HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | ĐÊ-BÔ-RA
‘Ta như một người mẹ trong Y-sơ-ra-ên’
Đê-bô-ra quan sát binh lính đang tập hợp trên núi Tha-bô. Thật cảm động khi thấy họ có mặt ở đấy. Trong ánh nắng ban mai, bà nghĩ đến lòng can đảm và đức tin của Ba-rác, thủ lĩnh đội quân. Dù có 10.000 quân dũng mãnh nhưng họ gặp thử thách lớn về đức tin và lòng can đảm trong ngày hôm ấy. Với vũ khí thô sơ, quân Y-sơ-ra-ên sắp tiến đánh một đám quân thù tàn ác và đông đảo hơn nhiều. Nhưng dù gì thì họ cũng đã đến đây, chủ yếu là do lời động viên của một phụ nữ.
Hãy tưởng tượng về Đê-bô-ra, quần áo bà kêu sột soạt trong cơn gió nhẹ khi bà và Ba-rác quan sát bao quát cảnh dốc núi. Núi Tha-bô như cái nón lớn, đỉnh phẳng. Từ đỉnh núi cao khoảng 400m, người ta có thể nhìn xuống đồng bằng Esdraelon, trải rộng như hình cánh quạt về hướng tây nam. Sông Ki-sôn lượn quanh đồng cỏ, qua núi Cạt-mên và đổ ra Biển Lớn. Có lẽ lòng sông khô cạn vào buổi sáng, nhưng có gì đó chiếu lấp lánh trên cánh đồng mênh mông. Đội quân của Si-sê-ra đang tiến gần, mối đe dọa sắp ập đến. Lực lượng của Si-sê-ra gồm các binh lính tinh nhuệ điều khiển khoảng 900 chiến xa được trang bị những lưỡi hái bằng sắt nhô ra từ trục xe. Si-sê-ra có ý định quét sạch đội quân Y-sơ-ra-ên yếu thế như người ta gặt lúa mạch!
Bà Đê-bô-ra biết rằng Ba-rác và binh lính của ông đang chờ hiệu lệnh của bà. Có phải bà là phụ nữ duy nhất ở đây không? Bà cảm thấy thế nào khi gánh vác trọng trách trong hoàn cảnh ấy? Liệu bà có thắc mắc mình đang làm gì ở đó? Không! Giê-hô-va Đức Chúa Trời của bà phán rằng bà hãy khởi xướng cuộc tiến quân; ngài cũng tiết lộ là sẽ dùng một phụ nữ để giúp dân ngài chiến thắng (Các Quan Xét 4:9). Gương của Đê-bô-ra và các chiến binh dũng cảm có thể dạy chúng ta bài học gì về đức tin?
“ĐI THẲNG ĐẾN NÚI THA-BÔ”
Lần đầu đề cập đến Đê-bô-ra, Kinh Thánh gọi bà là “nữ tiên-tri”. Tước hiệu này làm cho bà khác biệt nhưng bà không phải là người duy nhất. * Đê-bô-ra có một trách nhiệm khác. Dường như bà cũng xử lý những vụ kiện bằng cách cho người ta biết câu trả lời của Đức Giê-hô-va.—Các Quan Xét 4:4, 5.
Đê-bô-ra sống trong vùng núi Ép-ra-im, giữa thành Ra-ma và Bê-tên. Tại đây, bà ngồi dưới cây chà là và phục vụ dân sự theo chỉ thị của Đức Giê-hô-va. Chắc chắn nhiệm vụ của bà đầy thách đố, nhưng bà không nản chí. Mọi người rất cần bà. Thật ra, sau này bà có phần trong việc sáng tác một bài ca được Đức Chúa Trời hướng dẫn, trong đó có những lời miêu tả về dân Y-sơ-ra-ên bất trung: “Người ta đã chọn các thần mới: Tức thì cơn giặc có tại trước cửa thành” (Các Quan Xét 5:8). Vì dân Y-sơ-ra-ên đã lìa bỏ Đức Giê-hô-va để thờ các thần khác, nên Đức Giê-hô-va phó họ vào tay kẻ thù. Vua Gia-bin của Ca-na-an thống trị họ với sự trợ giúp của vị thống lãnh dũng mãnh tên Si-sê-ra.
