Đi đến nội dung

Trung tâm Tư liệu Munich về Lịch sử Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia (bên phải) gần đây đã tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt về Nhân Chứng Giê-hô-va dưới thời Quốc Xã. Trung tâm này tọa lạc tại nơi từng là trụ sở chính của Quốc Xã.

NGÀY 18-2-2019
ĐỨC

Cuộc triển lãm ở Munich nêu bật việc Nhân Chứng Giê-hô-va bị ngược đãi dưới thời Quốc Xã

Cuộc triển lãm ở Munich nêu bật việc Nhân Chứng Giê-hô-va bị ngược đãi dưới thời Quốc Xã

Cuộc triển lãm tại Trung tâm Tư liệu Munich về Lịch sử Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia gồm có 60 tấm bảng trưng bày tài liệu và hình ảnh về việc Nhân Chứng Giê-hô-va bị ngược đãi dưới thời Quốc Xã.

Từ ngày 26-9-2018 đến ngày 6-1-2019, Trung tâm Tư liệu Munich về Lịch sử Chủ nghĩa Xã hội Quốc gia đã tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt để thu hút sự chú ý của cộng đồng về những gì mà Nhân Chứng Giê-hô-va đã trải qua dưới thời Quốc Xã. Trung tâm này tọa lạc tại nơi từng là trụ sở chính của Quốc Xã.

Trong diễn văn chào mừng tại lễ khai mạc, Giáo sư Hans-Georg Küppers, cố vấn về văn hóa của trung tâm Munich, cho biết lý do của cuộc triển lãm như sau: “Cuộc triển lãm này rất quan trọng bởi vì trong một thời gian dài, người ta không nghĩ là Nhân Chứng Giê-hô-va bị Quốc Xã ngược đãi… Mục tiêu của cuộc triển lãm là để cộng đồng được biết về những [nạn nhân] này”.

Câu chuyện lịch sử về những gì mà anh em ở Munich đã trải qua dưới thời Quốc Xã được trình bày trên 60 tấm bảng, kể lại những câu chuyện về lòng can đảm, sự trung thành và kiên cường để sống sót. Một tấm bảng kể lại câu chuyện của anh Martin và chị Gertrud Pötzinger, cả hai đã bị bắt đến những trại tập trung khác nhau chỉ vài tháng sau khi cưới. Họ không được gặp nhau trong chín năm. Cả hai anh chị đều được sống sót và sau này anh Pötzinger trở thành một thành viên trong Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va.

Chị Therese Kühner bị tử hình vào ngày 6-10-1944.

Một tấm bảng khác kể lại câu chuyện của chị Therese Kühner. Chị đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va (thời đó gọi là Học viên Kinh Thánh Quốc tế) năm 1929. Khi Đức cấm đoán Nhân Chứng, nhà chị được dùng để tổ chức các buổi nhóm họp bí mật và chị đã bắt đầu kín đáo in ấn phẩm của Nhân Chứng bằng máy in rô-nê-ô. Sau khi bị Quốc Xã phát hiện, chị bị bắt và buộc tội “xuất bản và phân phát ấn phẩm chống chính quyền cũng như làm mất nhuệ khí của quân đội”. Lòng trung thành của chị Kühner không hề suy giảm dù đối mặt với cái chết. Chị bị tử hình ngày 6-10-1944.

Một tấm bảng khác nêu bật lập trường trung lập của các anh em đã từ chối tung hô Hitler. Hành động này khiến họ trở thành mục tiêu đặc biệt và phải gánh chịu sự thù ghét cực độ của Quốc Xã.

Năm1934, Hitler thề sẽ tiêu diệt Nhân Chứng Giê-hô-va và tuyên bố: “Đám người này sẽ bị xóa sổ khỏi nước Đức!”. Các Nhân Chứng phải chịu sự ngược đãi tàn nhẫn khi Hitler cố thực thi kế hoạch độc ác của mình. Nhưng hiện nay, Hitler và chế độ Quốc Xã không còn tồn tại nữa, còn anh em chúng ta ở Đức thì gia tăng đến hơn 165.000 người. Chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va vì trong hoạn nạn, ngài ban cho chúng ta hy vọng và hy vọng ấy “không dẫn đến thất vọng”.—Rô-ma 5:3-5.