Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | THƯỢNG ĐẾ NGHĨ GÌ VỀ CHIẾN TRANH?

Quan điểm của Đức Chúa Trời về chiến tranh vào thế kỷ thứ nhất

Quan điểm của Đức Chúa Trời về chiến tranh vào thế kỷ thứ nhất

Thời đó người dân đang bị áp bức. Như tổ phụ của họ, dân Do Thái vào thế kỷ thứ nhất đã không ngừng cầu xin Đức Chúa Trời giải thoát, lần này là khỏi ách đô hộ của đế quốc La Mã. Rồi họ nghe nói về Chúa Giê-su. Liệu ngài có phải là Đấng Mê-si như được báo trước không? Chẳng ngạc nhiên gì khi nhiều người “hy vọng ngài là đấng được chọn để giải cứu Y-sơ-ra-ên” khỏi ách áp bức La Mã (Lu-ca 24:21). Nhưng họ không thấy sự giải thoát nào cả. Thay vì thế, năm 70 công nguyên, đội quân La Mã đã tiến đến phá hủy thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ ở đó.

Điều gì đã xảy ra? Sao Đức Chúa Trời không chiến đấu cho dân Do Thái như ngài đã làm trong quá khứ? Tại sao ngài không cho phép họ tham gia chiến tranh để thoát khỏi ách áp bức? Quan điểm của Đức Chúa Trời về chiến tranh có thay đổi không? Không. Nhưng có một thay đổi lớn liên quan đến dân Do Thái. Họ đã chối bỏ Con Đức Chúa Trời, tức Chúa Giê-su, là Đấng Mê-si (Công vụ 2:36). Vì thế, với tư cách là một dân tộc, họ mất mối quan hệ đặc biệt với Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 23:37, 38.

Dân Do Thái và Đất Hứa không còn được Đức Chúa Trời bảo vệ, họ không bao giờ có thể chính đáng tuyên bố rằng mình đang tham gia cuộc chiến mà Đức Chúa Trời chấp nhận và hỗ trợ. Như Chúa Giê-su báo trước, ân huệ của Đức Chúa Trời đã được chuyển từ dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống sang một dân tộc mới, một dân tộc thiêng liêng, sau này được gọi là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 6:16; Ma-thi-ơ 21:43). Hội thánh gồm các tín đồ được xức dầu chính là dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời. Vào thế kỷ thứ nhất, Đức Chúa Trời phán rõ với họ: ‘Nay anh em là dân của Đức Chúa Trời’.—1 Phi-e-rơ 2:9, 10.

Vì giờ đây các tín đồ được xức dầu vào thế kỷ thứ nhất là “dân của Đức Chúa Trời”, nên ngài có thay họ chiến đấu để giải thoát họ khỏi ách áp bức La Mã không? Hoặc ngài có cho phép họ nổi lên chống lại những kẻ áp bức không? Không. Tại sao? Khi nói đến cuộc chiến theo lệnh của Đức Chúa Trời, thì chỉ có Đức Chúa Trời mới xác định khi nào cuộc chiến ấy nổ ra, như được đề cập ở bài trước. Đức Chúa Trời không chiến đấu thay cho các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất, ngài cũng không cho phép họ tham gia chiến tranh. Rõ ràng, thế kỷ thứ nhất không phải là thời điểm Đức Chúa Trời chiến đấu chống lại sự gian ác và áp bức.

Vì thế, như tôi tớ của Đức Chúa Trời vào thời xưa, các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất phải chờ đợi cho đến khi ngài chấm dứt sự gian ác và áp bức. Trong khi chờ đợi, ngài không cho phép họ tự trả thù bằng cách gây chiến với kẻ thù. Chúa Giê-su dạy rõ về điều này. Ví dụ, ngài không chỉ thị các môn đồ tham gia chiến tranh, nhưng phán với họ: “Hãy luôn yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi mình” (Ma-thi-ơ 5:44). Khi Chúa Giê-su báo trước thời điểm thành Giê-ru-sa-lem vào thế kỷ thứ nhất sẽ bị quân La Mã tấn công, ngài lệnh cho các môn đồ đừng ở lại chiến đấu mà hãy chạy trốn, và họ đã làm thế.—Lu-ca 21:20, 21.

Hơn nữa, dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, sứ đồ Phao-lô viết: “Anh em đừng trả thù... vì có lời viết: ‘Sự trả thù là của ta, ta sẽ báo trả, Đức Giê-hô-va phán vậy’” (Rô-ma 12:19). Phao-lô đã trích lại những lời Đức Chúa Trời phán cách đây hàng thế kỷ, như được ghi nơi Lê-vi Ký 19:18 và Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:35. Như chúng ta đã xem xét trong bài trước, một cách Đức Chúa Trời báo thù cho dân của ngài vào thời xa xưa là hỗ trợ họ trong các cuộc chiến chống lại kẻ thù. Vì thế những lời của Phao-lô cho thấy quan điểm của Đức Chúa Trời về chiến tranh vẫn không thay đổi. Vào thế kỷ thứ nhất, Đức Chúa Trời xem chiến tranh là cách chính đáng để báo thù cho tôi tớ ngài và chấm dứt các hình thức áp bức, gian ác. Tuy nhiên, như những gì diễn ra trong quá khứ, chỉ có Đức Chúa Trời mới xác định khi nào cuộc chiến diễn ra và ai tham chiến.

Rõ ràng, Đức Chúa Trời không cho phép tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất tham gia chiến tranh. Nhưng còn ngày nay thì sao? Ngài có cho phép bất cứ nhóm người nào tham gia chiến tranh không? Hoặc có phải đây là lúc Đức Chúa Trời can thiệp và chiến đấu thay cho tôi tớ ngài không? Thời nay Đức Chúa Trời có quan điểm nào về chiến tranh? Bài cuối trong loạt bài này sẽ giải đáp các câu hỏi trên.