê 4:3, 4). Những gia đình hạnh phúc “sẽ xây nhà và ở, trồng vườn nho và ăn trái” (Ê-sai 65:21). “Dân-cư sẽ không nói rằng: Tôi đau”.—Ê-sai 33:24.

Ngày nay, dù hết sức cảnh giác nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngăn chặn được những sự bất trắc xảy ra hoặc tránh có mặt không đúng nơi, đúng lúc (Truyền-đạo 9:11). Hàng thế kỷ trôi qua, chiến tranh, bạo lực và bệnh tật không ngừng giết hại người tốt. Vậy, những nạn nhân vô tội ấy có hy vọng nào không?

Vô số người sẽ được sống lại và chỉ có Đức Chúa Trời mới biết số lượng. Bây giờ họ đang ngủ, an toàn trong trí nhớ hoàn hảo của Đức Chúa Trời, và đợi cho đến khi “mọi người trong mồ mả... ra khỏi” (Giăng 5:28, 29). Nói về sự sống lại, Kinh Thánh cam đoan với chúng ta: “Niềm hy vọng ấy như một cái neo cho sự sống chúng ta, chắc chắn và vững vàng” (Hê-bơ-rơ 6:19). Đức Chúa Trời “đoan chắc điều này với mọi người qua việc làm cho [Chúa Giê-su] sống lại”.—Công vụ 17:31.

Ngày nay, ngay cả những người đang cố gắng làm vui lòng Đức Chúa Trời cũng đối phó với lo lắng. Anh Paul, chị Janet và chị Alona tiếp tục vượt qua nỗi lo lắng nhờ áp dụng các bước thực tế, đến gần Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện, vun đắp niềm tin nơi hy vọng về tương lai được ghi trong Kinh Thánh. Như ngài đã giúp đỡ các anh chị ấy, ‘nguyện Đức Chúa Trời, đấng ban hy vọng, làm cho bạn tràn đầy niềm vui và sự bình an bởi bạn tin cậy nơi ngài’.—Rô-ma 15:13.