Si-sê-ra! Nghe đến tên này thôi cũng đủ làm dân Y-sơ-ra-ên kinh khiếp. Tôn giáo và văn hóa của dân Ca-na-an rất ghê tởm, trong đó có việc dâng con tế thần và hành dâm ở đền thờ. Điều gì xảy ra khi vị Các Quan Xét 5:6, 7). Chúng ta có thể hình dung người ta ẩn mình trong rừng và đồi núi, không dám chăn nuôi, trồng trọt hay sinh sống trong những làng không có vách thành. Họ ngại việc đi lại trên những con đường thênh thang vì sợ bị tấn công, con cái bị bắt cóc và phụ nữ bị hãm hiếp. *
thống lãnh và đội quân Ca-na-an chiếm xứ này? Bài ca của Đê-bô-ra cho thấy không ai qua lại và sinh sống trong vùng ấy (Nỗi kinh hoàng bao trùm suốt 20 năm cho tới khi Đức Giê-hô-va thấy dân cứng lòng của ngài sẵn sàng thay đổi, hoặc như Đê-bô-ra và Ba-rác đã hát: “Cho đến chừng ta là Đê-bô-ra chỗi dậy như một người mẹ trong Y-sơ-ra-ên”. Chúng ta không biết Đê-bô-ra, vợ của Láp-bi-đốt, có phải là một người mẹ hay không, nhưng câu này hiểu theo nghĩa bóng. Đức Giê-hô-va giao cho Đê-bô-ra công việc bảo vệ xứ sở như một người mẹ. Ngài chỉ thị cho bà sai gọi người đàn ông có đức tin mạnh là quan xét Ba-rác và bảo ông nổi lên chống lại Si-sê-ra.—Các Quan Xét 4:3, 6, 7; 5:7.
Qua Đê-bô-ra, Đức Giê-hô-va chỉ thị: “Đi thẳng đến núi Tha-bô”. Ba-rác tập hợp 10.000 người từ hai chi phái Y-sơ-ra-ên. Đê-bô-ra cho biết Đức Chúa Trời hứa rằng họ sẽ đánh bại tướng Si-sê-ra hùng mạnh và 900 chiến xa của hắn! Hẳn Ba-rác kinh ngạc trước lời hứa này. Dân Y-sơ-ra-ên không có quân đội, hầu như không có khí giới. Nhưng Ba-rác sẵn sàng ra trận, với điều kiện Đê-bô-ra cũng lên núi Tha-bô.—Các Quan Xét 4:6-8; 5:6-8.
Vì lời yêu cầu ấy mà Ba-rác bị xem là yếu đức tin, nhưng thật ra không phải vậy. Suy cho cùng, ông không xin Đức Chúa Trời cho ông nhiều khí giới. Thay vì thế, là người có đức tin, Ba-rác nhận thấy có người đại diện của Đức Giê-hô-va ở đấy để làm ông cùng binh lính vững mạnh là điều quan trọng (Hê-bơ-rơ 11:32, 33). Đức Giê-hô-va đã nhậm lời. Ngài cho phép Đê-bô-ra đi cùng, như lời yêu cầu của Ba-rác. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va cũng hướng dẫn bà tiên tri về thắng lợi cuối cùng sẽ không thuộc về một người đàn ông (Các Quan Xét 4:9). Đức Chúa Trời quyết định một phụ nữ sẽ giết tên Si-sê-ra gian ác!
Trong thế giới ngày nay, phụ nữ chịu quá nhiều bất công, bạo hành và bị lăng mạ. Hiếm có phụ nữ được tôn trọng phẩm giá theo như ý của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trước mặt Đức Chúa Trời, ngài xem phụ nữ cũng như đàn ông có giá trị và vị thế ngang nhau (Rô-ma 2:11; Ga-la-ti 3:28). Trường hợp của Đê-bô-ra nhắc chúng ta nhớ rằng ngài cũng ban cho phụ nữ đặc ân và cho thấy dấu hiệu ngài tin cậy cũng như hài lòng về họ. Điều trọng yếu là chúng ta đừng bao giờ có thành kiến như tinh thần phổ biến trong thế gian này.
“ĐẤT RÚNG ĐỘNG, VÀ TRỜI ĐỔ CƠN MƯA”
Ba-rác tụ tập quân lính. Ông tập hợp 10.000 người can đảm đứng dậy chống lại lực lượng hùng mạnh của Si-sê-ra. Khi Ba-rác dẫn đoàn quân tiến lên núi Tha-bô, ông rất vui vì đã tìm ra cách giúp họ can đảm hơn. Kinh Thánh nói: “Đê-bô-ra cũng đi lên với người” (Các Quan Xét 4:10). Hãy hình dung các binh lính này phấn khởi thế nào khi thấy người phụ nữ can đảm cùng họ đi lên núi Tha-bô, sẵn sàng liều mạng sát cánh bên họ vì có đức tin nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời!
Khi Si-sê-ra nghe tin dân Y-sơ-ra-ên cả gan tập hợp đội quân chống lại hắn, hắn nhanh chóng hành động. Một số vua Ca-na-an liên minh với vua Gia-bin. Có lẽ vua Gia-bin có quyền lực mạnh nhất trong các vua này. Sau đó, đội chiến xa hùng hậu của Si-sê-ra làm đất rúng động khi ầm ầm băng qua cánh đồng. Quân Ca-na-an tin chắc chúng sẽ đánh bại quân Y-sơ-ra-ên cách thảm hại.—Các Quan Xét 4:12, 13; 5:19.
Ba-rác và Đê-bô-ra sẽ làm gì khi kẻ thù tiến đến? Nếu họ vẫn ở trên sườn núi Tha-bô, có lẽ họ có lợi thế trước lực lượng hùng hậu Ca-na-an vì những chiến xa cần vùng đất bằng phẳng để ra trận cách hiệu quả. Nhưng Ba-rác sẽ tiến đánh theo chỉ thị của Đức Giê-hô-va, nên ông đợi hiệu lệnh của Đê-bô-ra. Cuối cùng, thời khắc ấy đã đến. Bà nói: “Hãy đứng dậy, vì nầy là ngày Đức Giê-hô-va phó Si-sê-ra vào tay ngươi. Đức Giê-hô-va há chẳng đi đằng trước ngươi sao?”. Kế tiếp, Kinh Thánh cho biết: “Ba-rác đi xuống núi Tha-bô, có mười ngàn người theo sau”.—Các Quan Xét 4:14. *
Lực lượng của quân Y-sơ-ra-ên xuống núi và tràn xuống đồng bằng thênh thang, nhắm thẳng vào những cỗ chiến xa đáng sợ ấy. Liệu Đức Giê-hô-va có đi đằng trước họ, như Đê-bô-ra đã hứa không? Họ không cần phải đợi lâu. Kinh Thánh nói: “Đất rúng động, và trời đổ cơn mưa” (Các Quan Xét 5:4, ĐNB). Lực lượng kiêu ngạo của Si-sê-ra hỗn loạn. Mưa trút xuống như thác đổ! Dường như những dòng nước chảy xiết dâng lên nhanh gây ngập lụt. Chẳng bao lâu, các chiến xa bằng sắt nặng nề trở nên vô dụng. Chúng bị nhận chìm trong bùn và sa lầy.—Các Quan Xét 4:14, 15.
Ba-rác và quân đội ông không hề hấn gì cả. Họ biết cơn bão đến từ đâu. Họ tức tốc tấn công đội quân Ca-na-an. Hành động như những người thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời, quân Y-sơ-ra-ên giết sạch binh lính của Si-sê-ra. Nước sông Ki-sôn dâng lên và gây ngập lụt, cuốn trôi xác chết ra Biển Lớn.—Các Quan Xét 4:16; 5:21.
Ngày nay, Đức Giê-hô-va không cho phép tôi tớ ngài đánh trận theo nghĩa đen, nhưng ngài muốn họ tham gia trận chiến thiêng liêng (Ma-thi-ơ 26:52; 2 Cô-rinh-tô 10:4). Nếu cố gắng vâng lời Đức Chúa Trời, thì chúng ta cho thấy mình chọn đứng về phía nào trong cuộc chiến đó. Chúng ta cần can đảm, vì những ai đứng về phía Đức Chúa Trời có thể phải đối mặt với sự chống đối gay go. Nhưng Đức Giê-hô-va không thay đổi. Như ngài đã bảo vệ Đê-bô-ra, Ba-rác và các chiến binh dũng cảm ở xứ Y-sơ-ra-ên xưa, thì những ai đặt đức tin và lòng tin cậy nơi ngài cũng sẽ được như thế.
“NGƯỜI PHỤ NỮ ĐƯỢC PHƯỚC NHẤT”
Nhưng kẻ tồi tệ nhất trong đạo quân Ca-na-an đã trốn thoát! Si-sê-ra, kẻ áp bức dân Đức Chúa Trời cách tàn nhẫn, đã bỏ trốn để thoát thân. Bỏ mặc quân lính chết trong bùn lầy, hắn len lách qua đội quân Y-sơ-ra-ên và tìm đường đến nơi an toàn hơn, chạy về phía đồng minh gần nhất mà hắn nghĩ đến. Hối hả vượt qua nhiều dặm địa hình trắc trở, lo sợ quân Y-sơ-ra-ên tìm thấy mình, Si-sê-ra chạy đến trại của Hê-be, một người Kê-nít. Vì không còn kết thân với dân du mục, nên Hê-be đi về hướng nam và kết thân với vua Gia-bin.—Các Quan Xét 4:11, 17.
Kiệt sức, Si-sê-ra đến trại của Hê-be thì Hê-be không có ở nhà, chỉ có vợ là Gia-ên mà thôi. Dường
như Si-sê-ra cho rằng bà Gia-ên sẽ tôn trọng mối giao hảo của chồng bà với vua Gia-bin. Có lẽ hắn không tưởng tượng được một phụ nữ lại có thể hành động hoặc ngay cả suy nghĩ khác với ý chồng. Rõ ràng Si-sê-ra không biết gì về Gia-ên! Chắc chắn bà đã chứng kiến những điều độc ác mà dân áp bức Ca-na-an đã gây ra trong xứ này; rất có thể bà biết mình phải lựa chọn. Bà có thể giúp gã đàn ông gian ác này hoặc đứng về phía Đức Giê-hô-va và giáng một đòn vào kẻ thù của dân ngài. Nhưng làm sao một phụ nữ lại có thể đánh gục một chiến binh dày dạn và dũng mãnh như thế?Gia-ên phải quyết định tức thì. Bà mời Si-sê-ra vào lều nghỉ ngơi. Hắn bảo nếu có người tìm mình, bà đừng tiết lộ. Khi hắn nằm xuống thì bà đắp mền cho hắn và khi hắn xin nước thì bà cho hắn uống sữa. Si-sê-ra liền chìm vào giấc ngủ say. Sau đó, Gia-ên lấy hai dụng cụ mà phụ nữ du mục thường khéo dùng: cọc lều và cây búa. Cúi mình xuống gần đầu Si-sê-ra, bà làm một điều đáng sợ: hành quyết kẻ thù của dân Đức Giê-hô-va. Chỉ cần một chút bất cẩn hoặc lưỡng lự thì mọi chuyện sẽ thất bại. Phải chăng bà đã nghĩ đến dân Đức Chúa Trời và về cách Si-sê-ra đối xử tàn nhẫn với họ suốt những thập niên qua? Hoặc bà có nghĩ đến đặc ân được đứng về phía Đức Giê-hô-va không? Kinh Thánh không cho biết điều này. Chúng ta chỉ biết bà đã hành động. Si-sê-ra chết!—Các Quan Xét 4:18-21; 5:24-27.
Sau đó, Ba-rác lùng sục khắp nơi để tìm kiếm kẻ thù. Khi Gia-ên chỉ cho Ba-rác thấy thi thể Si-sê-ra bị cây cọc lều đâm xuyên màng tang, ông biết rằng lời tiên tri của Đê-bô-ra đã thành sự thật. Một phụ nữ đã giết chiến binh Si-sê-ra dũng mãnh! Các nhà phê bình và người hoài nghi thời hiện đại cho rằng Gia-ên có hành động gian ác, nhưng Ba-rác và Đê-bô-ra hiểu rõ hơn. Trong bài ca được Đức Chúa Trời hướng dẫn, họ đã ca ngợi Gia-ên là “người phụ nữ được phước nhất” vì bà rất can đảm (Các Quan Xét 4:22; 5:24, ĐNB). Hãy để ý đến lòng cao thượng của Đê-bô-ra. Bà không ganh tỵ với Gia-ên. Thay vì thế, bà chỉ quan tâm đến lời hứa Đức Giê-hô-va đã được ứng nghiệm.
Khi Si-sê-ra chết, quyền lực của vua Gia-bin bị ảnh hưởng trầm trọng và sự áp bức của người Ca-na-an không còn nữa. Hòa bình ngự trị trong xứ Y-sơ-ra-ên suốt 40 năm (Các Quan Xét 4:24; 5:31). Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã ban phước cho Đê-bô-ra, Ba-rác và Gia-ên vì đã đặt đức tin nơi ngài! Nếu chúng ta noi theo đức tin của Đê-bô-ra, can đảm đứng về phía Đức Giê-hô-va và khuyến khích người khác cũng làm thế, thì Đức Giê-hô-va sẽ ban phước để chúng ta chiến thắng kẻ thù và được bình an mãi mãi.
^ đ. 7 Các nữ tiên tri khác gồm Mi-ri-am, Hun-đa và vợ của Ê-sai.—Xuất Ê-díp-tô Ký 15:20; 2 Các Vua 22:14; Ê-sai 8:3.
^ đ. 9 Bài ca của Đê-bô-ra cho thấy từ chiến trường trở về, Si-sê-ra thường bắt phụ nữ để cho binh lính của hắn, đôi khi mỗi người được vài cô gái (Các Quan Xét 5:30). Từ được dịch “con gái” trong câu này có nghĩa đen là “tử cung”. Ngôn ngữ này cho chúng ta biết phụ nữ thời bấy giờ chỉ được xem là có giá trị nhờ cơ quan sinh sản. Rất có thể việc cưỡng hiếp là điều phổ biến.
^ đ. 17 Trận chiến này được đề cập hai lần trong Kinh Thánh, một lần trong lời tường thuật lịch sử được ghi nơi Các Quan Xét chương 4, một lần trong bài ca của Đê-bô-ra và Ba-rác nơi chương 5. Hai lời tường thuật này bổ sung nhau, mỗi phần cung cấp những chi tiết mà phần kia không có.